.

Coi ngày tốt, ngày xấu

.

Việc xem ngày tốt/xấu từ lâu đã trở thành truyền thống văn hóa của các dân tộc Đông phương. Với người Việt, đây là một phần không thể thiếu trong văn hóa tâm linh khi phải kén ngày chọn giờ để có mong muốn một kết quả tốt đẹp trong khởi sự các công việc hệ trọng như tang ma, cưới hỏi, làm nhà, động thổ, khai trương...

Ông Đỗ Hữu Thanh nghiên cứu nhiều sách cổ khi xem ngày tốt ngày xấu. Ảnh: V.T.L
Ông Đỗ Hữu Thanh nghiên cứu nhiều sách cổ khi xem ngày tốt ngày xấu. Ảnh: V.T.L

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng phương pháp chọn ngày tốt, tránh ngày xấu cho đến tận bây giờ vẫn còn gây tranh cãi. Bởi vì nguyên lý và thực tại nào để có những ngày được coi là tốt hay xấu vẫn còn là những điều bí ẩn cần tiếp tục khám phá.

Hiếu, hỉ – hai việc hệ trọng

Thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang có ông thầy Đỗ Hữu Thanh chuyên coi ngày giờ cho các đám tang, đám cưới. Ông tổ 5 đời ông Thanh là Tú tài Đỗ Văn Hanh (Tú Hanh) – vị Tú tài đầu tiên của đất Thái Lai (xưa thuộc tổng Phước Tường, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn), người đứng ra lập bản Hương ước của làng Thái Lai dưới triều vua Thành Thái. Ông Tú Hanh truyền lại nhiều bộ sách cổ giá trị viết bằng chữ Nho được các cụ xưa dùng để trạch tuổi, coi ngày, coi giờ như “Thọ Mai gia lễ”, “Đổng Công trạch nhật”, “Ngọc hạp chánh tông”...

Sách “Thọ Mai gia lễ” bản gốc in trên giấy dó vào giữa mùa Thu năm Tự Đức thứ ba mươi, Đinh Sửu (1877). Ngoài bìa sách có câu đối: Lễ nghi thuật cổ tiên hiền ý/ Văn chất nhật kim hậu hiếu tâm. Một ông bác của ông Thanh dịch nghĩa: Noi theo thuở trước, lễ nghi các bậc tiền hiền thường chú ý/ Tỏ rạng ngày nay, văn chất những người hậu hiếu phải quan tâm.

Được thọ hưởng tư chất của cha ông, ông Thanh cất công học chữ Nho, nghiên cứu các “lễ nghi thuật cổ” do người xưa để lại qua các bộ sách, từ đó đưa ra những lời khuyên hữu ích cho những ai ngày nay quan tâm đến việc coi ngày, coi giờ.

Về ngày xấu kỵ chôn cất trong đám tang, ông đưa ví dụ về “Tứ thời tam tang” (4 mùa kỵ tam tang) rất dễ nhớ: Xuân long (rồng – kỵ ngày Thìn), Hạ dương (dê – kỵ ngày Mùi), Thu khuyển (chó – kỵ ngày Tuất), Đông ngưu (trâu – kỵ ngày Sửu)...

Một số nơi có tục người chết vào ngày cuối năm âm lịch là làng buộc phải chôn ngay, bởi “nếu để qua năm là cả làng ngóc đầu không nổi”(!). Bởi các tục quá bất nhân này mà nhiều nhà có người chết vào 30 (thậm chí 29) tháng Chạp là “án binh bất động”, con cháu không được hé răng... khóc một tiếng. Chờ đến qua mồng Một Tết mới khóc vang cho cả làng biết nhà có người chết. Về tục này, ông Thanh cho rằng người xưa không cho vậy, chẳng qua người đời bày ra tự làm khổ mình thôi.

Về đám cưới, ông Thanh dẫn 4 câu thơ trong sách “Ngọc hạp chính tông”: “Xuân long xà thử (Thìn, Tỵ, Tý) thị không phòng/ Hạ khuyển trư dương (Tuất, Hợi, Mùi) khốn tử vong/ Thu thố mã hổ (Mẹo, Ngọ, Dần) phùng đại kỵ/ Đông kê hầu ngưu (Dậu, Thân, Sửu) kỵ tán công”. Sách khuyên không nên cưới xin vào những ngày này vì sẽ bị Không phòng – nghĩa là phòng cưới không người.

Bìa cuốn sách cổ “Thọ Mai gia lễ”.
Bìa cuốn sách cổ “Thọ Mai gia lễ”.

Ở tuổi 54, ông Thanh được xem là người… trẻ tuổi nhưng rất có uy tín trong lĩnh vực xem ngày giờ. Về ngày tốt, ngày xấu, ông nói muốn rõ thì phải đối chiếu, so sánh nhiều sách gốc. Bởi có sách chỉ nói lướt qua nhưng cũng có sách phân tích, giảng giải cụ thể vì sao thế này mà không thế kia. Trong hai việc hệ trọng tang ma và cưới xin, ai cũng muốn chọn một ngày tốt nhất, trước hết là để cho mọi thành viên trong gia đình, họ tộc yên tâm trong cuộc sống.

Thầy xưa, thầy nay Ông thầy Bảy, làng La Bông xã Hòa Tiến tên thật là Nguyễn Lợi, mọi người gọi vậy vì ông chuyên coi ngày giờ, xem cuộc đất. Cha ông làm quan thất phẩm dưới triều nhà Nguyễn nên mọi người gọi một cách tôn kính là ông Thất Kiều. Ông nội ông làm đến chức tri huyện nên được gọi là ông Tri Phán. Thầy Bảy nổi tiếng gần xa không hẳn vì gia thế mà nhờ vào tài “làm thầy” của chính ông.

Theo lời ông Nguyễn Tài, Phó thôn La Bông, trưởng nam của thầy Bảy, cha ông nếu còn sống thì năm nay 104 tuổi. Sinh thời, thầy Bảy xem ngày giờ, bày các nghi thức cúng kiếng cho người có yêu cầu. Ông giỏi chữ Nho, nghiên cứu sách tử vi, xem chỉ tay để đoán vận mệnh mỗi người. Quanh vùng, ai cúng đất, cúng khai trương, hoặc làng có lễ chi là ông viết văn tế và trực tiếp đọc luôn. Ông không phải thầy địa lý nhưng vẫn sắm một cái la bàn có hình bát quái để xem hướng làm nhà cho gia chủ.

Ông Bùi Do, Bí thư Chi bộ thôn La Bông, kể thêm rằng, trong làng ai có con “khó nuôi” (èo uột, bệnh tật luôn) là tới làm lễ xin “bán” con cho thầy Bảy, khi đứa bé trên mười tuổi là đến làm lễ “xin” lại con. Chuyện này chưa thấy ai giải thích được, nhưng thật sự là sau khi “bán con” xong là đứa bé ăn ngon ngủ yên, phổng phao hẳn ra.

Ông Tài giờ vẫn còn giữ sách vở và cái la bàn của thầy Bảy để lại. Ông tự hào về cha mình, người được cả vùng nể trọng vì tài năng và đức độ. Ngày đó cha ông không “ra giá” cho các cuộc cúng kiếng hay coi ngày giờ, tất cả đều tùy tâm, ai gửi “tiền thầy” bao nhiêu cha ông cũng hoan hỉ, nếu không có đồng nào cha ông cũng không lấy đó làm phiền. Chừ nhiều “thầy” hành nghề theo kiểu xem mặt đặt tên, thấy gia chủ nào có “máu mặt” là vẽ vời ra đủ loại lễ cúng để “giải hạn” ngày này, giờ kia cốt móc hầu bao gia chủ.

Ông Do xác nhận: Ông thầy Bảy mà hồi đó làm những điều thất đức thì chừ ông Tài làm răng mà dám ngẩng mặt với đời và cái danh “thầy Bảy” cũng bị người đời xem rẻ. Ông Do cũng thấy lo là chừ sao nhiều thầy quá, rộ lên như nấm sau mưa, “mua sách về xem, rị thông tin trên mạng xuống là nghiễm nhiên thành... thầy, không nắm rõ nguyên lý sâu xa”.

Sách xem ngày giờ, tướng số, tử vi, giờ tràn lan trên kệ sách, trên mạng. Ông Đỗ Hữu Thanh cũng cùng chung suy nghĩ với ông Do, khi nhiều người không qua một ngày làm trò bỗng dưng thành thầy. Coi ngày giờ không phải lúc nào cũng máy móc, chỉ chằm hăm vào sách vở mà còn phải nắm rõ sự chuyển dịch của thực tế đất trời.

Trên dưới một thế kỷ trước, cử nhân Hán học Phan Kế Bính (1875 – 1921) với học vấn uyên thâm, am tường văn minh Đông Tây, đã có nhiều cống hiến trong công cuộc khảo cứu văn học và lịch sử. Nhà trí thức tiến bộ này khuyên ta không nên mê tín quá vào việc xem ngày kén giờ, nhưng ông lại không bài bác thẳng thừng mà còn hướng dẫn người đọc cách cưới xin, làm nhà, khai trương, xuất hành, an táng nên tìm ngày gì, kỵ ngày gì và bày cách chọn giờ hoàng đạo.

Thực tế, phương pháp chọn ngày tốt, tránh ngày xấu cho đến tận bây giờ vẫn còn gây tranh cãi. Bởi vì nguyên lý và thực tại nào để có những ngày được coi là tốt hay xấu vẫn còn là những điều bí ẩn cần tiếp tục khám phá.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.