.

Để học trò đam mê học sử

.

Phần mềm học môn Lịch sử của nhóm 3 học sinh (HS) lớp 8, Trường THCS Nguyễn Khuyến (quận Cẩm Lệ) gồm Dương Nguyên Ánh Hằng, Võ Ngọc Đức Thịnh và Huỳnh Trung Đức vừa đoạt giải ba Giải thưởng Sáng tạo Khoa học - Công nghệ Việt Nam 2016, giúp HS nhanh chóng nắm bắt, ghi nhớ sâu các sự kiện, tạo cảm hứng yêu thích môn học này.

Hằng - Đức - Thịnh, 3 bạn học sinh sáng chế phần mềm học sử.
Hằng - Đức - Thịnh, 3 bạn học sinh sáng chế phần mềm học sử.

Ba bạn học cùng một lớp. Hằng học giỏi môn Văn, còn Đức và Thịnh đều là “cây” Toán của lớp. Cả 3 chơi thân với nhau và cùng chung suy nghĩ: Làm thế nào để có thể học tốt môn Lịch sử bởi một công dân muốn yêu quê hương mình, trước hết phải am hiểu về lịch sử. Bởi vậy, khi nghe Ánh Hằng bộc bạch về ý tưởng đang ấp ủ, Đức và Thịnh liền đồng tình ủng hộ và cùng nhau sắp xếp thời gian học tập để giành thời gian bắt tay vào thực hiện.

Ánh Hằng cho biết: “Ở các tiết học môn Lịch sử, em cũng như các bạn đều thấy khó tiếp thu vì môn học nhàm chán, khó hình dung, khó ghi nhớ và rất dễ nhầm lẫn các sự kiện, thời kỳ lịch sử. Mặc dù kiến thức lịch sử được trình bày trong sách giáo khoa theo một trình tự thời gian nhưng trình tự này bị che lấp vì quá nhiều chữ. Từ đó em nghĩ mình cần tạo ra một công cụ học tập có thể tóm tắt nội dung lịch sử và trình bày nội dung đó theo trình tự thời gian một cách trực quan để dễ nắm bắt và ghi nhớ được lâu hơn”.

Có được ý tưởng, nhóm bắt đầu hoàn thiện đề cương bước đầu. Những mô hình thiết kế về phần mềm học sử bắt đầu được vạch ra trên mặt giấy. Tiêu chí chung của nhóm là làm thế nào để thể hiện bài học về các sự kiện, nhân vật một cách ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa nhất. Thịnh nói: “Đầu tiên, bọn em cùng nhau bắt tay vào thực hiện sưu tầm tư liệu lịch sử, thống kê các sự kiện theo trục thời gian.

Nhưng vào thời điểm thực hiện đề tài này, tụi em đang là HS lớp 7 nên chưa được học hết lịch sử đất nước. Nhóm phải tìm đọc các tư liệu theo hệ thống. Công việc này cũng gặp không ít khó khăn vì nhiều nguồn tư liệu lệch nhau về mốc thời gian sự kiện. Cuối cùng nhóm thống nhất sử dụng kiến thức lịch sử của “Việt Nam sử lược” và “Đại Việt sử ký toàn thư”. Riêng về hình ảnh minh họa cũng là một vấn đề khó khăn vì tụi em không tự vẽ minh họa được, còn sưu tầm trên mạng thì không xác định được bản quyền… Có nhiều hình ảnh nhóm phải thuê họa sĩ vẽ”.

Khi tư liệu được thu thập tương đối đầy đủ, nhóm bắt đầu xây dựng phần mềm biểu diễn theo trục không gian. “Giải pháp được nhóm chọn là sử dụng kỹ thuật làm web cũng như các công nghệ Internet phổ biến hiện nay để tạo ra một ứng dụng web. Ứng dụng web hiển thị trục thời gian, sắp đặt các thời kỳ, sự kiện, nhân vật lịch sử lên trục thời gian đó.

Xây dựng phần mềm dưới hình thức dự án mã nguồn mở”, Thịnh cho biết. Với trục thời gian biểu diễn sự kiện lịch sử từ thời kỳ sơ khai đến hiện đại, mỗi sự kiện nhóm chia là 3 phần, gồm: tóm lược lịch sử, phần sự kiện lịch sử và phần nhân vật lịch sử.

Để giúp người học dễ nhớ, từng thời kỳ sẽ có hình ảnh đại diện, sự kiện cùng với tư liệu văn bản mô tả tổng quát nhất. Phần sự kiện được hiển thị danh sách tất cả các sự kiện xảy ra trong thời kỳ. Với phần sự kiện có hình ảnh đại diện và tiêu đề của sự kiện. Với nhân vật lịch sử thì hiển thị danh sách danh nhân thông qua bảng hình ảnh trực quan.

Tuy nhiên do kiến thức lập trình còn hạn chế nên nhóm cũng gặp khó khăn, mất nhiều thời gian cho việc xây dựng phần mềm. Để hoàn thành đề tài, các bạn phải nhờ đến sự hỗ trợ, hướng dẫn của ông Phạm Ngọc Hùng - một chuyên viên tin học.

Vừa hoàn thành phần mềm, vừa phải hoàn tất các bài học trên lớp để có kết quả thi học kỳ tốt nhất, nhóm phải tranh thủ cả những giờ giao giữa hai tiết để trao đổi và làm việc cật lực trong 3 tháng nghỉ hè. Sau 6 tháng, sản phẩm phần mềm này ra đời, hứa hẹn sẽ hỗ trợ cho rất nhiều HS trong tiết học môn Lịch sử.

Nói về dự định, Hằng chia sẻ: “Trong tương lai, nhóm kỳ vọng sẽ hoàn thiện sản phẩm, đưa vào ứng dụng thực tế. Nhóm cũng sẽ tiếp tục phát triển phần mềm này dưới hình thức dự án mã nguồn mở, đồng thời kêu gọi các cá nhân, tổ chức quan tâm đến việc học Lịch sử trong nhà trường chung tay góp sức xây dựng phần mềm này”.

Tiếp tục đam mê sáng tạo, Hằng cho biết: “Nếu sau này có thời gian, nhóm có ý tưởng sẽ cùng nhau thiết kế một phần mềm về an toàn giao thông”.

THIÊN LAM

;
.
.
.
.
.