.

Sách mới, sách hay

.

1. “Khu phố Tây ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX qua tư liệu địa chính” (NXB Hà Nội, tháng 2-2017) do tác giả Phan Phương Thảo chủ biên sẽ cung cấp cho bạn đọc những hình dung về quang cảnh Hà Nội nói chung, khu phố cổ nói riêng, với sự phân chia theo các đơn vị hành chính xã/thôn hay phường, theo những sở/khoảnh đất thuộc các loại sở hữu khác nhau, hay các loại hình mặt nước như ao, hồ, đoạn sông… Những hình ảnh mang nhiều dáng dấp của nông thôn hơn thành phố (trừ những miêu tả về các dấu ấn của thành Hà Nội) thì tới nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, với những ghi chép của người Pháp và người bản xứ cùng các nguồn tư liệu lưu trữ, sự chuyển mình đô thị hóa của Hà Nội đã được phác họa ngày càng rõ nét.

2. “Ba ơi, mình đi đâu?”  (NXB Hội Nhà văn, ra mắt tháng 2-2017) là một câu chuyện buồn nhưng lại không thấm đẫm nước mắt. Cuốn sách được tác giả Jean-Louis Fournier viết về hai cậu con trai tật nguyền của mình, cũng là để dành tặng chúng. Đó là hai cậu bé luôn phải uống thuốc an thần mỗi ngày để yên lặng. Những đứa trẻ mắt nhìn không rõ, tai điếc, chân khoèo, lưng gù, xương yếu. Một đứa chỉ biết nhắc đi nhắc lại một câu hỏi “Ba ơi, mình đi đâu?”. Một đứa suốt ngày nghĩ mình là một động cơ nên cứ kêu “brừm, brừm”… Sống trong thế giới ấy, người cha cần phải làm thế nào? Jean-Louis Fournier không giấu giếm những phút quẫn trí mình đã từng nốc rượu rồi phóng xe như điên để mong một tai nạn sẽ ập đến, từng có ý định vứt những đứa con ra ngoài cửa sổ… Cách kể câu chuyện có thật vô cùng cảm động này đã giúp tác giả giành giải Fémina 2008 và đứng vững trên bảng xếp hạng best-seller suốt nhiều tuần qua.

3.Tác giả Tùng Leo đã tự viết lời giới thiệu cho cuốn sách “Bên này thương bên kia” (NXB Văn hóa văn nghệ, ra mắt tháng 1-2017) của mình: “Quyển sách này không viết cho một tình yêu cụ thể nào của riêng tôi. Tôi viết cho các bạn. Thời thanh xuân của chúng ta, cuối cùng, cũng chỉ để yêu nhau. Tôi tin, chúng ta, tất thảy đều giống nhau về cơ bản của những nỗi đau tình. Nhưng rồi, tình yêu trong tôi vẫn chưa bao giờ chết. Tôi đọc lại sách mình và nhớ những người mình đã từng yêu quay quắt. Tôi chưa bao giờ quên được họ. Gập sách lại, tim tôi vẫn đau, nước mắt tôi vẫn rơi. Nhưng tôi lại thấy ấm áp. Trái tim của chúng ta lạ kỳ lắm. Theo năm tháng, chúng ta sẽ yêu ngày một nhiều hơn. Người mới đến không phải để thay thế người cũ, mà chỉ để cứu lấy đời ta ở những đoạn cô đơn. Ở lại cùng nhau thì khó, chứ chờ đợi nhau thì dễ và chủ động hơn nhiều. Tôi viết cho tất cả cuộc tình của mình, rằng “bên này thương bên kia”…

Hải Âu

;
.
.
.
.
.