.

Nguồn cảm hứng bất tận

.

Vẻ đẹp thiên nhiên là trường cửu đối với con người dù ở không gian, thời gian nào. Người xưa và người nay cảm nhận về Đà Nẵng dù có khác nhau về thể loại, về góc nhìn... nhưng điều chung nhất vẫn là sự rung động tinh tế của cảm nhận nghệ thuật trước thiên nhiên tươi đẹp.

Hai câu thơ của vua Lê Thánh Tông trên bức phù điêu đặt ngay gian chính của Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L
Hai câu thơ của vua Lê Thánh Tông trên bức phù điêu đặt ngay gian chính của Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L

1. Đà Nẵng có biển, núi, sông. Theo quan niệm dân gian, một nơi ngoài núi, trong biển, kín gió thì thường là đẹp. Từ xa xưa, đây là nơi giao thương quan trọng nằm ở trung độ của đất nước, có bến cảng lớn với hơn 80 bến neo đậu. Tàu thuyền ngày đó có thể đi một mạch từ sông Hàn qua sông Cổ Cò vào thẳng Hội An - một cảng thị nổi tiếng của xứ Đàng Trong.

Với vị trí đắc địa trời cho này, Đà Nẵng đã thu hút biết bao lữ khách, thương nhân thập phương đến giao lưu, mua bán. Riêng với giới tao nhân mặc khách, cảnh sơn thủy hữu tình nơi đây đã “tức cảnh sinh tình” và để lại đời sau biết bao cảm xúc qua những tác phẩm được ghi lại trong nhiều thư tịch Hán Nôm và bút ký phương Tây.

Sớm nhất, có lẽ là bài thơ “Hải Vân hải môn lữ thứ” (Nghỉ lại ở cửa biển Hải Vân) được vua Lê Thánh Tông ứng tác trong lần nghỉ chân ở cửa biển Đà Nẵng (ngày đó vua gọi là vịnh Đồng Long) trong cuộc Nam chinh mở cõi gần 550 năm trước. Trong đó, có hai câu được hậu thế ghi lại trên bức phù điêu đặt ngay gian chính của Bảo tàng Đà Nẵng: Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt/ Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền. (Canh ba đêm vắng, mảnh trăng Đồng Long vằng vặc/ Trống canh năm gió mát, con thuyền Lộ Hạc dập dềnh).

Mấy trăm năm sau, Cao Bá Quát (1809 - 1855), nhà thơ dùng muội đèn chữa một số bài thi hay nhưng phạm húy ở trường thi Thừa Thiên, bị vua xử tù ba năm. Ông được tha, nhưng phải bị đưa vào Đà Nẵng để đày đi nơi xa. Trên đường từ Huế vào Đà Nẵng, ông có dịp dừng chân ở Thanh Khê và làm bài “Chu hành há Thanh Khê, nhân cố nhân ký biệt tòng du chư đệ tử” (Thuyền xuôi Thanh Khê, nhân có người quen gởi lời từ biệt các học trò). Trong bài thơ, có mấy câu mô tả cảnh và tình đầy cảm xúc: Núi Ngũ Hành chỉ cách gang tấc/ Nhìn nhau đều tỏ vẻ dùng dằng... Đèo Hải Vân không còn xa mấy/ Ngoảnh đầu lại thấy mây bay lững lờ...

2. Cảnh sắc Ngũ Hành Sơn cũng là nguồn cảm hứng làm nên những tuyệt tác thơ ca. Cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, nữ thi sĩ Bà Bang Nhãn (1853 - 1927), cũng vì say đắm “nhan sắc” Đà Nẵng mà viết nên “Vịnh Ngũ Hành Sơn”: “Cảnh trí nào hơn cảnh trí này/ Bồng Lai tiên cảnh hẳn là đây/ Núi chen sắc đá pha màu gấm/ Chùa nức hơi hương khói lộn mây/ Ngư phủ gác cần ngơi mặt nước/ Tiều phu chống búa tựa lưng cây/ Nhìn xem phong cảnh ưa lòng khách/ Vút mắt Trường Sơn ác xế tây”.

Trong bài thơ, nữ sĩ người gốc huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) đã hết lời ca ngợi Ngũ Hành Sơn, một cảnh trí không nơi nào sánh bằng. Vẻ đẹp đượm màu lịch sử “Bồng lai tiên cảnh hẳn là đây” đã đi vào nhiều tác phẩm thi ca, nhạc họa. Giới tao nhân mặc khách “phải lòng” vì Ngũ Hành Sơn, bởi đây là di sản thiên nhiên, là “của trời cho”, đồng thời cũng là di sản văn hóa và hơn thế nữa - là biểu tượng văn hóa của người Quảng. Từ vẻ đẹp nhuốm màu sử thi của núi Ngũ Hành, các văn nghệ sĩ đã sáng tạo ra biết bao tác phẩm đi vào lòng người.

Điển hình có thể kể đến vở kịch múa “Đà Nẵng đất Đồng Long” của NSND Lê Huân. Ông từng nói, ngôn ngữ múa của Đà Nẵng khác biệt với các nơi khác nhờ chất liệu “múa tuồng”. Chính nét văn hóa, vẻ đẹp nội tại của Đà Nẵng đã chắp cánh cho sức sáng tạo của người nghệ sĩ bay xa. Mượn truyền thuyết về thần Kim Quy và trứng Rồng của Long Quân, kết hợp với ngôn ngữ múa dân gian dân tộc, người nghệ sĩ đã hiện thực hóa vẻ đẹp của quê hương, qua đó, khắc họa tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của những người đi lập nghiệp thời bấy giờ. Đó là tình cảm đối với quê hương đất nước, ý thức hướng về cội nguồn của tất cả mọi người Việt Nam sống ở bất cứ nơi đâu và bất cứ thời đại nào.

3. Vẻ đẹp thiên nhiên là trường cửu đối với con người dù ở không gian, thời gian nào. Người xưa và người nay cảm nhận về Đà Nẵng dù có khác nhau về thể loại, về góc nhìn... nhưng điều chung nhất vẫn là sự rung động tinh tế của cảm nhận nghệ thuật trước thiên nhiên tươi đẹp.

Như âm nhạc chẳng hạn, trước năm 1945, bài hát về Đà Nẵng khá hiếm hoi. Có chăng là trong giai đoạn kháng chiến (1945 - 1975), le lói lên một số bài hát tạo được dấu ấn. Thường những ca khúc này là của các tác giả người Đà Nẵng đi kháng chiến. Xa quê, Đà Nẵng trở thành nỗi nhớ và nỗi nhớ da diết đó được nghệ sĩ viết thành ca khúc. Ví dụ, cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, bài hát đầu tiên của nhạc sĩ người Hải Châu này là bài “Đoàn Vệ quốc quân”, bài này nói chung về cuộc kháng chiến, nhưng mang dáng dấp của người con Đà Nẵng. Sau ngày giải phóng, trong nỗi nhớ của người con đi xa nghe tin miền Nam chuẩn bị giải phóng, ông sáng tác “Đà Nẵng ơi, chúng con đã về” dựa trên giai điệu gốc của bài “Đoàn Vệ quốc quân”.

Hay một loạt các bài hát của các nhạc sĩ chiến khu như “Cô du kích Đà Nẵng” của Thanh Anh, “Người Đà Nẵng” của Phan Ngọc (cho đến bây giờ là nhạc hiệu của Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng), “Đà Nẵng quê ta giải phóng rồi” của Nguyễn Đức Toàn... Giai đoạn tiếp theo là lớp lực lượng trong phong trào học sinh sinh viên. Lực lượng này được phả làn gió mới nghệ thuật cách mạng. Họ không đi theo cách mạng nhưng trưởng thành trong môi trường cách mạng. Số này kết hợp với một số nhạc sĩ trẻ từ chiến khu về, hình thành một lớp nhạc sĩ sáng tác mới như: Trần Ái Nghĩa, Nguyễn Duy Khoái, Thái Nghĩa, Nguyễn Huy Hùng, Trần Dục, Vương Quốc Toàn, Hoàng Bích, Minh Đức.

4. Cách đây 20 năm về trước, khi Đà Nẵng chưa tách khỏi Quảng Nam, cảm xúc của văn nghệ sĩ về Đà Nẵng không tách rời Quảng Nam. Chính sự không tách rời đó tạo nên một cảm xúc tổng thể về vùng đất giàu trầm tích văn hóa.

Những năm đầu tiên sau giải phóng, hình thành một câu lạc bộ sáng tác âm nhạc của thành phố Đà Nẵng (cũ). Một số bài phổ biến như: “Hát về em gái quê hương” của Hoàng Bích, “Người con gái Quảng Nam” Trần Ái Nghĩa, “Thành phố này tiếng hát trái tim tôi” Nguyễn Duy Khoái, “Điệu lý quê em” của Thái Nghĩa… mang đậm dấu ấn Quảng Nam-Đà Nẵng

Từ sau năm 1997, những sáng tác bắt đầu đi sâu về Đà Nẵng. Nhờ sự chuyển mình, đổi mới, cái đẹp, cái thơ của Đà Nẵng khiến văn nghệ sĩ trào dâng xúc cảm và “Thành phố đầu biển cuối sông” (tên một bài thơ của nhà thơ Nguyễn Văn Soong) vẫn mở ra cho họ nguồn cảm hứng bất tận…

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.