.

Tô Hoàng và văn hóa phê bình

.

Tô Hoàng không chỉ là nhà văn, nhà báo, nhà làm phim, mà còn là nhà phê bình văn học. Vì vậy, với Nỗi buồn lâu quên (Nxb Hội Nhà văn, 2014), tuy về mặt thể loại chỉ được anh ghi một cách chung chung là ký-tản mạn, nhưng thật ra trong đó, các phẩm chất đặc trưng thể loại xuyên thấm, tích hợp trong từng bài viết, thật khó mà minh định một cách rạch ròi và thỏa đáng. Trong số 29 bài viết làm nên chỉnh thể tác phẩm này, có 10 bài phê bình về tác giả, tác phẩm văn học đặc sắc, thể hiện một cái nhìn thông thoáng theo tinh thần của thời kỳ đổi mới, và điều quan trọng hơn, nó khẳng định một tín hiệu mới, mang ý nghĩa dân chủ trong phê bình văn học là phê bình văn hóa và văn hóa phê bình.

Bìa sách Nỗi buồn lâu quên của Tô Hoàng, NXB Hội Nhà văn 2014.
Bìa sách Nỗi buồn lâu quên của Tô Hoàng, NXB Hội Nhà văn 2014.

Đọc Tô Hoàng, ta dễ dàng nhận ra phẩm chất văn hóa nổi trội đầu tiên là anh tránh được các xu thế chạy theo phong trào, cứ hễ thấy tác giả, tác phẩm nào có tiếng vang đình đám, được nhiều người nói đến, mình cũng “góp chung” tiếng nói, mà anh viết là do thôi thúc bên trong tâm hồn, vì những cảm nhận riêng về từng tác giả, tác phẩm. Có thể coi anh là đệ tử chân truyền của trường phái “phê bình chủ quan” mà người mở đầu ở nước ta là Hoài Thanh, với phương châm “lấy hồn tôi để hiểu hồn người”.

Vì vậy, trong 6 bài phê bình tác phẩm trong tập sách này, anh quan tâm đến những chỉnh thể có khi thiếu sự tròn trĩnh, chưa kịp hoàn chỉnh, ít được mọi người quan tâm, nhưng mở ra một hướng “lạ”, “hay” trong xu thế phát triển tất yếu của nghệ thuật, đôi khi đó chỉ là một truyện ngắn (“Bà già đi bụi”, một truyện ngắn lạ của Nguyễn Ngọc Tư), kể cả truyện ngắn của một tác giả ít được người đọc quan tâm (“Ốc gió”, một truyện ngắn hay viết về những người lính đảo). Điều quan trọng hơn, chỉ thông qua vỏn vẹn có một truyện ngắn, Tô Hoàng đã chỉ ra được điều căn cốt trong phong cách sáng tạo của mỗi tác giả, khi “nhận ra ngay thứ văn chương người trong cảnh, cảnh trong người tinh tế, hóm hỉnh, nồng ấm của Nguyễn Ngọc Tư” (tr.70), hoặc “nhận ra bút pháp, giọng điệu kể chuyện (…): kín đáo mà ẩn chứa, mà tinh tế; chấm phẩy thế thôi nhưng khơi gợi ra trò” (tr.69) của Trần Chiến.

Ngay cả khi quan tâm đến những tác phẩm có chiều kích lớn hơn, như phê bình về cả tập sách thì nó cũng hết sức khiêm tốn “sách dày 110 trang” (Đọc “Khúc tráng ca dã tràng” của Thu Trân), hoặc là nhận định một cách khách quan về cuốn tự truyện Lê Vân yêu và sống khi đã có không ít những ý kiến trái chiều (Quyền từ chối vai diễn và hư danh).

Dày hơn, cuốn tự truyện Được sống và kể lại, gần 400 trang, của nhà điêu khắc Trần Luân Tín, anh dành đến hai bài viết (Vẫn đang còn là những ngày tháng 5, Tổ quốc tôi đã từng có những binh nhất, binh nhì như thế), thì đó cũng là tập sách ít được người đọc quan tâm: “Sao còn quá ít những bài viết về tác phẩm này, ngay cả trên các tờ báo và các trang web dành riêng cho văn học, dù Được sống và kể lại đã nhận giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam và của Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh” (tr.103). Anh quan tâm đến những trang viết chân thực và kiệt cùng cảm xúc của Trần Luân Tín, bởi nó đã phục dựng “được một bức tượng đài cụ thể, thật rõ nét, thật công tâm và cũng hết độ hoành tráng về những binh nhất, binh nhì của Tổ quốc chúng ta một thời binh lửa” (tr.124).

Về phê bình tác giả, Tô Hoàng quan tâm đầu tiên là Liệu cần ghi chú với nhiều câu thơ của Phạm Tiến Duật không?, là bài phê bình về thế giới nghệ thuật thơ của một tác giả, mà nếu không là bạn đồng liêu, không từng trải nghiệm ở chiến trường, am hiểu cuộc sống và chiến đấu của những người lính vận tải và thanh niên xung phong, thì không thể “ghi chú” và phân tích một cách sáng rõ nội dung mỹ cảm và giá trị hình tượng nghệ thuật đầy sức thuyết phục đến như vậy.

Ở hai tác giả khác là Trần Kim Trắc và Lê Văn Thảo, anh chuyển sang một dạng phê bình theo một hướng mở, dân chủ hơn, đó là phỏng vấn, để cho tác giả tự nói về quan niệm nghệ thuật và đặc trưng phong cách của chính mình: Nhà văn Trần Kim Trắc: viết văn là công việc tìm ngọc trong đá, Lê Văn Thảo: khi tôi viết rất ít khi chịu áp lực của thời thượng. Số lượng câu hỏi và dạng câu nghi vấn khác nhau, nhưng nếu lắp ráp các câu hỏi cạnh nhau, có thể hình dung ra nội dung nhằm khắc họa chân dung một đời văn nặng trĩu của mỗi người.

Bài đặt ở cuối sách, Đừng như những chú kiến quáng quàng trong chảo nóng là những nhận định về trào lưu và thành tựu văn học đất nước trải qua những năm tháng chiến tranh cho đến thời hòa bình và đổi mới, những tâm sự về lao động nhà văn, trước cơm áo gạo tiền, và cảnh báo về “những mối đe dọa, những nỗi lo liên quan đến chủ quyền đất nước; đến sự mất trắng cả một quá khứ được gột dựng nên bằng máu xương những người ruột rà, thân thích của chúng ta; tệ nạn ăn cắp, ăn cướp tài sản công biến thành tài sản tư trong công cuộc xã hội hóa, sự phân cách giàu-nghèo, chiếc vòi bạch tuộc của sự tha hóa những chuẩn mực đạo đức xã hội đã bò lan đến giường ngủ của từng gia đình…” (tr.221).

Đây là một tiểu luận đầy tâm huyết của tác giả, không chỉ phơi bày thực trạng mà còn khẳng định thành tựu của từng giai đoạn văn học, đề cao mục đích, lý tưởng và thái độ, trách nhiệm công dân / nhà văn: “Bằng sự trải nghiệm của bản thân và những quan sát người viết xứ mình, chí ít là của thế hệ các đàn anh tôi và thế hệ tôi, tự dưng tôi cứ đinh ninh tin chắc rằng xét về phẩm giá làm người, về tình yêu văn chương, về sức lao động bền bỉ, phi thường dành cho từng trang viết không có bất kỳ nhà văn ở bất kỳ xứ sở nào trên thế giới này có thể so sánh với các nhà văn Việt Nam chúng ta.” (tr. 217)  

Vốn được đào tạo ngành ngữ văn (1961-1964), nhiều năm ở lính và lăn lộn chiến trường (1964-1980), sau chiến tranh lại tiếp tục học ngành phim tài liệu ở Nga (1980-1986), Tô Hoàng luôn có cảm quan hiện thực nhạy bén, có cái nhìn về con người đến kiệt cùng nhân ái, lại am tường các thủ pháp mông – ta, cắt dán của nghệ thuật điện ảnh, tạo nên những tích hợp và tiếp biến trong chọn lọc – tái tạo, chỉ bằng những nét chấm phá giản đơn, có thể phục dựng những chân dung sắc nét, vừa chân thực, có sức lan tỏa sự đồng cảm, vừa tài hoa, in đậm dấu vết của nhà sáng tác hơn là nghiên cứu phê bình, gần với văn chương tưởng tượng hơn là văn chương lý trí.

Đó chính là nét đặc sắc trong ký họa chân dung bằng ngôn từ của Tô Hoàng, khó trộn lẫn với người khác, đáng được ghi nhận. Ngay cả khi đặt từng bài viết / sự kiện cạnh nhau, theo một trật tự liên hoàn có tính tương đối, cũng có thể hình dung ra diện mạo đất nước một thời, bên cạnh những tâm huyết, đau đáu một tấm lòng, còn là hình tượng tác giả xuyên suốt tác phẩm.

Tất nhiên, tác phẩm là kết quả của việc sưu tập bài viết trong một thời gian dài, tránh sao khỏi có chỗ lỗi thời, hoặc chưa bàn đến rốt ráo vấn đề, hoặc là ngay cả việc sắp xếp thứ tự các bài viết đôi khi còn rối rắm, khiến người đọc khó hình dung vấn đề một cách mạch lạc.

PHẠM PHÚ PHONG

;
.
.
.
.
.