.

Đánh thức dòng sông

.

Sở hữu vẻ đẹp sông núi hữu tình, hiền hòa, thơ mộng, tuy nhiên, những năm qua, hoạt động du lịch, tham quan, ngắm cảnh theo dòng Cu Đê vẫn chỉ được khai thác theo kiểu manh mún, tự phát, kém hiệu quả.

Vẻ đẹp thơ mộng của dòng Cu Đê. Ảnh: ÔNG VĂN SINH
Vẻ đẹp thơ mộng của dòng Cu Đê. Ảnh: ÔNG VĂN SINH

Làm du lịch kiểu manh mún, tự phát

Nhiếp ảnh gia Phan Ngọc Hợi - người đã dành hơn nửa đời người để khám phá những vẻ đẹp của thiên nhiên, con người Việt Nam, để rồi gom cho mình hàng ngàn bức ảnh nghệ thuật đẹp đến nao lòng, nói rằng, dòng Cu Đê, nơi thành phố ông đang sống luôn đem đến cho ông những xúc cảm đặc biệt. Mỗi lần có dịp lênh đênh trên dòng sông dài gần 40km, uốn lượn từ xã Hòa Bắc – huyện Hòa Vang đến cửa biển Nam Ô – quận Liên Chiểu, người nghệ sĩ thấy lòng bình yên, mơ mộng đến lạ! Nhất là vào những mùa bắp trổ bông, những triền lúa ven sông đang thì con gái xanh mượt, dòng sông mang vẻ đẹp nên thơ, khó cưỡng. Những tấm hình chụp dòng sông từ đỉnh đèo Hải Vân nhìn xuống, hình chụp sông với ánh sáng ngược trong buổi chiều tà… luôn khiến nhiếp ảnh gia khó tính “ngắm đi ngắm lại” không chán.

Với góc nhìn của người làm du lịch, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam (Vitours) nói rằng, cảnh sắc thiên tạo ven dòng Cu Đê thực sự hấp dẫn. Vitours đã từng đưa hàng trăm lượt khách đến đây tham quan, khám phá cảnh sắc cũng như thưởng thức những trầm tích văn hóa, sản vật đặc trưng của dải đất này, và họ khá thích thú. Tuy nhiên, đó đã là câu chuyện của hai năm về trước. Nguyên nhân Vitour không thể tiếp tục “chào hàng” điểm du lịch sông Cu Đê bởi năng lực phục vụ du lịch nơi đây quá khiêm tốn. Mỗi ngày chỉ có từ 1-2 con thuyền cải hoán từ tàu cá đưa khách du lịch qua sông, chỉ cần đoàn khách chừng 40 - 50 người, thì những ngư dân làm du lịch ở đây chỉ biết “cười hiền” từ chối. Sau vài lần “trơ mặt” ra với khách như vậy, Vitour quyết định dừng hẳn tour Cu Đê, dù khá tiếc nuối.

Tàu du lịch được hoán cải từ tàu khai thác cát của ông chủ Huỳnh Phi Trình, mới được đưa vào sử dụng cách đây 3 năm, có công suất lớn nhất (20CV), cũng chỉ chở được tối đa 30 khách. Những tháng qua, từ sau vụ chìm tàu Thảo Vân 2 (đầu tháng 6-2016), tiếp đó vụ sập nhà hàng nổi ở Ninh Thuận (tháng 7-2016), tàu chở khách cũng như nhà hàng nổi sông Cu Đê của ông Trình - nhà hàng nổi duy nhất ở đây, bị cấm hoạt động, khiến khung cảnh bến Bà Tân - nơi bắt đầu những chuyến thưởng ngoạn sông nước từ Nam Ô lên Hòa Bắc theo dòng Cu Đê trước đây, trở nên đìu hiu đến lạ. Hồi trước khi bị cấm, ngoài tàu của ông Trình, để đưa khách xuôi ngược từ Nam Ô lên Hòa Bắc, có thêm 1 tàu của Công ty Tân Cường Thành (chở tối đa 15 khách) và tàu tư nhân Nguyễn Cửu Lâm cũng chỉ chở tối đa 15 khách. Tuy nhiên, từ sau vụ chìm tàu Thảo Vân 2, hiện tất cả 3 tàu này đều không được phép hoạt động, vì chưa đúng chuẩn.

 Ông Trương Công Hiếu, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Liên Chiểu thừa nhận, lâu nay, du lịch trên toàn quận nói chung, du lịch tuyến sông Cu Đê nói riêng là khá manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Không chỉ khiêm tốn ở phương tiện đi lại trên sông, mà việc khai thác các di tích, địa danh, từ lâu vẫn bị bỏ ngõ. Hơn 5 năm qua, các dịch vụ được khai thác phục vụ tại tuyến sông Cu Đê hết sức nghèo nàn, đơn điệu. Các dịch vụ chủ yếu là dừng chân nghỉ trưa để ăn uống, các quán ăn phục vụ các món ăn dân dã vùng sông nước cũng chỉ được khai thác theo kiểu “được chăng hay chớ”, chưa thực sự đầu tư, chăm chút để thu hút khách. “Nhân lực làm du lịch ở đây chủ yếu làm kiểu thời vụ, không có hướng dẫn viên chuyên nghiệp nên dễ tạo cảm giác nhàm chán cho khách”, ông Hiếu cho biết.

Bao giờ "nàng tiên" tỉnh giấc

Chương trình phát triển du lịch thành phố, giai đoạn 2011 - 2015 đã định hướng tập trung xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái tuyến sông Cu Đê nhằm phát triển phía tây bắc thành phố. Tuy nhiên, cho đến nay, kết quả thực hiện vẫn quá khiêm tốn. Và hiện nay, người làm du lịch cũng như người dân quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang đang rất trông chờ ngày Đề án “Phát triển dịch vụ du lịch sông Cu Đê giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được thực hiện. Đề án đặt ra mục tiêu phát triển dịch vụ du lịch sông Cu Đê kết hợp du lịch văn hóa, lịch sử, thắng cảnh, để cùng với Suối Lương - Đèo Hải Vân - Xuân Thiều - Nam Ô -  Thủy Tú - Làng Vân thành một vệt du lịch đặc sắc; phấn đấu lượng khách tham quan tăng 10-20%/năm. Theo ông Trương Công Hiếu, một khi Đề án được thực hiện đúng những nội dung đã đặt ra sẽ hứa hẹn đem lại “một cuộc đổi thay” thực sự trên mảnh đất này. Hiện các hạng mục xây dựng chủ yếu của Đề án như xây dựng cầu tàu, bến bãi (phía Bắc cầu Nam Ô), xây dựng cụm dịch vụ, không gian lễ hội tại bến Hầm Vàng, khu đất Miếu Bà (tại cồn nổi giữa sông Cu Đê), đình Thủy Tú chỉ mới dừng lại ở khâu giải phóng mặt bằng.

Cũng theo ông Hiếu, việc cấp thiết trước mắt là thành lập đội ghe từ 5-10 chiếc để phục vụ nhu cầu đi lại trên sông nước của khách du lịch. Tuy nhiên, cái khó là theo quy định mới của thành phố, các tàu du lịch phải được đóng mới, có tiêu chuẩn riêng, tuyệt đối không được dùng tàu cải hoán từ các mục đích sử dụng khác trước đó. Chi phí đóng tàu mới không hề nhỏ, như tàu của ông Huỳnh Phi Trình chỉ mua lại tàu xúc cát cũ những cũng đã có giá lên đến 400 triệu đồng, vượt quá sức của phần lớn người dân nghèo khó trong vùng. Vì vậy, “dù chúng tôi đã vận động người dân đóng tàu mới với lãi suất ưu đãi từ năm ngoái, nhưng cho đến nay vẫn chưa có hộ nào đăng ký tham gia”, ông Hiếu cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những lý do khiến người dân chưa dám đầu tư vì họ không biết nên đóng tàu mới như thế nào thì hợp, vì đặc thù mực nước dòng Cu Đê khá cạn, nhất là vào mùa du lịch hè, nếu đóng theo tiêu chuẩn tàu du lịch thành phố đưa ra, tàu sẽ không hoạt động được. Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Công Hiếu cho biết, Phòng Văn hóa - Thông tin đã đề xuất trong Đề án nên đóng tàu nhỏ công suất 15 - 20 khách, nhưng có thể nhiều người dân chưa được biết. “Hiện tại, việc đóng thuyền cũng như thời gian chính xác hoàn toàn Đề án, chúng tôi vẫn phải chờ chỉ đạo cụ thể hơn từ cấp trên”, ông Hiếu cho hay.

“Dù có lợi thế vẻ đẹp sông nước, tuy nhiên, các di tích văn hóa ven sông Cu Đê đang đặt ra nhiều thách thức đối với hoạt động du lịch, như đình Thủy Tú và Bia tưởng niệm tại đình nằm ở vị trí thấp trũng, lối đi vào lầy lội, mùa mưa có thể bị ngập; Bia chiến tích Hầm Vàng đã bị đơn vị khai thác đào đến tận chân móng, có nguy cơ sụp đổ. Cồn Đình, Cồn Dâu, cụm di tích văn hóa tại làng Nam Ô, công tác trùng tu tôn tạo các di tích còn chậm hoặc chưa được quan tâm”.

Ông Trương Công Hiếu, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Liên Chiểu

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.