.
Nghĩ

Quý hiếm… lên mâm

.

Chú hải cẩu không biết bơi lội kiểu gì, hay rong ruổi ra sao mà từ xứ lạnh dạt đến tận vùng biển Quảng Nam cách đây vài ngày. Trước đó một, hai hôm, vài chú cũng lạc đến biển Bình Thuận. Toàn những nơi nóng nhất của một đất nước nhiệt đới. Nghe đâu nếu có được thả về biển, các chú hải cẩu đáng thương cũng không thể sống qua một tháng do sự chênh lệch về nhiệt độ quá lớn. Do đó, Viện Hải dương học Nha Trang đã tiếp nhận những cá thể này để chăm sóc và nuôi dưỡng phục vụ nghiên cứu.

Không thể về lại môi trường hoang dã, nhưng về khu bảo tồn cũng còn hơn lên… mâm. Trong cái rủi có cái may, dù quý hiếm nhưng chắc các “đại gia” Việt chưa từng ăn thịt hải cẩu nên mấy chú còn đường sống!

Thử điểm lại những lần Việt Nam xuất hiện cá hiếm thì chuyện gì xảy ra. Trước hết là làm cách nào để vây bắt cho được, sau đó là khâu công bố, xử lý thành quả. Những con cá sẽ được 2, 3 người đàn ông khiêng với gương mặt hả hê, hoặc được một đầu bếp hớn hở “đọ” chiều cao, hoặc bị chặt thành 3 khúc rồi xếp lại xem tương ứng với bao nhiêu con người, hoặc nằm sõng soài, bê bết máu trên nền bếp... Tất cả được đưa lên mạng xã hội như thể khoe hàng “độc” thuộc về ai... Nói chung, sau mỗi thông tin bắt được cá quý hiếm, cá khổng lồ, cá chưa từng gặp là giá tiền quy theo kilôgram thịt cá và sự nhanh tay, lẹ mắt của những người “sành ăn”.

Theo sau mỗi thông báo “bắt được cá trắm hơn nửa tạ tại hồ Núi Cốc, Thái Nguyên”, “Sài Gòn có cá tra khủng 160kg, dài 2,2m; cá leo có chiều dài bằng một người trưởng thành ”, “Cá trà sóc dài 1,2m và nặng 55kg từ Biển Hồ mới chuyển về”... chưa bao giờ là một câu hỏi: Đây có phải là loại nằm trong sách đỏ, có nguy cơ tiệt chủng, hay đại loại làm sao cho nó sống, mà chủ yếu là làm sao cho nó tươi để ăn ngon nhất. Cũng nghe đâu, tôm hùm, cua hoàng đế giờ xưa rồi, các đại gia thích “săn” cá sông tự nhiên quý hiếm. Thế nên, vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng cho con cá đặt lên bàn nhậu càng khoái chứ chẳng tiếc chi.

Xem chương trình truyền hình River Monsters (tạm dịch Thủy quái) trên kênh Discovery, thấy ông Jeremy Wade, nhân vật chính – người chuyên đi săn lùng cá quý hiếm tầm cỡ độc nhất vô nhị, chợt liên tưởng đến các “tay câu” xứ mình. Ông này cũng đo, cũng ước lượng con mấy tạ nhưng không lôi nó lên bờ hay vô bếp mà ổng nhảy xuống nước để việc khám phá của mình không làm cho con cá ngộp thở vì phải ngoi lên quá nhiều. Ổng sờ ngắm con cá và chứng minh rằng bản thân mình có thể khám phá ra vùng đó có những loại cá mà thế giới chẳng mấy khi thấy. Ổng “khai quật” sự bí ẩn của những lòng sông hoang vu nhất bằng niềm đam mê bất tận, không phải vì khoái khẩu. Có những nơi nguy hiểm đến mức người quay phim của đoàn không dám theo cùng, nhưng ổng không lùi bước. Ổng tự làm tất, gần như nín thở suốt mấy ngày đêm trên cái bè đơn độc giữa rừng thiêng nước lạ để đón cho bằng được con cá, đổi lại là khoảnh khắc “vén” tấm màn kỳ bí dưới lòng sông, xong rồi nở nụ cười, hôn con cá trước khi thả nó về lại với thiên nhiên.

So sánh chẳng để làm gì, bởi mỗi người một mục đích. Người câu vì kế sinh nhai, người câu vì đam mê khám phá, chỉ là liên tưởng bất chợt. Kiểu như cá trê đuôi đỏ, cá chiên, cá tầm, cá hải tượng loại khủng nhất thế giới mà rơi vào các “tay câu” thì có mà… hốt bạc. Nếu ông Jeremy Wade cũng ham “bỏ mối” cho các nhà hàng hay các đại gia thì chỉ cần vài con cá là ổng làm được cái nhà.

Các nhà khoa học xứ ta thì khó mà đủ tiền để mua lại lập tức những con cá quý hiếm để thực hiện sứ mệnh bảo tồn. Thôi thì cứ con gì quý hiếm là… lên mâm!

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.