.

Lời khuyên của nhà văn

.

Vào mùa xuân năm 1934, một người đàn ông trẻ đi nhờ xe tới Florida để gặp thần tượng của mình: Ernest Hemingway.

     Ernest M. Hemingway.
Ernest M. Hemingway.

Arnold Samuelson lúc đó 22 tuổi, thích phiêu lưu, mạo hiểm. Cha mẹ ông là người di dân Na Uy. Sau khi tốt nghiệp Đại học Báo chí ở Minnesota, Arnold Samuelson nhét chiếc đàn violon trong một chiếc ba lô rồi đi xe ngựa từng chặng  đến California. Ông đã in được một vài truyện ngắn về chuyến đi của mình cho báo Minneapolis Tribune Chủ nhật.

Tháng 4-1934, Samuelson trở lại Minnesota khi ông đọc  câu chuyện One Trip Across - Một chuyến đi Across, của Hemingway ở tờ Cosmopolitan. Mẩu truyện ngắn này về sau trở thành một phần cuốn tiểu thuyết thứ tư của Hemingway,  To have and Have not (Để có và  không). Samuelson  rất ấn tượng với câu chuyện và ông đã quyết định đi 2.000 dặm để mong gặp và đề nghị nhà văn Hemingway tư vấn. Về sau, có lần kể lại chuyện này, Samuelson viết “Dường như đó là việc làm ngu ngốc, nhưng một kẻ hai mươi hai tuổi, lang thang trong thời kỳ đại suy thoái thì không cần phải biết điều hơn thiệt  cho những gì anh ta đã làm”.

Và như vậy, tại thời điểm mà hầu hết những kẻ lang thang kiếm việc làm đang đi về phía bắc thì Samuelson lại hướng về phía nam. Ông quá giang đường tới Florida và sau đó nhảy lên chiếc tàu chở hàng từ đại lục đến Key West. Ngồi khom người trên một toa chở súc vật, Samuelson không thể nhìn thấy đường ray bên dưới anh chỉ nghe tiếng nước vỗ xoàn xoạt khi con tàu rời khỏi đại lục. “Chiếc tàu hướng về phía nam, qua cây cầu dài giữa các hòn đảo nhỏ và cuối cùng rẽ phải về  phía đại dương…  Những đường ray cũ như muốn gãy toác, chuyện đó có thể xảy ra, như giấc chiêm bao, ai biết được”, Samuelson viết.

Arnold Samuelson.
Arnold Samuelson.

Khi Samuelson đến Key West, ông nhận ra rằng, thời điểm đó, tại đây thực sự khó khăn. Hầu hết các nhà máy sản xuất xì gà đã đóng cửa và ngư dân đều nghèo khó. Đêm đó anh đã ngủ trên bến đậu của những chiếc tàu chuyên săn bắt rùa biển, lấy chiếc ba lô của mình làm gối. Một vài giờ sau, một cảnh sát đánh thức anh ta dậy và mời anh vào ngủ trong bờ rào chuồng bò của nhà tù thành phố. “Mỗi đêm tôi  bị quản thúc và được ra khỏi chuồng bò vào mỗi buổi sáng. Cảnh sát luôn canh chừng để xem  tôi có tìm đường ra khỏi thành phố hay không”, Samuelson viết. Sau đêm đầu tiên ngủ với muỗi đói trong tù, ông bắt đầu đi tìm Hemingway, một cư dân nổi tiếng nhất của thành phố.

“Khi tôi gõ cửa trước nhà Ernest Hemingway ở Key West, ông bước ra và đứng thẳng trước mặt tôi, tỏ ra bực mình, chờ tôi nói. Tôi không có gì để nói. Tôi không thể nhớ lại một từ nào trong bài “phát biểu” đã chuẩn bị của tôi. Hemingway, một người đàn ông to con, cao lớn, vai rộng, ông đứng dạng cả hai chân, cánh tay chống bên hông. Ông cúi về phía trước một chút với trọng lượng cả thân thể nén trên đầu ngón chân của mình, trong tư thế đĩnh đạc y như  dáng dấp một máy bay chiến đấu sẵn sàng vào cuộc: “Anh muốn gì?”- Hemingway hỏi” Samuelson thuật lại. Sau một khoảnh khắc lúng túng, Samuelson giải thích rằng anh đã khổ công lặn lội từ Minneapolis tìm đến đây chỉ để nhìn thấy ông, Hemingway. “Tôi đã đọc câu chuyện Một chuyến đi Across của ông trên tờ Cosmopolitan. Tôi rất thích thú và tìm đến tận đây mong được nói chuyện với ông” Samuelson trình bày. Hemingway dường như thư giãn, ông nói: “Tôi tưởng bạn chỉ muốn đến thăm. Tôi bận rộn, nhưng mời bạn trở lại vào 1 giờ 30 buổi chiều mai”.

Bút tích của Emingway ghi những cuốn sách phải đọc.
Bút tích của Emingway ghi những cuốn sách phải đọc.

Lại thêm một đêm ngủ ở chuồng bò với muỗi, Samuelson trở lại và thấy Hemingway ngồi trong bóng râm ở vòm cổng phía bắc, mặc quần kaki và đi dép, loại dép mỏng chỉ dùng trong phòng ngủ. Bên cạnh có một ly whisky và tờ báo New York Times. Hai người đàn ông bắt đầu nói chuyện. Ngồi trên hiên nhà, Samuelson có thể cảm nhận rằng Hemingway đã giữ  “khoảng cách an toàn” đối với mình: “Dù  đang ở nhà của ông ta, nhưng có vẻ như mình không ở đó. Nói chuyện với ông ta như thử đang nói với một người đàn ông xa lạ trên đường phố”. Hai người bắt đầu nói về câu chuyện trên báo Cosmopolitan, và tiếp đó, Samuelson đề cập về sự nỗ lực không thành công của mình khi viết tiểu thuyết. Hemingway vui lòng chia sẻ vài lời khuyên: “Điều quan trọng nhất mà tôi học về cách viết là không bao giờ được viết quá nhiều cùng một lúc”, Hemingway nói. “Khai thác cánh tay và ngón tay của mình. Không bao giờ để cho mình tự khô đi. Để lại một số điều muốn viết cho ngày hôm sau. Điều chính là phải biết khi nào dừng. Đừng chờ cho đến khi bạn viết ra tất cả những điều chính bạn có. Khi bạn viết tốt hơn và trang viết của bạn đạt đến điểm thú vị và bạn biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, đó là thời gian để dừng lại. Sau đó tạm quên và không nghĩ về nó; hãy để tâm trí tiềm thức của bạn làm việc. Sáng hôm sau, khi bạn đã có một giấc ngủ tốt và bạn đang cảm thấy thư thái, hãy viết lại những gì bạn đã viết ngày hôm trước. Bằng cách đó, khi bạn nhận được sự xuyên suốt nội dung qua rất nhiều điểm thú vị, đến khi bạn viết một cuốn tiểu thuyết thì sẽ không bao giờ gặp khó khăn và, bạn sẽ thú vị vì bạn đang đi cùng với nó”.

Hemingway khuyên Samuelson tránh ảnh hưởng các tác giả đương thời mà chỉ tìm đến những tác giả đã khuất, những người có tác phẩm đã đứng vững trước sự thử thách của thời gian. “Bao giờ đọc cuốn Chiến tranh và Hòa bình chưa?” Hemingway hỏi. Samuelson cho biết anh chưa hề đọc. “Đó là một cuốn sách tốt. Bạn nên đọc nó. Bây giờ, hai chúng ta nên đến chỗ làm việc của tôi và tôi sẽ ghi một danh sách tiểu thuyết mà bạn cần phải đọc”.

Lần gặp gỡ Arnold Samuelson, người vô danh, trẻ tuổi đó, Ernest M. Hemingway (1899-1961) - tiểu thuyết gia và nhà báo người Mỹ đã có những tác phẩm ảnh hưởng mạnh mẽ trên lĩnh vực tiểu thuyết thế giới thế kỷ 20 - đã ngồi vào bàn ghi hơn 10 tác phẩm văn học kinh điển nổi tiếng thế giới của các tác giả như Leo Tolstoy, Fyodor Dostoevsky, Ivan Turgenev, James Joyce, Guy de Maupassant, Mark Twain… cho người bạn trẻ tìm đọc. Về sau “Người vô danh” Arnold Samuelson (1917-2002) trở thành một nhiếp ảnh gia chiến đấu trong Thế chiến II, là một trong những người viết đầu tiên về tội ác chiến tranh của Đức Quốc xã.

HOÀNG ĐẶNG

;
.
.
.
.
.