.

Sức hút của một giải đấu quần chúng

.

Gần 20 năm nay,“Giải bóng đá thiếu niên – nhi đồng khu dân cư (TNNĐKDC) quận Ngũ Hành Sơn” là nơi hàng trăm thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn ham mê môn “thể thao vua” nuôi dưỡng ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Điều đặc biệt, từ lần đầu tiên diễn ra (năm 1997) đến nay, giải luôn được tổ chức sôi nổi, bài bản từ các tổ dân phố, khu dân cư.

Tiền đạo Lê Văn Cường ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Ảnh: T.T
Tiền đạo Lê Văn Cường ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Ảnh: T.T

Chuyên nghiệp từ khu dân cư

Vừa ủi, xếp cẩn thận mấy chục bộ quần áo đồng phục của các cầu thủ của khu dân cư vừa hoàn thành xuất sắc giải đấu TNNĐKDC quận mùa giải hè 2016 vừa qua, “ông bầu” kiêm huấn luyện viên đội bóng KDC số 4 (phường Mỹ An) Huỳnh Lâm tự hào khoe, năm nay, các đội bóng KDC của ông đã thi đấu xuất sắc. Cụ thể, đội thiếu niên đoạt giải nhất toàn phường, trở thành nòng cốt của đội phường, tiếp tục xuất sắc giành giải nhất toàn quận. Đội Nhi đồng giành giải ba toàn quận. Cũng như mọi năm, mùa giải bắt đầu rục rịch từ giữa tháng 7, ông Lâm cùng ban chỉ đạo giải đấu của KDC 4 bắt đầu các công tác vận động kinh phí, hậu cần để các cầu thủ nhí yên tâm tập luyện. Từ những ngày đầu giải đấu diễn ra, đội KDC 4 không phải “bị động” khâu tập hợp cầu thủ, vì mỗi năm, ngoài đội chính thức, các đội bóng thiếu niên, nhi đồng KDC 4 luôn có một lực lượng dự bị hùng hậu. Cụ thể, đội Thiếu niên chính thức thường tập hợp những em ở độ tuổi lớp 8, 9, 10; trong khi đó, đội Nhi đồng chính thức từ độ lớp 4, 5; đội dự bị là những em nhỏ tầm lớp 2, 3 đi theo tập luyện, làm quen với bóng nguyên một mùa giải. “Có nhiều em nhỏ đòi theo quá, chúng tôi phải từ chối để đảm bảo chất lượng, tính tổ chức của đội”, ông Lâm kể.

Là một người ham mê bóng đá từ ngày nhỏ, ông Huỳnh Lâm đã làm huấn luyện viên, chăm chút, dẫn các đội bóng của KDC 4 thi đấu gần 15 năm nay. Những ngày diễn ra giải đấu chính thức, năm nào ông Lâm cũng xin nghỉ phép để “chạy theo” các cầu thủ. Nhiều năm kinh phí vận động mãi không đủ, ông Lâm không ngần ngại bỏ tiền túi lo thuê xe taxi đưa đón nhằm bảo đảm an toàn, thuyết phục vợ lo cơm nước miễn phí trong thời gian các cầu thủ tập trung cao độ cho giải đấu. “Thật may vợ tôi cũng là người nhiệt tình với phong trào nên bà ấy vui vẻ hợp tác”, ông Lâm chia sẻ. Với nụ cười phúc hậu, ánh mắt đầy nhiệt huyết khi nói về giải đấu, ông Lâm khiến người dù mới gặp một lần không khỏi ấn tượng.

Không chỉ “bầu sô” Huỳnh Lâm, đến nhà Lê Văn Cường (15 tuổi) – tiền đạo của đội Thiếu niên của KDC 4 phường Mỹ An này, có thể nhận thấy ý nghĩa đặc biệt của giải đấu đối với các “cầu thủ nhí”. Cúp, cờ, áo, giày của 5 năm tham gia giải đấu được cậu bé Cường cất giữ cận thận. Cường rụt rè thổ lộ: “Em luôn ao ước được trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, nhưng ba mẹ em bảo nhiệm vụ học hành vẫn là số một, không được để chuyện bóng ban làm ảnh hưởng. Em sẽ cố gắng hoàn thành cả hai”. Tại giải đấu vừa qua, Cường là một trong những cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất, có trận thi đấu hưng phấn em ghi đến 4 bàn. Kỷ niệm nhớ nhất với Cường là năm lớp 4, khi còn ở đội Nhi đồng, Cường bị bong gân trong lúc tập luyện, phải ngồi cổ vũ cho các đồng đội trên sân mà lòng như “lửa đốt”. Nhân chuyện bong gân của Cường, ông bầu Huỳnh Lâm kể thêm, có em bị trẹo chân khi thi đấu đã đứng khóc như mưa như gió không phải vì đau mà vì tiếc không được đấu tiếp. Tuổi các em rất ham bóng, dễ bị kích động, hiếu thắng nên Ban huấn luyện luôn quán triệt từ đầu là, thi đấu chủ yếu rèn luyện sức khỏe, không quá hơn thua. “Đạo đức cầu thủ phải được đặt lên hàng đầu”, ông Lâm cho hay.

Ông Huỳnh Bá Dương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận Ngũ Hành Sơn cho biết, giải bóng đá TNNĐKDC quận Ngũ Hành Sơn manh nha từ năm 1997 với một số KDC, đến năm 1999 thì lan rộng ra toàn quận. Từ đó, giải duy trì qua các năm, thường diễn ra trong kỳ nghỉ hè: bắt đầu từ giữa tháng 6 và kết thúc cuối tháng 8. Những năm diễn ra các sự kiện chính trị lớn của đất nước, thành phố, giải đấu thực sự trở thành một sự kiện có sức hút đặc biệt. Như giải đấu mừng Đại hội Đảng toàn quốc vừa qua, trong ngày khai mạc đã thu hút gần 1.000 cầu thủ, huấn luyện viên và một số lực lượng liên quan trên sân đấu của quận. Cũng theo ông Dương, nhiều tên tuổi đã trưởng thành từ phong trào này, vươn  lên trở thành cầu thủ, thủ môn, huấn luyện viên của các đội tuyển cấp thành phố, cấp quốc gia.

Anh Huỳnh Ngọc Cường, cựu cầu thủ của đội bóng Nhi đồng KDC quận Ngũ Hành Sơn, nay trở thành thủ môn chuyên nghiệp của Đội bóng đá bãi biển quốc gia là một ví dụ. Trò chuyện với chúng tôi, anh Cường cho biết, với anh, những ngày thi đấu ở KDC luôn là hồi ức đẹp. Phong trào ở quận đã tạo nền móng, động lực để anh phấn đấu đến vị trí ngày nay.

Thiếu sân bóng công cộng

Không thể phủ nhận sức lan tỏa của giải đấu, song theo tìm hiểu của chúng tôi, giải đấu chỉ diễn ra sôi nổi trong mùa hè, còn trong năm thì ngưng hẳn. Các cầu thủ nhí phần vì bận rộn học tập, nhưng lý do cốt yếu là không có sân an toàn để tập luyện. Tất cả các phường trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn hiện rất hiếm sân bóng công cộng nào có thể “đá được”, chứ chưa nói đến từng khu dân cư. Những người dẫn dắt các đội bóng như ông Huỳnh Lâm, mùa nào cũng phải chật vật đi thuê sân tập, kỳ kèo giá cả vì kinh phí hạn hẹp.

Không chỉ các đội KDC, các phường tổ chức giải đấu cũng phải đi “thuê” các sân tư nhân. Ông Lê Văn Thành, cán bộ phụ trách Văn hóa – Xã hội phường Mỹ An cho biết, năm 2010, phường được thành phố bố trí một sân bóng giao phường quản lý, nhưng sân bóng này chỉ có bờ rào bao quanh, còn mặt sân lổn nhổn đất đá, để đầu tư hoàn thiện mặt bằng sân phải tốn tiền tỷ, quá sức đối với phường. Thành thử, năm 2011, phường “liều” tổ chức giải đấu TNNĐKDC ở đây, nhưng vì mặt sân không bảo đảm, quá nhiều cầu thủ chấn thương, nên từ đó đến nay cứ mỗi lần diễn ra giải đấu thì phường phải chạy đi thuê.

Một trở ngại đối với công tác tổ chức giải đấu là từ khi các khối phố bị bãi bỏ, mỗi năm tổ chức lại phải bầu lại Ban chỉ đạo (thường là các Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố) các KDC dẫn đến thủ tục rườm rà, tính thống nhất trong nội bộ Ban chỉ đạo không được như hồi còn khối phố. Vì vậy, những người tâm huyết với giải đấu rất mong muốn, mọi trật tự trở về như cũ sẽ thúc đẩy giải đấu nói riêng cũng như các phong trào văn hóa - thể thao tại các phường nói chung.

Theo số liệu từ Sở Văn hóa - Thể thao, số người dân tham gia tập thể dục thể thao (TDTT) năm 2012 chiếm 25% dân số, năm 2016 là 32% dân số, dự kiến đến năm 2020 là 35%. Năm 2012 số hộ gia đình tham gia tập TDTT là 20,1% tổng số hộ trên toàn thành phố, năm 2016 là 22% tổng số hộ, dự tính đến năm 2020 cũng chỉ tăng lên được 28% hộ. Số câu lạc bộ TDTT (cả đơn môn và đa môn) năm 2012 là 476 CLB, tăng lên thành 574 CLB năm 2016 và dự kiến sẽ đạt 659 CLB trong năm 2020.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.