.
Giới thiệu sách

Một cuốn sách hay, lạ từ một giải thưởng

.

Giải Sách Hay do Viện IRED và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh bảo trợ vừa được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 18-9 vừa qua. Đây đã là năm thứ 6 của giải thưởng này.

Từ một tổ chức dân sự vô vị lợi, từ các chuyên gia uy tín bằng tinh thần “hồn nhiên, công tâm và vô tư; các thành viên làm việc độc lập tuyệt đối” (lời Bùi Văn Nam Sơn) trong Hội đồng giải thưởng, Giải Sách Hay đã mang đến cho độc giả Việt Nam vốn bị xem là thờ ơ với sách các cuốn sách giá trị. Trong đó, công trình Văn minh vật chất của người Việt của họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, đạt giải thưởng ở hạng mục sách Nghiên cứu, là một.

1. Thường thì lịch sử một đất nước luôn được nhìn qua các biến cố lớn, những cột mốc lịch sử quan trọng; sử gia là người ghi nhận những biến cố, cột mốc đó với nhận định riêng. Lịch sử bị đồng hóa với biên niên sử bằng những chuyển động, chuyển đổi ở cấp độ thượng tầng xã hội, ở đó vua chúa và quan lại triều đình đóng vai chính. Nhưng lẽ nào lịch sử một đất nước chỉ thuần là lịch sử chiến tranh với những cuộc tranh giành quyền lực nội bộ hay với ngoại bang? Vậy đâu là vai trò của quần chúng nhân dân?

Nhận thấy sự thiếu khuyết mang tính phân biệt đó, không ít sử gia đã đi theo chiều hướng khác: Lịch sử quốc gia được nhìn qua lăng kính của sự phát triển nghệ thuật. Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc hay hội họa; cả lịch sử văn học như là sự phát triển tinh thần của một dân tộc. Không đáng sao? Dẫu sao, dù là một họa sĩ thời danh, Phan Cẩm Thượng có cái nhìn thoáng hơn, ông nhận định “nghệ thuật là thứ sang trọng, còn hằng ngày, đời thường, dân thường cũng có vị thế nhất định trong lịch sử như một văn minh sống động mà ta không hay nhắc tới” (trang 21).

Phan Cẩm Thượng qua công trình tâm đắc của mình ý định bổ sung sự thiếu khuyết đó. Văn minh vật chất của người Việt  (Nhà xuất bản Tri thức, tái bản lần thứ 6, 2016) kể câu chuyện về đồ vật do con người tạo ra, làm thành thế giới vật chất, qua đó người Việt tự soi mình để thấy cái hay/dở, đẹp/xấu, tiến bộ/lạc hậu, để - như Bùi Văn Nam Sơn nói - người Việt hiểu mình hơn, cảm thông và yêu thương dân tộc mình nhiều hơn.

Đó là ý tưởng lạ, “một cuốn sách lạ” (từ dùng của họa sĩ Nguyễn Quân) chưa ai từng làm trước đó. Suốt công trình dày 664 trang khổ 18 x 24cm, Phan Cẩm Thượng dẫn dắt độc giả đi vào “một ngày của người Việt”, từ đó dấn vào cuộc hành trình dài qua các thời kỳ lịch sử những sáng tạo vật chất của người Việt: Từ xe cộ và thuyền bè đến chày và cối, từ đồ dùng mây tre đan đến đồ gốm và kim khí trong đời sống thường ngày, từ ngô khoai sắn đến “cơm tẻ là mẹ ruột”, từ đồ trang sức đến đồ thờ tự đơn sơ… và cả “ngôn ngữ liên quan đến đời sống vật chất” cũng được bàn đến một cách thú vị. Tất tần tật những gì lâu nay ta cho là bình thường, những sản vật nằm ngoài vùng tinh túy để tiến vua, những đồ dùng được người nông dân Việt Nam sử dụng hằng ngày, dùng rồi hư mất bị bỏ đi, và biến mất vô tăm tích dưới bánh xe lịch sử và ký ức cộng đồng được tái hiện sinh động.

2. Hơn thế nữa, khảo sát đời sống đồ vật không chỉ thuần dáng vẻ bề ngoài của đồ vật, mà còn là những cái gì đằng sau nó và bên trong nó. “Trong suốt thời phong kiến, người nông dân luôn thiếu nguyên liệu để chế tạo công cụ và đồ gia dụng… Chiến tranh xảy ra, khi quân địch rút lui, nông dân tổ chức thành nhiều đội du kích liên tục bám sát và gây rối loạn đối phương, cốt yếu làm cho kẻ địch vứt lại vũ khí chạy tháo thân. Họ cũng không tấn công những người đi tay không để khuyến khích những kẻ khác vứt vũ khí” (trang 233). Và vũ khí kia sau đó được người thợ thủ công luyện thành nông cụ sản xuất, đồ gia dụng. Không sáng tạo và đầy tính nhân bản sao?!

Nhưng Việt Nam không chỉ là người Việt, mà còn có rất nhiều dân tộc khác từng cư trú trên đất nước Việt Nam hôm qua và hôm nay; họ đã dựng nên nền văn hóa văn minh của chính dân tộc mình trên mảnh đất chữ S này. Từ H’Mông, Dao ở phía Bắc cho đến các dân tộc Tây Nguyên, từ dân tộc Champa ở miền Trung cho đến các dân tộc đã dựng nên nền văn hóa Óc Eo hay Sa Huỳnh cổ. Tất cả làm nên tổng phổ nền văn hóa - văn minh Việt Nam, trong đó có có văn minh vật chất. Chúng được Phan Cẩm Thượng đặt vào vùng nghiên cứu và so sánh để soi sáng đời sống văn minh vật chất và cả văn minh tinh thần của con người Việt Nam.

Lịch sử bất công đã đành, nhà viết sử lâu nay cũng quá bất công với công sức của số đông quần chúng, khi “không đếm xỉa” tới những đóng góp của họ. Trong khi chính những vật dụng thường ngày đó mới mang hơi thở đời sống của một dân tộc. Nó chấp nhận làm nền đất vô danh cho những tác phẩm nghệ thuật cao cấp sáng giá mọc lên, và tồn tại, để được lịch sử ghi nhận.

Phan Cẩm Thượng với Văn minh vật chất của người Việt đã làm sống dậy hơi thở thầm lặng bất tuyệt đó.

INRASARA

;
.
.
.
.
.