.

Tháng Tám mùa Thu trong ký ức nhà báo Hàm Châu

.

Tôi nhắc đến tên nhà báo Hàm Châu đầu tiên trong bài viết này vì khi tôi viết những dòng này thì Đà Nẵng cuối tuần có đăng bài giới thiệu tác phẩm lớn cuối đời của anh (Ánh sáng nhân văn trong thế giới các nhà vật lý - NXB Thế giới, 2016) vừa hiện diện trong cuộc tiễn đưa người bạn thân thiết của các tên tuổi khoa học Việt Nam và thế giới - đồng thời là một cộng tác viên tin cậy của Báo Đà Nẵng - đến cõi thiên thu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các “trí thức tinh hoa” đất nước trong rừng Việt Bắc thời kháng chiến chống Pháp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các “trí thức tinh hoa” đất nước trong rừng Việt Bắc thời kháng chiến chống Pháp.

Nhà báo Hàm Châu ra đi quá đột ngột, nhưng thú thật là khi đọc tác phẩm cuối đời của anh, thấy anh dốc hết cả “gan ruột” vào trong đó, tôi linh cảm rằng tác giả đã thấy trước cái giới hạn mà con người không thể vượt qua. Vì thế, mặc dù chủ đề chính của  cuốn sách là chân dung, nhân cách các nhà vật lý nổi tiếng, nhưng tác giả đã không ngại “lan man” đến cả trăm trang sách giãi bày với bạn đọc, với hậu thế, những trải nghiệm, những “bài học đường đời” của một “chứng nhân lịch sử”, trong đó sâu đậm nhất là những ký ức, những kỷ niệm thời vàng son của Cách mạng mùa Thu.

Có thể gọi Hàm Châu là “chứng nhân lịch sử”, mặc dù khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, anh mới là cậu bé lên 10 tuổi, nhưng anh có may mắn hơn tất cả mọi người là sau đó, được quen biết, trò chuyện tâm tình với hầu hết những trí thức lớn của đất nước đã đi theo Cụ Hồ trong bước ngoặt lịch sử quan trọng của dân tộc.

Xin được dẫn một đoạn chú thích trong “Đôi lời cùng bạn đọc”:

“Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở “cái thuở ban đầu dân quốc ấy / nghìn năm chưa dễ mấy ai quên”, đã quần tụ được xung quanh Người “thế hệ vàng” những trí thức tinh hoa đích thực của đất nước ta thuở ấy, những con người được đào luyện kỹ càng bằng cả hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây, ở trình độ cao và rất cao, như Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa (kỹ sư chế tạo đạn bazoka, súng không giật, bom bay), Nguyễn Xiển, Hoàng Minh Giám, Tạ Quang Bửu, Bùi Kỷ, Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Văn Huyên, Trần Hữu Tước, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Khánh Toàn, Bùi Công Trừng, Trần Văn Giàu, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Khắc Viện, Phan Anh, Phan Mỹ, Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Nhị, Cao Xuân Huy, Nguyễn Văn Tố, Đào Duy Anh, Lê Thước, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Đổng Chi, Đặng Vũ Hỷ, Đỗ Tất Lợi, Vũ Văn Cẩn, Trương Công Quyền, Vũ Đình Hòe, Dương Đức Hiền, Đỗ Đức Dục, Nghiêm Xuân Yêm, Trần Đăng Khoa, Phạm Thiều, Trần Hữu Nghiệp, Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Lân, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Văn Tiến, Nguyễn Văn Chiển, Nguyễn Thạc Cát, Đặng Phúc Thông, Đoàn Nồng, Phạm Đình Ái, Võ Quý Huân (kỹ sư luyện kim rời Paris về nước trên cùng một con tàu thủy với Bác Hồ năm 1946), Nguyễn Hy Hiền (tức Lê Tâm, kỹ sư sáng chế súng SS bắn cháy xe tăng Pháp trên chiến trường Nam Bộ - Giải thưởng Hồ Chí Minh), Nguyễn Trinh Cơ (bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng, nhà văn), Lê Khắc Thiền, Hoàng Sử, Nguyễn Văn Tấn, Nguyễn Trinh Tiếp (người đã cùng kỹ sư Trần Đại Nghĩa sáng chế đại bác không giật DKZ bắn sập boong-ke Pháp ở trận Phố Lu, Phố Ràng - Giải thưởng Hồ Chí Minh), Lê Khả Kế, Đặng Chấn Liêu (nhà từ điển học) bác sĩ Nguyễn Thúc Tùng, Nguyễn Tài Chất (bác ruột giáo sư Nguyễn Tài Cẩn)…

Tôi cố ý “kể lể dông dài, dằng dặc” danh tính “dày đặc” “lê thê” các nhà trí thức cái thuở ban đầu dựng nước Dân chủ Cộng hòa và kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng hiểm nguy ấy, khi số phận của cả dân tộc, cũng như thân phận của mỗi con người phải “tôi rèn trong lửa đỏ và nước lạnh”, trải qua những phút giây sinh tử mất còn!…

Nhiều người trí thức trong số đó, giờ đây, nếu như tôi, không cố gắng ghi lại theo trí nhớ mong manh, thì rất có thể bỏ sót, và, thế là từ nay về sau, chẳng còn ai nhắc tới họ nữa! Có mấy ai trong số ấy được đặt tên đường tên phố dù là ở một thị xã tỉnh lỵ xa xôi hay một thị trấn huyện lỵ nhỏ nhoi nào đó? Đã đành rằng nhiều nhà trí thức yêu nước nhưng không phải là người cộng sản như Nguyễn Xiển, Hoàng Minh Giám…, cũng đã được đặt tên đường tên phố, nhưng không ít người ngoài Đảng, có công với nước, còn bị lãng quên!”…

Xin đừng quên nhà báo Hàm Châu là một đảng viên có 60 năm tuổi Đảng. Một chú thích không chỉ “kể lể dông dài” mà còn gửi lại đời sau những điều tâm huyết - cũng có thể gọi là những “món nợ lịch sử”. Cũng trong chú thích này, ở đoạn trên, tác giả trân trọng nhắc đến một trong những con người  “bị lãng quên” đó - luật sư Lê Huy Vân. Ông không chỉ là Tổng biên tập Tạp chí Tổ Quốc tiền nhiệm của Hàm Châu mà là  “… một nhà trí thức lớn, yêu nước thầm lặng, là thành viên sáng lập, một cây bút chính của Tạp chí Thanh Nghị trước năm 1945. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I của tỉnh Phúc Yên… là một đồng tác giả bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cùng luật sư Đỗ Đức Dục và cả với nhà văn Nguyễn Đình Thi…”.

Ở một đoạn sau, Hàm Châu nhắc đến GS. Nguyễn Thúc Hào “người thầy của các nhà khoa học nổi tiếng nước ta như Nguyễn Đình Tứ, Hoàng Tụy, Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Đình Cự, Hà Học Trạc, Nguyễn Văn Hường, Nguyễn Văn Cung, Đinh Ngọc Lân, Nguyễn Hoàng Phương…” và thẳng thừng chất vấn: “Vậy thì tại sao ở thành phố Vinh không có phố Nguyễn Thúc Hào?”.

Cũng chính trong vài chú thích đầu sách “lan man” này, tác giả ghi lại cho chúng ta biết, trong Quốc hội khóa I năm 1946, Đảng Xã hội Việt Nam giành được 24 ghế, Đảng Dân chủ Việt Nam giành được 46 ghế đại biểu… Không chỉ có những con số và tên tuổi, Hàm Châu đã viết những dòng đầy cảm xúc về những con người thuộc “thế hệ vàng” đó:    

“… Rời Paris, Tokyo lộng lẫy, hay giã từ cuộc sống “ô-tô, nhà lầu” ở Hà Nội, Sài Gòn lên rừng xanh Việt Bắc hay ra rừng sác bưng biền, mang theo cả mẹ già, con dại, đi tham gia kháng chiến, đâu phải là chuyện dễ dàng? Lắm khi  ở nơi “ve kêu vượn hú”, bỗng nhớ đến nao lòng một tô phở tái nạm gàu, một bát bún chả, hay một tách cà -phê mỗi sáng!

Thế mà không ít trí thức tinh hoa yêu nước thuở ấy tập cuốc bộ trên những ngả đường đồi dẻo quánh bùn đỏ dính chặt đôi dép lốp cao su trong những ngày mưa rừng dai dẳng…

Tôi cảm thấy đôi mắt mình rớm lệ khi nhớ tới hình ảnh cụ Nguyễn Văn Tố, một nhà Đông phương học nổi tiếng của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp, áo the khăn xếp, bị quân Pháp bắn chết lúc chúng nhảy dù xuống Bắc Kạn cuối năm 1947… Tôi cũng nhớ bóng dáng Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên khom lưng guồng xe đạp từ vùng Ngòi Quăng, Chiêm Hóa, Tuyên Quang, nhiều đoạn phải vác xe lên vai, lội qua dòng suối xiết, vào tận Thanh Hóa kiểm tra tình hình giáo dục, ở lại trong nhà tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường. Thế mà bữa cơm chiêu đãi khách hôm ấy, chỉ có bát canh rau muống nấu với cua đồng cùng mấy quả cà pháo muối mặn là “sang” nhất…”.  

Ngay sau đoạn văn đầy cảm xúc này, tác giả lý giải cội nguồn tạo nên sức tập hợp những tinh hoa của đất nước vào công cuộc kháng chiến và kiến quốc:

“Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo thiên tài, “tận trung với nước, chí hiếu với dân”, đã thể hiện tinh thần đoàn kết chân thành , đầy trân trọng đối với bậc Đại Nho gia yêu nước đất Quảng Huỳnh Thúc Kháng, hay các nhân sĩ yêu nước như các cụ Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Võ Liêm Sơn, Bùi Kỷ, Vi Văn Định (Tổng đốc Thái Bình, nhạc phụ của các giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng), Hà Văn Đại (Phó bảng Nho học, bác ruột GS Hà Văn Tấn), Nguyễn Thúc Dinh (Phó bảng, Thượng thư, cha ruột GS Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Thúc Tùng)…”.

Trên đây chỉ là một phần nhỏ từ các trang chú thích “lan man” ở “Lời mở đầu” cuốn sách. Vậy mà có bao nhiêu là kiến thức lịch sử, bao điều tâm huyết gửi gắm của một con người tử tế, một nhân cách đáng trọng vừa ra đi. Những dòng chữ khiến chúng ta tưởng như được sống lại một thời trong sáng nhất ở đầu nguồn cách mạng. Có lẽ cũng trong dòng cảm xúc và ý tưởng đẹp đẽ này, ở chương sách “Đô thị cổ Blois và Cố đô Huế”, tác giả đã “lan man” rất xa đề, dành nhiều trang viết về nhà thơ Nguyễn Đình Thi, trong đó gợi nhắc đến các tác phẩm bất tử của ông như bài hát Người Hà Nội, bài thơ Đất nước…

“… Trời thu thay áo mới / Trong biếc nói cười thiết tha / Trời xanh đây là của chúng ta / Núi rừng đây là của chúng ta…/ Nước chúng ta / Nước của những người chưa bao giờ khuất…”.

Mở trang sách của anh Hàm Châu, tôi nhẩm đọc mấy câu thơ của nhà thơ đã cùng tham gia nhóm soạn thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bảy thập kỷ trước, lòng bỗng xốn xang nhớ về một Mùa Thu đã xa, và chợt nghĩ: những trang sách vừa dẫn của nhà báo Hàm Châu cũng như bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi đâu chỉ nhắc nhở chúng ta nhớ về Mùa thu Cách mạng mà còn có sức khơi gợi suy ngẫm đến những vấn đề hệ trọng của đất nước hôm nay…

NGUYỄN KHẮC PHÊ

;
.
.
.
.
.