.
Nghĩ

Yêu nguồn sữa mẹ

.

Ngày 17-2, tại Đà Nẵng, Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế thành phố, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng cùng tổ chức phi chính phủ Program for Appropriate Technology in Health (PATH - Hoa Kỳ) và FHI 360 thông qua dự án Alive & Thrive khai trương Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên của Việt Nam.

Bác sĩ Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng cho biết, Ngân hàng sữa mẹ là kết quả của cả quá trình lâu dài và gian nan. Hành trình gian nan này không đến từ việc trang bị cơ sở vật chất, nguồn nhân lực với hiểu biết và kinh nghiệm trong việc sàng lọc, bảo quản và sử dụng sữa mẹ mà đến từ việc thuyết phục sản phụ và người nhà trong việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Nhớ lại những ngày đầu bệnh viện triển khai phương pháp da kề da sau sinh, nhiều người nói bác sĩ quá… ác khi người mẹ vừa trải qua những giây phút đau đớn tưởng chết, vết thương đau như cắt thân thể mà các bác sĩ còn bắt ấp con trên ngực mấy tiếng đồng hồ để bé ngậm bầu vú mẹ, kích sữa về. Sau đó là chuỗi ngày các bác sĩ, điều dưỡng “lẵng nhẵng” theo hỏi bé có bú được sữa mẹ không…

Không ít sản phụ và gia đình đã làm phép so sánh giữa Bệnh viện Phụ sản-Nhi và một số bệnh viện tư khác. Theo đó, một số bệnh viện tư nâng sản phụ như trứng, sinh nở theo yêu cầu, bác sĩ khuyên bà mẹ ưu tiên ăn ngon, ngủ kỹ, con có thể bú bình cho khỏe. Các loại sữa hiện nay là hoàn hảo, tiện lợi, người nhà có thể pha sữa cho bé ăn mọi lúc. Bà mẹ có thể ngủ đẫy giấc để nhanh lại sức.

Trong khi đó, vào Bệnh viện Phụ sản-Nhi, bác sĩ nơi đây luôn ưu tiên phương pháp sinh thường, không chấp nhận bình sữa và sữa công thức mà luôn ép người mẹ chịu đau, chịu khổ để cho con bú. Các bà mẹ chưa hiểu được rằng, cơ thể sẽ tiết ra hormone tạo sữa khi mẹ ôm con da tiếp da ngay sau sinh và con mút núm vú mẹ liên tục ngay từ khi sinh ra cho đến những ngày tiếp theo.

ThS.BS Bùi Hồng Vân, diễn giả của chương trình Hành trình sữa mẹ xuyên Việt 2016 cho biết, hiện tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời tại Việt Nam chỉ là 19,2%, thấp hơn hẳn so với Lào (40%) và Campuchia (65%).

Như vậy, ở Việt Nam rất ít người nuôi con bằng sữa mẹ, càng ít người nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn. Những lời khuyên về sự hoàn hảo, bổ dưỡng, tiện lợi của sữa công thức, những ám ảnh về việc sữa mẹ có mát, thơm và dồi dào hay không… khiến nhiều mẹ chọn sữa công thức cho con.

Như vậy, chỉ vì những ngộ nhận về sữa mẹ được truyền tai nhau mà các mẹ tước đi quyền được hưởng nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất như khuyến nghị của WHO, thay vào đó là sữa bò được bàn tay con người chế biến lại. Các mẹ quên rằng, trước khi phát minh ra sữa bột thì “sẩy mẹ bú dì”. Sữa nào cho giống nấy, sữa người phù hợp nhất với người.

Hy vọng rằng, việc hình thành Ngân hàng sữa mẹ cùng những câu chuyện, hình ảnh về giá trị dinh dưỡng, về sự thật 98% phụ nữ có khả năng nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn, không phụ thuộc cơ địa… giờ đây, các bà mẹ ở Đà Nẵng có thể tự tin trong việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ.

Trong trường hợp cần thiết, với những em bé phải cách ly mẹ ngay từ khi lọt lòng, những em sinh non, nhẹ cân… giờ đây cũng được dùng sữa mẹ. Các mẹ có nguồn sữa dồi dào sẽ có cơ hội được đóng góp phần sữa quý giá của mình vào ngân hàng để bảo đảm, mọi em bé đều được uống sữa người.

NHẬT XUÂN

;
.
.
.
.
.