.

Đi trong sự cô đơn của sáng tạo

.

Một số nhà thơ nói rằng, họ từng chọn cách lặng - lẽ - viết và nghĩ rằng thơ mình thế nào cũng sẽ có người đọc. Nhưng theo thời gian, họ nhận ra rằng, thơ sẽ đến với độc giả nhanh hơn nếu được chắp cánh bởi những người bạn có cùng niềm đam mê thơ phú…

Nhà thơ Vạn Lộc.
Nhà thơ Vạn Lộc.

Đắm đuối với thơ phú chưa hề là con đường trải đầy hoa hồng. Không ít người, trải qua những năm tháng dài với thơ, với vô số cuộc trà dư tửu hậu, với bè bạn sáng tác quanh mình, chợt nhận ra mình thật sự cô đơn. Ấy là cái cô đơn vốn dĩ của người sáng tác, cái cô đơn chẳng thể tỏ bày, chẳng thể đưa ra chiếu rượu để tìm kiếm sự đồng cảm trong tâm hồn.

Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm có lần nhắc nhớ 2 câu thơ của Xuân Diệu: “Ta là một, là riêng, là thứ nhất/ Không có chi bè bạn nổi cùng ta”. Theo nhà thơ, đó là cách Xuân Diệu nói về sứ mệnh của thơ chứ không phải nói về cái tôi của mình.

Ở đó, mỗi câu thơ, mỗi bài thơ là duy nhất, là một, là riêng, phong cách nghệ thuật của bài thơ đó tuyệt nhiên không trùng với tác giả nào, vì mỗi nhà thơ đều có một thủ pháp nghệ thuật riêng. Cứ như thế, một nhà thơ thật sự có tài dù có rất nhiều “bạn thơ” quanh mình, cũng giữ được bản sắc riêng trong nghệ thuật sáng tác mà không hề trộn lẫn.

Với các nhà thơ phong trào ở Đà Nẵng, sáng tác nghệ thuật là một cách giải tỏa tinh thần, là viết lại khi tâm hồn bất chợt rung lên những cảm xúc mãnh liệt, không thể kìm nén. Đa phần đó là cảm xúc buồn, có khi là buồn vô cớ trước nhân tình thế thái.

Nhà thơ Huy Lộc, Chủ nhiệm CLB Thơ Thái Phiên nói rằng với người hưu trí, tuổi về già, nếu có tâm hồn yêu thơ thì thật hạnh phúc. Thơ khiến con người trở nên yêu đời, biết yêu cái đẹp và có óc quan sát, giãi bày.

Gần 25 năm qua, CLB Thơ Thái Phiên là nơi quy tụ trên 100 thành viên có tuổi đời từ 70, thậm chí có những cụ ông, cụ bà tuổi trên dưới 90 vẫn đều đặn sáng tác. Không thể đòi hỏi tất cả sáng tác ấy đều hay, đều chặt chẽ về niêm luật. Tuy nhiên, nếu chịu khó đọc, chịu khó lắng lại và mở lòng ra với thơ, thì người đọc sẽ nhìn thấy trong mỗi bài thơ là một câu chuyện về hy vọng lẫn trăn trở của cả một thế hệ đi trước.

Càng đi sâu vào con đường sáng tác, nhiều nhà thơ tự nhận mình là người cô độc. Một nhà thơ (xin được giấu tên), tác giả của 4 tập thơ chất lượng, có bản sắc riêng được bạn đọc và giới phê bình đánh giá cao nói, mỗi lần đưa thơ lên trang facebook cá nhân, anh đều nhận được hàng trăm bình luận lẫn sự tán dương từ bạn thơ khắp cả nước.

Thỉnh thoảng, anh còn chia sẻ những hình ảnh trà dư tửu hậu với nhóm bạn toàn nhà thơ nổi tiếng nhưng khi được hỏi, anh trả lời rằng mình chẳng có bạn thơ nào để chia sẻ với người viết, kèm câu nói lấp lửng: “Với người sáng tác, nếu chỉ nhận được lời tán dương thì không khéo đến một lúc nào đó, mình sẽ thụt lùi so với những ngày mới bước chân vào nghề viết. Người sáng tác thường ngại bình phẩm thơ của nhau một cách nghiêm túc mà chỉ nói chung chung “bài thơ này hay quá”, “cảm xúc quá”…”.

Bên cạnh đó, theo anh, với tâm lý “văn mình vợ người”, người làm thơ nói riêng và người trong lĩnh vực sáng tác nghệ thuật nói chung thường ít công nhận lẫn nhau, hoặc khen ngợi nhau đó nhưng trong lòng không phục nhau cũng là lẽ thường tình. Điều này lý giải một phần tại sao anh đang ngồi tươi cười giữa một nhóm bạn nhưng vẫn tự nhận mình là người không có bạn, đặc biệt là bạn thơ.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh có lần ngồi hàn huyên với anh em văn nghệ sĩ Đà Nẵng tại quán rượu nhỏ bên bờ sông Hàn, lúc chếnh choáng hơi men, ông nhắc đến nhà thơ Thanh Thảo, một người bạn thơ có tâm hồn thi sĩ, hết lòng vì bạn bè.

Nơi nào Thanh Thảo có mặt, nơi ấy trở thành “rốn bão” với những vần thơ được rung lên đầy yêu thương, trăn trở. Trong câu chuyện của nhà văn Trung Trung Đỉnh, chúng tôi hình dung ra tình bạn thân giữa Thanh Thảo với nhà thơ Ngô Thế Oanh như một thể đối lập bởi một bên sôi nổi hài hước còn một bên nhu mì và rất kiệm lời.

Ấy thế mà hai con người đó lại rất thân nhau, luôn ngợi ca, thậm chí bảo vệ nhau nếu chẳng may có ai đó lỡ chê văn, thơ của người còn lại. Và, rất nhiều lần, họ chỉ ra cái dở của nhau để cùng khắc phục. Trung Trung Đỉnh gọi đó là quy luật bù trừ trong tình bạn, người tĩnh tâm cần cái sôi nổi hài hước của người kia và ngược lại. Với người sáng tác, có được những tình bạn như thế quả thật rất đáng quý.

Nói như thế không có nghĩa là những người làm thơ, thích làm thơ đều chọn cho mình sự cô đơn trong sáng tác. Nhà thơ Vạn Lộc từng tâm sự rằng, từ khi đến với thơ, gặp gỡ nhiều người làm thơ trên khắp cả nước, bà đã tìm thấy niềm vui sống của mình.

Với bà, làm thơ không phải để nổi tiếng, mà chỉ là sự tỏ bày và không biết từ bao giờ, thơ trở thành “cái cớ” để những tâm hồn lãng mạn như bà gặp nhau, cùng trò chuyện, cùng chia sẻ về cuộc sống, gia đình. Bà có những người bạn tuổi cao, khi chưa đến với thơ thường lầm lì ít nói, đôi khi cau có khó chịu nhưng từ khi  làm thơ, gặp gỡ bạn bè, chia sẻ thi ca bỗng trở nên yêu đời, cởi mở với bà con lối xóm, sống có nghĩa có tình, vui vầy bên con cháu.

Ấy là khi những bài thơ được chuyền tay nhau hay in tặng nhau thể hiện sự quý mến, trân trọng tình cảm giữa những người bạn. Bên cạnh sứ mệnh vun vén cái đẹp, bày tỏ nỗi lòng, thì đó chính là những mặt tích cực mà thơ mang lại cho đời sống con người.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.