.

Cách đọc mới mang lại những chiều kích mới cho tác phẩm

.

 (Đọc “Hé gương cho người đọc” – Tập nghiên cứu phê bình của Đỗ Lai Thúy, NXB Phụ nữ, 2015)

Tác phẩm mới của nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy tập trung nghiên cứu 9 tác giả là những tên tuổi quen thuộc và nổi tiếng: Nguyễn Gia Thiều, Phạm Thái, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê, Tú Xương, Tản Đà. “Trăm năm trong cõi người ta”, không biết bao nhiêu là sách báo, bao nhiêu là luận văn thạc sĩ, tiến sĩ từng “đào xới”, diễn giải, tôn vinh 9 tác gia văn học trung đại Việt Nam cùng với những tác phẩm đã trở thành cổ điển này! Vậy mà - dù tác giả khiêm tốn nói rằng mình chỉ “hé gương” - người đọc vẫn ngạc nhiên và thú vị bắt gặp những nét mới mẻ từ nhiều trang trong tác phẩm mới của ông.

“Bí quyết” để nhà phê bình tìm ra những nét mới ấy, Đỗ Lai Thúy đã trình bày cặn kẽ và có sức thuyết phục trong chuyên luận dài gần 40 trang mở đầu cuốn sách: “Đọc trong không gian văn hóa đương đại”. Ông viết:

“…Để nhận diện rõ hơn các nhà thơ trung đại trên với tư cách là tác giả, nhất là tác phẩm của họ, thì phải xem người đọc đọc họ như thế nào… Người đọc bằng kinh nghiệm sống và kinh nghiệm thẩm mỹ của riêng mình sẽ “bồi đắp da thịt” cho “bộ xương” văn bản ấy trở thành sinh thể tác phẩm… Những sáng tác này qua một thời gian dài đã có cách đọc chính thống, xác lập được những giá trị ổn định, nay cách đọc mới mang lại những chiều kích mới cho tác phẩm, lấn rộng không gian thẩm mỹ…”.

Xin hãy bắt đầu từ Truyện Kiều của Nguyễn Du, tác phẩm nổi tiếng và quen thuộc nhất với tất cả chúng ta. Tác giả, “lấy Truyện Kiều làm phòng thử nghiệm những cách đọc”, không chỉ giúp người đọc hiểu lịch sử nghiên cứu phê bình tác phẩm lớn nhất của đại thi hào Nguyễn Du trong hơn nửa thế kỷ vừa qua mà đã “chứng minh” rõ ràng là “cách đọc mới mang lại những chiều kích mới cho tác phẩm, lấn rộng không gian thẩm mỹ…”. Có thể điểm qua những cách đọc/phê bình “Truyện Kiều” của nhiều tác giả  Đào Duy Anh, Trương Tửu, Lê Đình Kỵ, Đàm Quang Thiện, Lê Tuyên, Lê Tuyên, Phan Ngọc, Trần Đình Sử…

Nêu nhận định, chỉ ra sự bất toàn trong những cách đọc/phê bình của các tác giả này, nghĩa là Đỗ Lai Thúy phải đối thoại/đương đầu với hầu hết là những “đại gia” trong giới phê bình nghiên cứu. Đỗ Lai Thúy đã làm được việc đó với thái độ điềm tĩnh và tinh thần khách quan khoa học, trân trọng với cả các công trình nghiên cứu ở miền Nam trước 1975, nên hẳn là không làm ai khó chịu; còn tán đồng với ông tất cả thì lại là chuyện khác.

Vả lại, tác giả dẫn ra những cách đọc khác nhau cốt để nhấn mạnh tác phẩm “…không chỉ có nghĩa chủ ý mà còn có nghĩa kiến tạo, tức là nghĩa do văn bản tạo ra…”“tác phẩm không phải chỉ được sáng tác bằng hữu thức, mà còn chủ yếu bằng vô thức của nhà văn, nên tác phẩm bao giờ cũng dài rộng hơn nhà văn… Đây chính là chỗ cần sự có mặt của những cách đọc mới…”.

Dẫn thêm bà Chúa Nôm Hồ Xuân Hương - một tác giả nữa rất quen thuộc với mọi người để dễ thấy “nét mới” mà Đỗ Lai Thúy tâm đắc. Ông viết: “Trước đây, một ý kiến đã thành đinh đóng chết thơ Hồ Xuân Hương vào tiếng cười đả kích… do cách hiểu phiến diện, thiên về hiện thực và cái nhìn giai cấp, tính phổ quát của tiếng cười Xuân Hương bị chìm khuất… Điều đó làm cùn nhụt các cực sắc nhọn của những biểu tượng lưỡng tri. Người ta không biết rằng bản chất tiếng cười Xuân Hương là để diễn đạt trạng thái đối cực và tính hai mặt của đời sống…”. Có lẽ không cần dẫn thơ bà Chúa Nôm để đối sánh vì người Việt ta ai cũng thuộc ít ra dăm ba bài. Tác giả đã từ văn bản những bài thơ đó, nhận định: “Tiếng cười Xuân Hương còn là tiếng cười tự do, tiếng cười giải phóng… tiếng cười khúc khích… mà thâm hậu”.

Có lẽ cũng nên dẫn thêm một tác giả không thật quen thuộc nhưng lại cho thấy cách đọc khác nhau đã “mang lại những chiều kích mới cho tác phẩm” như thế nào. Đó là nhà thơ Dương Khuê (1839-1902), quê Hà Đông, đỗ tiến sĩ năm 1868, làm quan đến chức Tổng đốc Nam Định-Ninh Bình thời vua Tự Đức…, nổi tiếng với bài thơ/hát nói “Gặp cô đào cũ” (còn có tên là “Hồng Hồng Tuyết Tuyết”): “Ngày xưa Tuyết muốn lấy ông/ Ông chê Tuyết bé, Tuyết không biết gì/ Bây giờ Tuyết đã đến thì/ Ông muốn lấy Tuyết, Tuyết chê ông già…”. Điểm qua một ít tiểu sử của ông vì chính điều này đã khiến một số học giả (Dương Quảng Hàm, Dương Thiệu Tống) khi bình luận bài thơ này - người thì “giả vờ” (?) hiểu theo nghĩa đen, “chỉ nhấn mạnh quan niệm hưởng lạc, xu hướng trào phúng, triết lý vô vi của Lão - Trang”,  người lại hiểu theo nghĩa “ẩn dụ”, cho rằng đây là cách nhà thơ hờn trách vua Tự Đức trước tình hình đất nước bây giờ - nhưng cả hai đều “muốn chứng minh, biện chính cho con người xã hội của Dương Khuê vốn đang bị ngộ nhận, hiểu lầm”. Đỗ Lai Thúy cho rằng “cách đọc này… dễ biến thành cách đọc phi văn chương, đúng hơn, dùng văn chương như một thứ tài liệu để tìm hiểu… tác giả tiểu sử”. Do đó, tác giả muốn phân tích bài thơ từ hệ quy chiếu thẩm mỹ, cho rằng đây “là một bài thơ tình, một tình yêu luôn bị lệch pha thời gian… Sự có-thể-không-thể này tạo ra một bi kịch của cuộc sống và cái đẹp của nghệ thuật…”.

 Không thể điểm hết những “nét mới” của 9 gương mặt văn học trung đại nổi bật mà Đỗ Lai Thúy đề cập đến trong cuốn sách này. Điều cần nói thêm là trong khi làm bật nổi chủ đề về “cách đọc nội quan” - cách đọc mới, thay cho “cách đọc ngoại quan”, tức từ bên ngoài nhìn vào văn bản, tác giả đã đồng thời cung cấp cho bạn đọc - nhất là những học sinh, sinh viên, giáo viên văn học - một lượng thông tin khá đầy đủ về tiểu sử, quá trình sáng tác… của 9 tên tuổi đã dẫn, có thể giúp ích nhiều trong quá trình học tâp, nghiên cứu về sau. Các sơ đồ (hình vẽ) so sánh, phân tích, “xếp loại” các tác giả theo “xuất thân” (nông thôn/đô thị; bình dân/quan lại) hay phân vùng ảnh hưởng “không gian xã hội” (nhà nho quan lại/ nhà nho bình dân; nhà nho thành thị/nhà nho nông thôn) đối với hai nhà thơ trào phúng Nguyễn Khuyến và Tú Xương, rồi sơ đồ “biểu diễn cơ chế cười” của Xuân Hương (thiêng/tục - cười - thiêng/tục) cũng có thể xem là “nét mới” trong một công trình nghiên cứu văn học, giúp người đọc có căn cứ suy ngẫm thêm về những mối quan hệ nhiều chiều tạo ra sự khác nhau của các tác giả và tác phẩm quen thuộc với hầu hết chúng ta trong gần một thế kỷ vừa qua…

NGUYỄN KHẮC PHÊ

;
.
.
.
.
.