.

Tìm đường đến xứ Phù Tang

.

Điều quan trọng nhất đối với bạn là gì? Đó có thể là một tình bạn chân thành, là tình yêu, là tiền bạc... Nhưng ở trong sâu thẳm trái tim mình, với mỗi người, gia đình vẫn là điều không thể thiếu, ai cũng nghĩ đến khi nhớ về.

Uyên Phương (trái) và Trâm Anh, đoạt giải nhất và nhì cuộc thi hùng biện Kake Gakuen lần thứ 6 tổ chức tại Đà Nẵng. Ảnh: S.L
Uyên Phương (trái) và Trâm Anh, đoạt giải nhất và nhì cuộc thi hùng biện Kake Gakuen lần thứ 6 tổ chức tại Đà Nẵng. Ảnh: S.L

Trưa Chủ nhật 9-10, khi kim đồng hồ đã nhích qua con số 12, tên người đoạt giải nhất cuộc thi hùng biện tiếng Nhật Kake Gakuen lần thứ 6 (khu vực miền Trung) Trần Uyên Phương được xướng lên, cô sinh viên khóc ngon lành trên sân khấu, dù trước đó cô hát hò, vui nhộn như con chim. Và tin nhắn đầu tiên thông báo tin vui, Uyên Phương gửi đến mẹ. Dù cô biết có thể lúc đó mẹ chỉ kịp xem niềm vui của con trên điện thoại, rồi tiếp tục công việc của người y tá ở bệnh viện.

Chủ đề cuộc thi hùng biện năm nay là “Điều quan trọng nhất đối với tôi”. Để ý, thấy những cuộc thi hùng biện tiếng Nhật, tiếng Hàn được tổ chức ở cấp địa phương, tầm quốc gia hay khu vực, ban tổ chức thường đưa ra chủ đề nói về bản thân người dự thi, nhằm giúp họ nói lên suy nghĩ, quan điểm sống, điều quan tâm nhất… Với Trần Uyên Phương, có ba thứ quan trọng nhất (có thể ở thời điểm hiện nay) là các mối quan hệ, tiền bạc và tình yêu. Trong các mối quan hệ thì gia đình, bạn bè, thầy cô luôn gắn bó chặt chẽ với cô. Uyên Phương “bật mí” là mình chưa có người yêu, nhưng tình yêu cũng là một điều khiến bạn quan tâm, bên cạnh tiền bạc – thứ không thể không cần đến khi bạn sống giữa một thành phố khá tấp nập như ở Đà Nẵng.

Trong bài thuyết trình đoạt giải nhì cuộc thi, Nguyễn Thị Trâm Anh nói về gia đình, về những người luôn yêu thương bạn; những người đã luôn tin tưởng, cổ vũ, giúp bạn nhận ra những điều chưa biết về bản thân. Trâm Anh hiện đang sống cùng ông bà ngoại sau khi ba mẹ chia tay, nên cô bé nghĩ nhiều đến một mái ấm. Dù sống trong cảnh đổ vỡ ấy, nhưng được yêu thương rất nhiều, nên Trâm Anh hiểu có gia đình quan trọng đến nhường nào mà nếu bố mẹ không chia tay có thể bạn không nhận ra. “Gia đình với em là đôi cánh, giống như chim mà không có cánh thì không thể bay được, nên em nghĩ một gia đình yêu thương nhau là quan trọng nhất”.   

Người chiến thắng cuộc thi hùng biện, Uyên Phương bảo rằng mình rất bất ngờ khi là người dẫn đầu trong số 14 học sinh, sinh viên tham gia cuộc thi. Ban đầu Phương không định dự thi, rồi được thầy cô động viên cố gắng thử sức, nên Phương chuẩn bị bài thuyết trình suốt gần một tháng qua. Uyên Phương phải huy động vốn tiếng Nhật lâu ngày ít dùng trong “ngăn kéo” bộ nhớ, soạn bài thi rồi sửa đổi, thêm bớt, nhờ thầy cô giáo cũ sửa lỗi ngữ pháp. Phương bảo mình may mắn khi gần hai năm qua không học tiếng Nhật, nhưng nhờ vẫn tham gia câu lạc bộ của Trung tâm Nhật ngữ Sakura, giao tiếp bằng tiếng Nhật với bạn bè, giáo viên nên không quên.

Uyên Phương đang là sinh viên năm cuối khoa tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng). Khi chọn một ngoại ngữ thứ hai để học, Phương đăng ký học tiếng Nhật và có một năm rưỡi rèn luyện với ngôn ngữ tượng hình này. Và cũng giống như nhiều bạn trẻ khác, Phương thích truyện tranh, phim hoạt hình của Nhật. Phương cũng học được ở người Nhật phong cách giao tiếp, tính nghiêm túc và tinh thần vượt khó vươn lên trong cuộc sống.   

Nhiều bạn học sinh, sinh viên đến với các cuộc thi hùng biện tiếng Nhật, các cuộc thi tìm kiếm học bổng với ước mơ được đặt chân đến đất nước Phù Tang, học những điều mới mẻ cho hành trang tương lai của mình. Đó là suy nghĩ của Uyên Phương, Trâm Anh và nhiều bạn khi đến giải Kake Gakuen.

Trâm Anh hiện là học sinh lớp 12, Trường THPT Phan Châu Trinh. Môn tiếng Anh và tiếng Pháp là hai ngoại ngữ bắt buộc học ở trường, nhưng cô bé bảo mình lại giỏi nhất môn tiếng Nhật khi có 2 năm đi học thêm môn này. Trâm Anh thích đọc truyện tranh về chú mèo máy Doremon, thích văn hóa Nhật. Để biết thêm nhiều về văn hóa Nhật Bản, thời gian gần đây, Trâm Anh thường xem những bộ phim tài liệu về đất nước, con người Nhật Bản trên kênh NHK. Những bộ phim này thường có phụ đề tiếng Anh, còn ngôn ngữ người dân cũng như người dẫn chuyện trong phim là tiếng Nhật, nên cô bé có thể học được cùng lúc hai ngoại ngữ. Và ước mơ được đến Nhật du học thôi thúc cô học tiếng Nhật nhiều hơn, dù đôi khi cô bé thấy áp lực một chút với những chữ tượng hình.

Ông Mai Đăng Hiếu, Phó Giám đốc sở Ngoại vụ Đà Nẵng, thành viên Ban giám khảo cuộc thi cho rằng, qua bài thi thuyết trình, các bạn học sinh, sinh viên thể hiện rõ sự tự tin và tất cả đều là người thắng cuộc. Đến nay, có 158 doanh nghiệp Nhật đầu tư tại Đà Nẵng, tuyển dụng hơn 50.000 lao động. Việc nhiều bạn hiện nay chọn học tiếng Nhật, văn hóa Nhật, cũng như nhiều ngôn ngữ khác, sẽ mở ra một chân trời mới cho mình…

SONG LINH

;
.
.
.
.
.