.
Phương hay Thuốc quý

Rẻ quạt tán kết tiêu đàm

.

“Rẻ quạt tán kết, tiêu đàm/ Lá ngậm viêm họng, rễ làm thuốc ho”. Đó là câu vè chúng tôi soạn làm nhãn thuốc, giúp nhớ tính năng vị thuốc tại các phòng khám thuốc nam Tuệ Tĩnh đường.

Rẻ quạt - Belamcanda chinensis, thuộc họ La dơn - Iridaceae. Ảnh:  P.C.T
Rẻ quạt - Belamcanda chinensis, thuộc họ La dơn - Iridaceae. Ảnh: P.C.T

Nói về tác dụng “lá trị viêm họng”, tôi có một kỷ niệm nhớ đời. Cách đây vài chục năm, đang lúc viêm họng, tôi có việc gấp phải chạy xe máy đưa nhạc phụ ra Huế thăm cậu em vợ đang ốm nặng. Sực nhớ bài báo của một bác sĩ quân y nói về kinh nghiệm dùng lá rẻ quạt tươi ngậm chữa viêm họng rất hay, tôi liền ra vườn hái mấy lá rẻ quạt bỏ túi mang theo. Chỉ mới dùng chừng 1cm2  lá cho vào miệng nhấm nuốt nước dần trong 10-15 phút, cái cổ họng đang đau rát chợt nghe dịu hẳn, thay vào đó cảm giác râm ran ấm nóng rất dễ chịu. Khoái chí, tôi ngậm thêm ba bốn lần nữa trên suốt chặng đường ra Huế. Đến nơi đã trưa, nghe bụng réo sôi, bố con liền vào quán ăn. Lạ thay, cái họng tôi không còn nuốt đau nhưng bỏ cơm vào miệng nhai  nghe lạo xạo như nhai sạn, chẳng thấy mùi vị gì. Thì ra lá rẻ quạt ngậm quá liều có thể gây tê liệt thần kinh vị giác tạm thời hoặc nặng hơn có thể phồng rộp niêm mạc miệng lưỡi.

Rút kinh nghiệm bản thân, từ đó về sau tôi thường hướng dẫn người bệnh viêm họng dùng lá rẻ quạt tươi ép lấy nước hòa chút muối cho vào lọ thuốc nhỏ mắt để nhỏ mỗi lần vài ba giọt sâu vào nóc họng, thì tránh được tác dụng phụ như tôi đã gặp.

Rẻ quạt, Đông y gọi là Xạ can, là cây thảo, sống nhiều năm, cao 0,5 – 1m. Thân rễ mọc bò, phân nhánh nhiều. Thân ngắn bao bọc bởi những bẹ lá. Lá hình dải, dài 30cm, rộng 2cm, gốc ốp lên nhau, đầu nhọn, gân lá song song, hai mặt nhẵn, gần như cùng màu; toàn bộ các lá xếp thành một mặt phẳng và xòe ra như cái quạt. Cụm hoa phân nhánh, dài 30-40cm; lá bắc dạng vảy; hoa có cuống dài, xếp trên nhánh như những tán đơn, màu vàng cam, điểm những đốm tía. Quả nang hình trứng, chứa nhiều hạt nhỏ hình cầu, màu đen bóng.  Mùa hoa quả tháng 7-10.

Để làm thuốc, thu hái thân rễ vào mùa thu, có thể dùng tươi (rửa sạch, giã với ít muối) hoặc rửa sạch phơi khô hay sấy khô, khi dùng ngâm nước vo gạo 1-2 ngày cho mềm, thái mỏng, phơi khô, dùng dần.
Theo Đông y, Rẻ quạt có vị đắng, tính hàn; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tán kết tiêu viêm, chỉ khái hóa đàm. Thân rễ và lá đều nhuận tràng, lợi tiêu hóa.

Thường dùng trị bệnh viêm họng sưng đau, ho nhiều đàm rãi, kết đàm hạch; nhọt độc sưng đau; trong tai đau nhức, sưng amygdal, sưng vú, tắc tia sữa; đại tiện không thông; đau bụng khi thấy kinh. Dùng ngoài trị vết thương trẹo chân, rắn cắn, đắp vết thương và trị đau răng. Lưu ý: phụ nữ có thai không dùng!

Bài thuốc:

1. Viêm da do tiếp xúc ruộng nước: Rẻ quạt  250g, Muối ăn 40g, đổ 4 lít nước sắc 1giờ, lọc bõ bã, lấy nước thuốc đang nóng 30-40oC ngâm rửa vùng da bệnh, mỗi ngày 1-2 lần (hâm nóng nước thuốc khi tái sử dụng).

2. Viêm tuyến nước bọt (quai bị): rễ Rẻ quạt tươi 9g, sắc chia 2 lần uống sau bữa ăn, ngày 1 thang, uống liên tục 3-4 ngày.

3. Cổ họng sưng đau: Rễ rẻ quạt phơi râm cho khô, tán bột, mỗi lần lấy một ít cho vào ống thổi vào cổ họng; đồng thời dùng 9g Rẻ quạt sắc chia 2 lần uống trong ngày.

4. Hội chứng não gan (rối loạn ý thức, hành vi và hôn mê do rối loạn chức năng gan gây ra): Rẻ quạt, Hổ trượng (Cốt khí củ) đều 15g, Mật heo 3 cái, Rượu nếp 120g. Sắc 2 vị thuốc đầu, bỏ bã lấy nước cho mật heo và rượu nếp trộn đều, chia làm 4 lần cạy miệng đổ cho bệnh nhân, ngày 1 thang.

5. Viêm amygdal: Rẻ quạt 9g, sắc lấy nước ngậm súc trong cổ họng, ngoài ra lấy bột rẻ quạt thổi vào.

6. Nổi hạch ở cổ: Rẻ quạt, Hạ khô thảo, Thiên quỳ tử (Semiaquilegia adoxoides), lượng bằng nhau, sấy khô, tán bột, mỗi lần uống 10g với nước sôi nguội sau bữa ăn 30 phút.

7. Viêm họng cấp tính: Rẻ quạt 9g, quả Dành dành 10g, Hạ khô thảo 15g. Sắc chia 2 lần uống sau bữa ăn.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.