.

Lan tỏa nhưng chưa sâu

.

Trong những năm qua, phong trào xây dựng Gia đình văn hóa tại quận Sơn Trà được triển khai rộng khắp, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Bây giờ, nhìn từ bờ tây, bờ đông sông Hàn kiêu hãnh với những khách sạn, ngôi nhà, khu dân cư khang trang, hiện đại.

Sự đổi thay không chỉ ở mặt cấu kết đô thị mà còn ở nhận thức, lối sống của người dân. Thông qua các hoạt động của phong trào, kết cấu cộng đồng khu dân cư được thắt chặt, tạo nền tảng tốt đẹp cho sự phát triển bền vững của từng gia đình. Tuy nhiên, phong trào vẫn bộc lộ một số điểm yếu, chưa có chiều sâu.

Hội thi CLB Gia đình hạnh phúc được tổ chức thường xuyên, tạo được sự hưởng ứng mạnh mẽ trong xã hội. (Ảnh do Phòng VH&TT Hòa Vang cung cấp)
Hội thi CLB Gia đình hạnh phúc được tổ chức thường xuyên, tạo được sự hưởng ứng mạnh mẽ trong xã hội. (Ảnh do Phòng VH&TT Hòa Vang cung cấp)

Xây dựng Gia đình văn hóa (GĐVH) là phong trào có sức sống lâu dài, có vai trò trọng yếu trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Những năm gần đây, phong trào xây dựng GĐVH ở Đà Nẵng nói chung và quận Sơn Trà nói riêng vừa được thực hiện theo các quy định chung, vừa gắn với chủ đề “xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh đô thị” và trong giai đoạn 2005-2010, phong trào này được lồng ghép nội dung, hoạt động với Chương trình “5 không, 3 có” của thành phố.

Một phong trào không thể coi là thành công khi nó không đem lại những hiệu quả thực tế. Phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), nơi trước đây được xem là vùng trũng cả về cơ sở vật chất lẫn trình độ dân trí. Đây là nơi cư ngụ của hàng nghìn hộ gia đình vạn đò chen chúc trong những ngôi nhà tạm, rách nát ven sông.

Bây giờ, nhìn từ bờ tây, bờ đông sông Hàn kiêu hãnh với hàng chục tòa nhà chung cư cao tầng khang trang. Sự đổi thay không chỉ ở mặt cấu kết đô thị mà còn ở nhận thức, lối sống của người dân. Nếu như năm 1997, hầu như nhà dân tại khu vực vùng biển này trung bình có 4-5 người con, thì nay hầu hết các gia đình chỉ có 1-2 con và bọn trẻ được đến trường, học nghề đầy đủ. Sự thay đổi này vô cùng ý nghĩa với một vùng đất mà đa số người dân sống bằng nghề đi biển.

Năm 2005, UBND quận Sơn Trà ban hành đề án “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vùng biển Sơn Trà”. Trong đó, có một câu rất hay, là “Phấn đấu xây dựng con người Sơn Trà năng động, sáng tạo, trung thực, hiếu khách, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần của người dân Sơn Trà, xóa đi mặc cảm, tự ti từ nhiều đời nay của người dân vùng ven đô”.

Câu này cũng được nhiều người dân hiểu rằng, đó chính là sự nỗ lực để rút gần khoảng cách giữa đôi bờ sông Hàn bằng những thay đổi thiết thực trong lối sống, ứng xử. Nhờ những đổi thay tích cực, mỗi năm, số lượng gia đình được công nhận là GĐVH ở quận Sơn Trà càng tăng lên.

Cụ thể, nếu như năm 2000, số hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa là 76,09% thì năm 2016, toàn quận đạt 91,3%, nhiều đơn vị phường đạt 100% tổ dân phố không rác. Ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Trưởng phòng Văn hóa-thông tin quận Sơn Trà khẳng định:

Phong trào xây dựng GĐVH đã tác động rất lớn đến sự đổi thay của quận Sơn Trà. Hầu như các tiêu chí để được công nhận GĐVH đều thiết thực và ý nghĩa. Nếu người dân nào cũng nhận thức được và làm theo thì thành phố sẽ nhanh chóng đạt được mục đích là thành phố 4 an.

Bởi sự thay đổi của xã hội đến từ nhận thức từ cá nhân mỗi thành viên trong gia đình, mới đến tổ dân phố và lan tỏa ra cộng đồng. Gia đình là môi trường hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách mỗi con người, nên việc siết chặt các tiêu chí xây dựng GĐVH thực sự là biện pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, giảm tệ nạn xã hội, xây dựng cộng đồng văn minh.

Ý nghĩa của phong trào là điều ai cũng thấy qua sự chuyển biến tích cực ở địa phương, tuy vậy, không thể phủ nhận, việc triển khai phong trào những năm gần đây chưa hiệu quả, không đạt được những mục tiêu đề ra, dù tỉ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn GĐVH không ngừng tăng lên, từ con số hơn 60% của năm 2001 tăng lên hơn 90% vào năm 2010.

Đáng ra, đó là một thành tích đáng mừng nhưng lại tạo ra những tranh luận trong cộng đồng về căn bệnh thành tích mà ngay cả những người làm công tác văn hóa lâu năm cũng trăn trở.

Sau nhiều năm “bội thực” vì các con số, đơn vị chủ quản là Sở Văn hóa-Thể thao thành phố đã ra yêu cầu nâng cao chất lượng danh hiệu GĐVH, cùng với đó là việc nâng cao các tiêu chí, đưa ra các quy định điểm liệt và siết chặt khâu bình xét ở địa bàn dân cư. Từ năm 2011, tỉ lệ các danh hiệu văn hóa trên địa bàn giảm so với trước, nhưng vẫn khiến nhiều người… ái ngại, không dám nhận…

Tại quận Sơn Trà, cũng không phải ngoại lệ, ông Mai Hồ Hải Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Sơn Trà nói: “Số liệu GĐVH năm nào địa phương đưa lên cũng bị cấp trên gạt đi vì không tin nổi con số, yêu cầu gửi về bình xét lại và hầu như năm nào cũng phải bình xét lại… vài lần, đến khi không thể giảm nữa mới thôi.

Một phần, do việc xét chọn diễn ra ngay trong cộng đồng khu dân cư vốn là những người hàng xóm “tối lửa tắt đèn” với nhau nên sinh ra tâm lý “du di”, cả nể. Nhiều khu dân cư chạy theo thành tích (tổ dân phố muốn đạt danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa” thì trong đó phải có 75% GĐVH), cho nên, việc xét chọn cũng chưa công minh”.

Việc dễ dàng được công nhận GĐVH khiến người dân ngày càng thờ ơ với phong trào. Bởi trên thực tế, có những hộ gia đình cả năm không đi họp tổ dân phố, không tham gia các hoạt động đoàn thể, tương trợ xóm làng khi có khó khăn… nhưng cuối năm vẫn nhận được tờ giấy chứng nhận “GĐVH”. Chính sự dễ dàng này khiến cho phong trào ngày càng “mất giá”.

Thiết nghĩ, để một phong trào ý nghĩa tiếp tục “sống”, các cấp ngành liên quan cần siết chặt tiêu chí hơn nữa, bình xét công khai, trung thực, tích cực tuyên truyền ý nghĩa của phong trào, xây dựng nhiều hoạt động thiết thực để phong trào len lỏi vào từng ngõ ngách của đời sống.

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao, năm 2001, toàn thành phố có 95.306 hộ đạt danh hiệu GĐVH, đạt 61,7%; năm 2005, có 123.390 hộ GĐVH, đạt 82%; đến năm 2010 có 161.379 hộ được công nhận GĐVH, đạt 90,1%.

Sau khi siết lại các quy định bình xét, tỉ lệ bình quân danh hiệu GĐVH giai đoạn 2011-2014 giảm 10,9% so với giai đoạn 2005-2010. Riêng năm 2015, toàn thành phố có 189.937/242.230 hộ được công nhận GĐVH, đạt tỉ lệ 78,41%.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.