.

Người gieo hạt

.

Sau năm 1975, nếu có một cuộc bình chọn ai là người tham gia hoạt động phong trào khuyến học (KH) lâu năm nhất của Việt Nam đến thời điểm hiện nay thì người đó là Nhà giáo Ưu tú Phạm Đình Hảo. Ông không chỉ là người khởi xướng thành lập Hội KH Quảng Nam – Đà Nẵng (QN-ĐN) mà có đến 22 năm làm Chủ tịch Hội KH đầu tiên của cả nước này (sau thời điểm 1997 là Chủ tịch Hội KH Đà Nẵng).

Nhà giáo Ưu tú Phạm Đình Hảo (thứ tư, trái sang) tại lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì do Chủ tịch nước trao tặng Hội Khuyến học Đà Nẵng. (Ảnh do đơn vị cung cấp)
Nhà giáo Ưu tú Phạm Đình Hảo (thứ tư, trái sang) tại lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì do Chủ tịch nước trao tặng Hội Khuyến học Đà Nẵng. (Ảnh do đơn vị cung cấp)

Mười năm trước, ông đón tôi trong ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong một con hẻm bên đường Phạm Văn Nghị. Người dong dỏng cao, đôi mắt ánh lên vẻ sáng trong dưới cặp mục kỉnh cùng với nụ cười đôn hậu, ông có dáng dấp của một nhà thơ hơn là một nhà giáo. Giờ quay lại, khu vườn nhỏ trước nhà ông đã được người con gái cải tạo thành một quán cà-phê vườn, hoa cỏ chừng như lặng yên cùng con người để lắng nghe những khúc nhạc không lời khẽ lan ra từ căn phòng nhỏ.

Bước qua tuổi 88, ông tuy không còn giữ được vẻ nhanh nhẹn như 3 năm trước - khi ông còn giữ chức Chủ tịch Hội KH Đà Nẵng, nhưng thần thái ông vẫn toát lên nét tinh anh vốn có. Giờ muốn trao đổi với ông điều gì, phải nói lớn tiếng.

Ông người làng Long Xuyên, nay là thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. 13 tuổi, ông học xong tiểu học, muốn học lên nữa phải ra Huế, nhưng gia cảnh không cho phép, đành ở lại quê nhà 3 năm học chữ Hán. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông tham gia Đội văn nghệ tuyên truyền xung phong. Cách mạng thành công, ông học tiếp cấp 2 ở Trường Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng, rồi cấp 3 ở Trường Trung học Lê Khiết Quảng Ngãi. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc rồi được cử đi học sư phạm ở Trung Quốc; về nước, tiếp tục đi học đại học trong nước và cao học ở Liên Xô. Được phân công giảng dạy ở Đại học Sư phạm Hà Nội và Vinh, ông chính thức bước vào ngưỡng cửa của cuộc đời làm nhà giáo...

Bảng chúc mừng sinh nhật Nhà giáo Ưu tú Phạm Đình Hảo 85 tuổi do Hội Khuyến học Đà Nẵng tặng. Ảnh: V.T.L
Bảng chúc mừng sinh nhật Nhà giáo Ưu tú Phạm Đình Hảo 85 tuổi do Hội Khuyến học Đà Nẵng tặng. Ảnh: V.T.L

Sau ngày thống nhất đất nước, ông về làm nhà giáo ngay trên quê hương mình. Trên cương vị Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh QN-ĐN, được đi đây đi đó nhiều, thấy nhiều em học rất giỏi nhưng không có điều kiện đến trường, ông không khỏi xót xa. Chẳng lẽ đành nhắm mắt để cho nguồn chất xám trong xã hội ấy mai một dần hay sao?! Nhớ đến cụ Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng, người con ưu tú của xứ Quảng lừng lẫy một thời trên cương vị chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Tiếng Dân, người khai sinh phong trào KH Quảng Nam tại Huế vào năm 1934, ông nghĩ, tại sao mình không vận động thành lập Hội KH.

Sau hơn một năm tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục, mãi đến ngày 26-10-1991, phong trào KH của cụ Huỳnh được khôi phục khi Hội KH QN-ĐN chính thức được khai sinh với 7 thành viên trong Ban vận động gồm ông và 6 người khác là các ông Nguyễn Văn Xuân, Phan Khôi, Nguyễn Ngữ, Lê Phú Lộc, Phan Châu Toàn, Hồ Huyễn. Nghĩ được như ông vào thời đó kể cũng hiếm, bởi lẽ, cũng phải mất 5 năm sau khi ông gieo hạt giống KH đầu tiên trên xứ Quảng quê mình, Hội Khuyến học Việt Nam mới chính thức ra đời!

Theo ông Đàm Văn Hòe, Chánh Văn phòng Hội KH Đà Nẵng, khi mới thành lập, Quỹ Hội KH QN-ĐN chỉ có 200.000 đồng của ông Võ Chí Công (nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng), 3 triệu đồng của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình gửi ủng hộ và một khoản tiền nhỏ của anh em trong Ban Chấp hành Hội đóng góp để làm kinh phí hoạt động.

Năm 2013, sau 22 năm dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hội Phạm Đình Hảo, với tấm lòng thương yêu học sinh và biết sáng tạo nhiều cách làm mới, các cấp Hội từ thành phố đến các quận, huyện, xã, phường, trường học, cơ quan, đơn vị, dòng tộc, cơ sở tôn giáo… đã vận động Quỹ KH trên 80 tỷ đồng. Từ số tiền này, đã cấp phát học bổng cho hơn 30.000 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp các em có thêm điều kiện vượt khó học tập; ngoài ra còn khen thưởng cho hơn 40.000 học sinh xuất sắc, học sinh giỏi.

Con người cần mẫn gieo hạt KH ấy đã rời khỏi cương vị Chủ tịch Hội KH được 3 năm nay. Mỗi khi có dịp, bạn bè xưa, học trò cũ lại ghé qua thăm ông, cùng uống chén trà hay ly cà-phê hàn huyên bao kỷ niệm xưa. Trên tường phòng khách, bên cạnh các tấm hình ông chụp chung với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, có các loại bằng khen, giấy khen mà cao nhất là Bằng khen của Thủ tướng. Năm 2015, ông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Đó là kết quả của chuỗi ngày “gieo hạt” không mệt mỏi suốt 22 năm qua của ông với phương châm “Niềm vui lớn nhất của tôi là làm vơi đi bất hạnh của học sinh nghèo”...

Chuyện trong lương và chuyện ngoài đời

Lúc đang giữ chức Phó Giám đốc phụ trách kế hoạch tài chính Sở GD&ĐT tỉnh QN-ĐN, ông Phạm Đình Hảo nhận được văn bản đề nghị duyệt chi bồi dưỡng chấm thi tuyển sinh vào lớp 10 tại các hội đồng trên địa bàn tỉnh do ông Huỳnh Văn Hoa – lúc đó là chuyên viên Phòng Phổ thông của sở, trình lên. Xét thấy anh em không làm đêm, cũng không làm ngoài giờ, ông Hảo trả lại văn bản: “Chuyện này đã tính trong lương”.

Bút phê của thủ trưởng như một câu lục lơ lửng, mọi người trong phòng len lén cùng nhau “sáng tác” thêm một câu bát nữa cho trọn nghĩa: “Làm cho em út hết đường làm ăn”!

Nói thế, chứ thủ trưởng không phải là người không thấu hiểu hoàn cảnh của nhân viên cấp dưới. Có điều, việc gì ra việc nấy. Theo lời ông Huỳnh Văn Hoa, lúc đó, những lần đi giao đề thi tuyến cánh nam như Núi Thành, Tam Kỳ, Tiên Phước, Trà My, gặp nhiều bữa trời trưa đổ nắng, tìm một tô mì Quảng cũng khó nữa là... Nhưng đến đâu, ông Hảo cũng dặn cơ sở lo lắng cho anh em chỗ ăn, chỗ ngủ. Thấu hiểu đời sống viên chức, giáo viên ngành GD&ĐT những năm 80 thế kỷ trước còn nhiều khó khăn, ông “mách nước” cho anh em tính thêm các khoản công tác phí hợp lý để bồi dưỡng xứng đáng với công sức anh em. Những ngày cuối năm âm lịch, bao giờ ông cũng kết hợp việc đi thăm các gia đình chính sách của ngành với công tác kiểm tra các cơ sở trước Tết. Ông sắp xếp thế nào đó, để tất cả mọi nhà đều được tặng trà, rượu trước ngày “ông Táo về Trời” 23 tháng chạp để đón Tết vui tươi, đầm ấm.

“Việc này đã tính trong lương/ Làm cho em út hết đường làm ăn”, “câu thơ” ghi dấu một thời khó khăn của ngành GD&ĐT và để lại trong ký ức những nhân viên xưa, học trò cũ của ông sự nể trọng, yêu quý đối với một vị thủ trưởng, một người thầy đáng kính.

V.P.Q (ghi)

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.