.

Chuẩn bị nhân lực cho hướng đột phá

.

Hiện nay, người ta đang nhắc đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - cách mạng công nghệ số. Và gắn với công nghệ số, với việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào mọi vấn đề của đời sống, nguồn nhân lực trên lĩnh vực này trong tương lai sẽ là một thách thức không nhỏ cho Đà Nẵng.

 Sinh viên ngành công nghệ thông tin của Đà Nẵng tham gia ngày hội lập trình viên – Dev day 2016. (Ảnh do Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cung cấp)
Sinh viên ngành công nghệ thông tin của Đà Nẵng tham gia ngày hội lập trình viên – Dev day 2016. (Ảnh do Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cung cấp)

Bài toán thừa và thiếu nguồn lực CNTT

Mỗi năm, Đà Nẵng có khoảng 3.500-5.000 người tốt nghiệp ngành CNTT từ các trường cao đẳng, đại học. Có thể kể đến những trường đào tạo số lượng lớn như ĐH Duy Tân; ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm, ĐH Kinh tế, CĐ Công nghệ (thuộc ĐH Đà Nẵng); ĐH Kiến trúc, CĐ Công nghệ thông tin hữu nghị Việt-Hàn… Dù có một số lượng lớn các kỹ sư ra trường, nhưng nguồn nhân lực cho ngành CNTT vẫn thiếu. Nói như ông Nguyễn Tuấn Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng, là thiếu thì vẫn thiếu, thừa thì vẫn thừa.

Hiện nay hầu như cơ quan, doanh nghiệp nào cũng cần có ít nhất một người làm trong lĩnh vực CNTT để quản lý hệ thống mạng điện tử, khi hầu như mọi văn bản, con số thống kê đều được thực hiện và lưu trữ trên các máy tính, nối với nhau thông qua mạng nội bộ. Tính đến cuối năm 2015, số chuyên viên phụ trách mảng CNTT trong các cơ quan Nhà nước của thành phố là 445 người. Số lượng nhân lực này khá ổn định, các cơ quan không có nhu cầu đột biến và chỉ cần có kỹ sư về quản lý hệ thống mạng.

Nhưng với trên 700 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT, khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số hiện nay, thì lượng nhân lực mà Đà Nẵng có, được đánh giá là chưa đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp. Ông Nguyễn Tuấn Phương cho biết: “Các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT cần nguồn nhân lực chất lượng cao, có ngoại ngữ, có kinh nghiệm, thì nguồn lực cũng như số lượng hiện nay chưa đáp ứng đủ và thỏa mãn nhu cầu của doanh nghiệp”. Với yêu cầu kỹ sư ngành CNTT có kỹ năng lập trình và giỏi lĩnh vực phần mềm, hiệp hội doanh nghiệp đứng ra làm cầu nối, tìm cách thu hút nguồn lực chất lượng cao từ các địa phương khác, nhưng các doanh nghiệp ở Đà Nẵng còn gặp phải những trở ngại khác như điều kiện sống chưa cao của địa phương và tiềm lực để trả lương cao chưa có, nên khó hấp dẫn người giỏi đến đây. Hiệp hội cũng sẽ kết nối giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để xây dựng nguồn lực theo hướng mang tính dự báo rõ nét cho từng lĩnh vực.

PGS.TS. Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa CNTT, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết, năm 2014, Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm và UBND thành phố Đà Nẵng gửi công văn cho ĐH Đà Nẵng, đề nghị tăng gấp đôi quy mô đào tạo kỹ sư lĩnh vực CNTT, nhằm đáp ứng nhu cầu của địa phương. Nhưng tăng số lượng sinh viên (SV) của khoa là một vấn đề khó, bởi cơ sở hạ tầng và số cán bộ giảng viên chỉ vừa đủ để hằng năm tiếp nhận đào tạo thêm khoảng 250-300 SV. Và sau 4,5 – 5 năm
học sẽ có 200-220 kỹ sư tốt nghiệp.

Chất lượng đào tạo của SV ngành CNTT, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng ngày một nâng cao, điểm đầu vào thuộc tốp cao nhất trong các khoa của trường là điểm cộng để SV trường này sau khi tốt nghiệp được các doanh nghiệp chào đón.

Theo khảo sát do khoa CNTT tiến hành vào tháng 7-2016 đối với những SV tốt nghiệp năm 2015, cho thấy khoảng 90% SV có việc làm sau 3 đến 6 tháng sau khi tốt nghiệp; 56% làm cho doanh nghiệp tư nhân, 39% làm cho doanh nghiệp nước ngoài; 57% có mức lương 5-8 triệu đồng/tháng, 27% nhận lương trên 8 triệu đồng/tháng.

Ngoài con số khoảng 200 SV được đào tạo theo chương trình truyền thống, nhằm tăng cường chất lượng cũng như ngoại ngữ cho SV, từ năm 2011, mỗi năm có 30 SV được đào tạo theo chương trình chất lượng cao Việt - Pháp, 45 SV/năm của chương trình chất lượng cao tiếng Anh (tăng cường tiếng Anh và tiếng Pháp); từ năm 2015 có thêm chương trình đào tạo theo chuẩn kỹ sư CNTT Nhật Bản với 45 SV/năm (tăng cường tiếng Nhật). Hầu hết SV các chương trình này có việc làm từ năm cuối, tức khi chưa tốt nghiệp.

Số đạt yêu cầu của nhà tuyển dụng vẫn là số ít so với hàng nghìn SV tốt nghiệp ra trường mỗi năm. Do đó bài toán đáp ứng nhu cầu thị trường trong lĩnh vực CNTT vẫn chưa có lời giải tốt.

Công nghệ thông tin là hướng đột phá

Theo đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Đà Nẵng tiếp tục xem CNTT là hướng đột phá trong định hướng phát triển, sẽ đầu tư để có được 5 khu CNTT tập trung. Hiện khu Công viên phần mềm Đà Nẵng có khoảng 2.000 lao động, khu phần mềm ở Khu công nghiệp An Đồn có 3.000-4.000 lao động, khu phần mềm của Tập đoàn FPT ở quận Ngũ Hành Sơn dự kiến sẽ có 10.000 lao động đến năm 2020. Dự kiến khu Công viên phần mềm số 2 có quy mô 10ha, được xây dựng tại Khu đô thị quốc tế Đa Phước, quận Hải Châu; dự kiến dự án khu CNTT tập trung số 1 do Công ty CP Tập đoàn Trung Nam đầu tư thời gian tới.

Tốc độ tăng trưởng của ngành CNTT hiện vào khoảng 25-30%/năm. Từ những năm 2000, doanh thu về sản xuất phần mềm của Đà Nẵng chỉ vào khoảng trên dưới 100.000 USD, thì năm 2016, con số xuất khẩu phần mềm đạt 58 triệu USD (thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông với khoảng 50 doanh nghiệp), con số này của năm 2014 là 49,6 triệu USD. Do xuất phát điểm thấp, nên con số này mới dừng ở mức nhỏ và Đà Nẵng cũng mới manh nha đặt chân vào lĩnh vực phần mềm, chưa phát triển được thành quy mô công nghiệp. Vấn đề này được lý giải là do thiếu không gian phát triển, các doanh nghiệp chưa có các khu công viên phần mềm để dựa vào đó, bảo đảm hạ tầng và an toàn thông tin. Bên cạnh đó cần đến yếu tố con người như đã nói ở trên.

Khi nền tảng CNTT phát triển, vấn đề bảo mật thông tin cũng là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Hiện bảo đảm an toàn thông tin mới dừng ở các cơ quan Nhà nước, còn các tổ chức, doanh nghiệp chưa đủ nguồn lực đầu tư (hiện toàn thành phố mới có khoảng 7.000 tài khoản sử dụng tài khoản của chính quyền điện tử). Hiện nay, thành phố vẫn sử dụng các biện pháp bảo đảm an ninh truyền thống: tổ chức trực 24 giờ/7 ngày trong tuần, giám sát hệ thống bằng các monitor có thể phát hiện sớm các cuộc tấn công. Nhưng điều này vẫn còn phụ thuộc vào chất lượng nhân lực và trách nhiệm công vụ của người giám sát.

Năm 2015, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Trung tâm CNTT và truyền thông Đà Nẵng tổ chức đợt tập huấn về chuyên đề “An toàn thông tin” dành cho cán bộ, công nhân, viên chức phụ trách lĩnh vực CNTT đang công tác trên địa bàn. Những lớp tập huấn và chính sách bảo mật này vẫn chưa được đề cập thường xuyên, liên tục ở nhiều cơ quan, doanh nghiệp khác. Khi một chính quyền điện tử, một xã hội vận hành dựa nhiều vào nền tảng CNTT, vào nội dung số, thì vấn đề bảo mật thông tin, an ninh mạng cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn. PGS.TS

Nguyễn Thanh Bình cho biết, vào năm 2017, khoa CNTT của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) mới mở lớp về an toàn an ninh thông tin. Và phải sau 5 năm nữa, lĩnh vực đặc thù này mới có một đội ngũ kỹ sư để vận hành vấn đề bảo mật. Hy vọng lúc đó, với nền tảng CNTT đã có, Đà Nẵng sẽ có một đội ngũ nhân lực đồng bộ để vừa đảm bảo phát triển và giữ vững sự phát triển đó trước những lỗ hổng an ninh mạng nếu có.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.