.
TRUYỆN NGẮN

Mười tám

.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

1. Không khí lớp học những ngày gần kết thúc năm học bỗng dưng trầm hẳn. Đứa nào, đứa nấy chúi mũi vào học đến phờ phạc cả người. Chẳng biết sau này liệu có làm vương làm tướng chi không mà phải học đến khổ đến sở thế này hở trời? Chẳng biết cái kiểu ôn luyện tốt nghiệp rồi mần thêm cái ôn thi đại học cấp tập thế này do ai nghĩ ra và bắt đầu tự bao giờ mà đến lứa bọn tôi mọi thứ đã trở nên nghiêm trọng quá rồi. Đúng thời điểm căng thẳng ấy tôi lại gây ra đổ vỡ khá nhiều thứ. Sau chuyến đi chơi “riêng tư” của Hoàng và Nga, cảm thấy như mình bị lừa, tôi không thể nào trò chuyện bình thường với nhỏ ấy được nữa. Nhỏ Nga thấy tôi khang khác bèn làm ra mặt giận. Tôi tự nhủ: Hơi đâu đi chiều nhỏ ấy! Tự nhỏ ấy phải biết mình có lỗi gì chứ! Phải để cho nhỏ ấy làm lành với mình trước mới được! Như thế mới thỏa mãn tính kiêu căng của tôi chứ! Và rồi cũng chẳng còn thời gian rảnh rỗi, tôi vùi đầu vào học và học. Nhiều lúc quên bẵng mất chuyện vừa xảy ra. Có lúc lại bỗng sực nhớ. Nhưng, không lẽ đương đêm chợt nhớ là chạy bổ đến nhà nhỏ ấy để làm lành ngay tức khắc? Hai đứa cứ im im như chưa hề quen biết nhau. Tuyết thì lui vào một xó gặm nhấm nỗi buồn của mình cùng với đống sách vở cao nghều nghệu. Hằng ngơ ngác giữa ba đứa bạn thân chẳng biết phải làm gì để được lòng tất thảy. Những ngày này Hoàng thường vắng mặt ở lớp. Có lẽ Hoàng cũng đang chúi mũi chúi lái học bài đâu đó. Nhưng sao lại chẳng đến lớp đều đặn như trước? Tôi giống người mộng du chợt mê chợt tỉnh, bước thấp bước cao giữa những ngày cao điểm. Nhiều lúc ngồi thừ người một mình nghĩ đủ thứ. Chuyện nọ xọ chuyện kia chẳng đâu vào đâu. Càng nghĩ, thân xác cứ rời rã dần. Chỉ một năm học sao có quá nhiều chuyện xảy ra? Lắm lúc tôi chẳng còn đủ tỉnh táo để đối xử cho đúng đắn. Tâm tính tôi chừng như đã thay đổi hẳn. Hay buồn giận vô cớ. Hay cáu gắt vì những chuyện không đâu vào đâu. Tôi vốn là con bé ích kỷ và kiêu căng mà. Con bé bây giờ đang đổi khác từng ngày. Nhiều khi bỗng giật thót: Sao mình thay đổi nhanh đến thế? Tại sao vậy? Mình có còn là con bé Tường Quyên vô tư và vui vẻ của ngày nào không? Hẳn nhiên không còn nữa rồi. Tôi nửa mong thời gian đừng trôi qua để còn làm học trò mãi mãi, nửa mong thi xong quách để sớm thoát khỏi những ngày căng thẳng đầu óc, mệt mỏi xác thân này. Và tôi nghĩ tới Hoàng nhiều đến nỗi phát ngượng vì sự vô duyên của mình, của một đứa con gái mới lớn và mặt mũi cũng không đến nỗi nào. Hoàng đang ở đâu, làm gì lúc này nhỉ? Có nghĩ đến mình không? Hoàng và Nga… Chao ơi là rắc rối! Còn không bao nhiêu ngày nữa tôi phải xa Hoàng. Sẽ chấm hết mọi trò đùa dễ thương. Sẽ chấm dứt nỗi hậm hực của tôi mỗi lần cảm thấy mình bị thua thiệt hay bị hắt hủi. Mong có Hoàng đến dù chỉ để chọc mình khùng lên. Như thế vẫn còn hơn không. Ôi, Hoàng đi đâu mà mất biệt? Giá là con trai tôi đã đạp xe phóng tới nhà Hoàng để chỉ hỏi vài câu vu vơ thôi cũng được! Làm con gái quả thật buồn, chả có quyền quyết định gì hết. Nghĩ lại những ý nghĩ ngông cuồng của mình tôi xấu hổ không ít. Sao mà hư đến vậy, Tường Quyên? Mới ngày nào mi còn ghét cay ghét đắng hắn, bao nhiêu ý nghĩ chua cay mi đã dành cho hắn kia mà. Sao bây giờ lại quay ngoắt 180 độ? Hư hư hư. Và cũng tội nghiệp cho mi biết bao nhiêu, Tường Quyên à!

2. Hai ngày lâm bịnh nằm liệt giường, tôi mới thấy buồn thấm thía. Chẳng có đứa nào ghé thăm. Không hiểu tụi nó lặn đi đâu mất tăm mất tích. Sao chẳng tới chia sẻ nỗi buồn cùng con bạn tội nghiệp dù chỉ trong chốc lát hở những Hằng, Nga, Tuyết thân yêu? Nằm và nghĩ đủ thứ. Giận đó rồi thương đó. Lại thấy mình tội nghiệp quá. Và rồi lại chạnh nhớ và cảm thông với Nga, Tuyết hơn. Những con bé mới học mười hai mà đã sớm già trước tuổi! Ôi Tuyết! Đến đâu rồi nỗi mất mát của mi? Liệu có nguôi ngoai được chút nào không, hở nhỏ? Nhiều lúc thấy mi ngồi trầm ngâm trước bàn học mà ta đứt ruột, chẳng biết làm sao chia sẻ với mi. Phải chi rước mi san sẻ bớt cho ta một nửa có lẽ đã bớt buồn hơn. Và Nga nữa. Một mình với căn nhà rộng thênh thang mi sống ra sao? Bọn ta chỉ đến quấy quá cho đã đời rồi đứa nào về nhà đứa nấy chắc sẽ làm mi buồn thêm chứ nào có ích gì. Sẽ chẳng có đứa nào thay thế được những người thân đang ở xa tít tắp bên kia bờ đại dương của mi phải không Nga? Khi gia đình quyết định bỏ mi lại – đứa con gái nuôi nhỏ bé, tội nghiệp - để vượt trùng dương ra đi, cả nhà có bao giờ tưởng tượng ra mi sẽ khổ sở như vầy chăng? Bao giờ những người trong nhà sẽ nghĩ lại và có một động tác nào đó giúp cho mi thoát ra khỏi sự bế tắc này? Liệu một chuyến trở về của ai đó trong nhà - ba hay mẹ của mi - sẽ thay đổi gì chăng? Vậy mà những ngày qua ta lại đành lòng đi giận mi cơ đấy! Chỉ vì những lý do thậm vô duyên và ích kỷ. Càng nghĩ tới ta càng thêm xấu hổ. Những gì cả bọn ta cố giúp cho mi nhưng đành bất lực khoanh tay đứng ngó thì nay Hoàng đã hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ mà mãi sau này bọn ta mới biết. Lẽ ra ta phải cám ơn Hoàng mới phải. Dù chưa làm được gì nhiều nhưng Hoàng cũng giúp mi có được một thời gian tĩnh tâm vừa đủ để chịu đựng cho hết những ngày ôn và thi vô cùng căng thẳng. Bọn ta có bao nhiêu người thân ở bên cạnh mà còn la trời oai oái huống hồ chi mi một thân một mình với nỗi đau không dễ gì nguôi ngoai. Mi và Hoàng… Thôi, bây giờ có xem như khai tử lời thề cùng nhau đi về địa ngục của nhóm mình đi là vừa. Mỗi đứa một hoàn cảnh càng ngày càng xô nhau xa dần ra rồi mà. Có lẽ, Hoàng với ta chỉ là những ý nghĩ ngông cuồng và tội nghiệp thôi, Nga thân yêu của ta!

3. Hình như tôi vừa thật lòng, vừa dối lòng mình khi nghĩ tới những điều này. Thật với Nga và dối với mình khi nghĩ về Hoàng. Nhưng mà nghĩ được đến thế này lòng mình cũng dễ chịu đi chút ít. Nó giúp mình thêm chút tĩnh tâm để lo cho bài vở. Con đường mình đi, cho đến lúc này, chỉ có thể là lao tới và lao tới. Không có con đường nào để lùi nữa mà. Thì hãy tự mình dọn dẹp bớt những chông gai đang ngáng trở trên đường để tìm cho mình một lối đi chớ! Có còn ai giúp đỡ mình nữa đâu. Hãy cố gắng vượt qua những ngày gian khó này, rồi mai sau sẽ tính. Trời ơi, sao mà tội nghiệp cho tuổi mười tám của tôi thế này?

LÊ TRÂM

;
.
.
.
.
.