.

Ba ngày ở cà-phê Tùng Đà Lạt

.

Vừa đặt chân lên Đà Lạt, người bạn thân thời đại học gọi điện hẹn sẽ chở đến cà-phê Tùng. Đứng trước ngôi nhà số 6 phảng phất nét xưa với diện tích khiêm tốn ở khu Hòa Bình, tôi ngỡ ngàng vì nơi đây đã in bóng hình của một thế hệ nghệ sĩ tài danh. Tôi và Lê Phước Nghiêu ngồi trên dãy ghế băng bọc da cạnh chiếc bàn nhỏ, gọi cà-phê đen nóng, hương vị cà-phê thơm đậm chất cao nguyên đang rơi từng giọt vào vùng ký ức mịt mùng khói sương. Giọng hát của Khánh Ly vang lên với những tình ca của Trịnh Công Sơn đưa tôi vào không gian của một thời xa vắng. Chủ quán giới thiệu chiếc bàn chúng tôi ngồi chính là nơi ngày xưa các văn nghệ sĩ như Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Khánh Ly, Lê Uyên Phương,… thường ngồi trò chuyện. Tôi nhìn vào hàng chữ nhỏ trên tường thấy có chữ ký Khánh Ly năm 2015. Hàn huyên với người bạn giáo viên có thâm niên trên 25 năm ở Đà Lạt một lúc thì nhiếp ảnh gia M.P.K vào chào hỏi thân tình rồi ngồi cùng. Những ánh mắt hướng đến nghệ sĩ M.P.K, sau đó mọi người xin chụp ảnh kỷ niệm với anh.

Góc bàn nhỏ, nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly từng bắn bó.
Góc bàn nhỏ, nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly từng bắn bó.

Ngày thứ hai ở Đà Lạt, đi bộ từ khách sạn ở ngã ba Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Phan Như Thạch đến cà-phê Tùng mất khoảng 5 phút, lần này ngồi một mình nên tôi cảm nhận nhiều điều hơn, từ những bức tranh úa màu thời gian, phong thái của chủ quán và cả khách hàng. Tiếng nhạc vẫn ở mức vừa phải để người uống cà-phê phải chú ý mới lắng nghe, vẫn là những giai điệu trữ tình vang bóng một thời. Cà-phê đen nóng cũng như cà-phê đá ở đây có giá một ly hai mươi ngàn đồng. Đặc biệt nước đá là từng viên nhỏ vuông vức thuận lợi cho khách thưởng thức.

Ngày nay để có được một không gian yên tĩnh chứa hơn 50 người ngồi thưởng thức cà-phê trong sự im lặng là điều khác thường, hiếm thấy. Những người khách ngồi cà-phê Tùng cứ chậm rãi nhâm nhi cà-phê và nghe nhạc trong trạng thái không vội vã, không lo âu, trên nét mặt mỗi người như đang chìm đắm vào dòng suy tưởng theo giai điệu và ca từ trong nhạc Trịnh. Thiết nghĩ, đó chính là sự tôn trọng lẫn nhau, để tạo ra không gian tĩnh lặng trong môi trường công cộng.

Lượng khách mỗi lúc một đông cả phòng trong và phòng ngoài, hầu hết là du khách, họ đến đây như để muốn chính mình đặt chân đến cõi còn đọng lại linh hồn của những nghệ sĩ tài hoa đã đi vào huyền thoại.

Một người anh tên Đình Lộc sống ở Đà Lạt từ năm 1969 kể lại, thời xưa ngồi uống cà-phê Tùng sương phủ mờ cả mặt kính phía ở cửa trước, anh nói đến bây giờ mọi thứ ở trong quán cà-phê Tùng vẫn không khác xưa. Những người bạn khác bảo rằng hình như chủ quán này muốn giữ lại những kỷ niệm. Thế hệ chủ quán hiện nay là con của ông bà Tùng thời trước, không biết đến các thế hệ tiếp theo có còn lưu giữ được không?

Điều đặc biệt ở cà-phê Tùng là những bức tranh của các họa sĩ tên tuổi trong đó có bức “Người chơi đàn guitar” của họa sĩ Vị Ý, “Thiếu nữ xanh” của họa sĩ Đinh Cường, tranh thiếu nữ của Cù Nguyễn,... Các bức tranh ở cà-phê Tùng như là nhân chứng của một thời vàng son để ghi dấu về những nghệ sĩ đã một thời lưu lại nơi xứ sở của những ngọn đồi mộng mị này. Hầu hết tranh treo ở cà-phê Tùng đều nhuốm màu thời gian cùng khói sương Đà Lạt.

Ngày thứ ba đến cà-phê Tùng lần cuối để từ giã Đà Lạt, tôi nói với chị chủ quán xin chụp lại những bức tranh, chị vui vẻ đồng ý. Chụp xong tôi yên tâm chuẩn bị chào hỏi để ra về, thì một người khách bước vào hỏi chủ quán vị trí mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngồi, chị chỉ vào bàn tôi đang ngồi, vị khách lưỡng lự ngồi bàn cạnh, tôi thấy vậy mời anh qua ngồi chung và trò chuyện ít phút trước khi rời quán; anh bảo Trịnh Công Sơn là thần tượng của anh, anh muốn đến những nơi lưu dấu của người nhạc sĩ thiên tài này. Thăm hỏi mới biết vị khách tên Tuấn Anh làm trong lĩnh vực đường sắt ở Hà Nội rất mê nhạc Trịnh. Hầu như vị khách nào đến cà-phê Tùng cũng muốn nghe những câu chuyện về thế hệ các nghệ sĩ tài hoa trong không gian nhỏ nhưng ấm cúng này.

Rời giấc mộng lãng du của Đà Lạt để trở về với Cố đô thơ mộng, chợt nghĩ đến những quán cà-phê xứ Huế của một thời, đến bây giờ chỉ còn lại những cái tên trong tâm tưởng của những người từ tuổi lục thập, như cà-phê chị Lợi ở đường Phạm Hồng Thái (trước là Lê Đình Dương), cà-phê Tôn ở Đinh Công Tráng, cà-phê Sương Lan, Dạ Thảo ở đường Chi Lăng, cà-phê Lạc Sơn, cà-phê Phấn ở đường Trần Hưng Đạo,… ở những cái tên đó gợi nhắc đến không khí lãng tử, phong trần, hiệp nghĩa và rất nhân văn của một thời chưa xa. Những quán cà-phê ở Cố đô có tuổi đời gần cả trăm năm bây giờ chỉ còn lại cà-phê Dạ Thảo cũng với phong cách xưa cũ, từ cách bố trí bàn ghế, bàn nhỏ, thấp, ghế băng, tường treo tranh của các họa sĩ, âm nhạc nhỏ vừa đủ cho người muốn nghe, chỉ có điều giới uống cà-phê ở đây khác với giới ngồi ở cà-phê Tùng. Một thành phố Huế cổ kính có bề dày lịch sử, với nhiều di sản, rất nhiều quán cà-phê vườn, cà-phê hộp rất sang nhưng không khí không thân thiện, âm nhạc thì không có gu nào, chỉ cần nghe vài bản nhạc là biết chủ quán thuộc hệ nào. Còn nhớ thời bao cấp do nghiền nghe nhạc ngoại mà đi uống cà-phê ở những quán có dàn âm thanh tốt và nhạc hay như: Sóc Nâu đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, cà-phê Cây Sứ, cà-phê Chùa (nhạc Rock) ở Hùng Vương, Sông Xanh ở hẻm Nguyễn Công Trứ, rồi cà-phê 242 ở Chi Lăng, Da Vàng ở Phạm Hồng Thái, cà-phê Phượng ở Đinh Tiên Hoàng… bây giờ hầu như không còn nữa. Xứ sở mà rất nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi đã xuất thân từ đây, nhưng đến bây giờ không kiếm nổi một không gian để thư giãn, để chiêm nghiệm đúng nghĩa của nó, hoặc lưu dấu những kỷ niệm đẹp của quá khứ và hiện tại cho các thế hệ tiếp nối như cà-phê Tùng ở Đà Lạt. Thử hỏi nỗi niềm này do đâu?

LÊ HUỲNH LÂM

;
.
.
.
.
.