.

Bệnh tim mạch ở Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng

.

Những thay đổi lớn trong xã hội, bao gồm chế độ ăn uống “Tây hóa”  lối sống đô thị hóa nhanh chóng và công nghiệp hóa đã đưa Trung Quốc đối diện với bệnh tim mạch ngày càng nghiêm trọng hơn.

Đàn ông Trung Quốc hút thuốc lá trên đường phố thủ đô Bắc Kinh.
Đàn ông Trung Quốc hút thuốc lá trên đường phố thủ đô Bắc Kinh.

Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Đại học Harvard (Mỹ) từ năm 1991 tới 2011 tại 9 tỉnh Trung Quốc và thu thập thông tin của 26.000 người. Nghiên cứu cho thấy những thay đổi trong cuộc sống đã mang lại cho Trung Quốc tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong ba thập niên qua nhưng mặt trái của nó là tăng mạnh các bệnh về tim mạch như đau tim và đột quỵ. Khi chính phủ Trung Quốc bắt đầu mở cửa nền kinh tế thì chỉ có 7,7% người trưởng thành bị huyết áp cao (số liệu năm 1979) nhưng tới năm 2010 tỷ lệ này đã tăng lên 33,5%. Các nhà nghiên cứu “rút” ra được 17 nguy cơ từ chế độ ăn uống và lối sống tới bệnh tim mạch như huyết áp cao, cholesterol cao, đường huyết cao, chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) cao, bệnh tiểu đường loại 2, hoạt động thể chất thấp, hút thuốc lá nhiều…

Vào năm cuối cùng của quá trình thu thập số liệu (năm 2011), các nhà nghiên cứu thấy được có thêm 5 triệu người bị đau tim và đột quỵ. Bệnh tim mạch dẫn đầu về nguyên nhân tử vong ở Trung Quốc suốt hai thập niên qua nhưng trong những năm gần đây đau tim và đột quỵ trở nên nhiều hơn, đặc biệt ở vùng nông thôn. Huyết áp cao là nguyên nhân số một dẫn tới hơn 40% các bệnh nhân đau tim và đột quỵ. Trong 6,8 triệu người trên 35 tuổi qua đời trong năm 2011 thì có tới 3 triệu người, tương đương 44% do bệnh tim mạch. Thực phẩm phương Tây đang được ưa chuộng ở Trung Quốc, như thịt đỏ, thức uống có đường và muối ngày càng nhiều đã làm trầm trọng thêm dịch bệnh. Các nhà hàng thức ăn nhanh cũng đã rất phổ biến ở nhiều tỉnh, thành phố. Kết quả là béo phì ngày nhiều hơn, nhất là với trẻ em nông thôn. Ngoài ra, giảm hoạt động thể chất cũng là nguyên nhân khi mà quá nhiều gia đình chuyển từ nông thôn lên thành thị sinh sống nên chấp nhận không gian sinh hoạt thu hẹp, lo mưu sinh nhiều hơn. Hút thuốc lá cũng ngày một nhiều hơn bất chấp nỗ lực tuyên truyền kêu gọi từ bỏ thói quen xấu này. Có tới hơn một nửa đàn ông Trung Quốc hút thuốc lá (53,4%)! 1,3 triệu nam giới bị tim mạch do hút thuốc lá trong năm 2011.

Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí American College of Cardiology tuần này, phù hợp với những nghiên cứu khác về tình trạng bệnh tim mạch ngày càng trầm trọng hơn ở Trung Quốc ngay cả khi mức sống được cải thiện. Cách đây không lâu, một báo cáo được đăng trên tờ South China Morning Post cho biết tỷ lệ bệnh tiểu đường ở Trung Quốc trong thập niên 1980 chưa tới 1% nhưng bây giờ đã là nguyên nhân khiến nửa triệu người tử vong mỗi năm. Căn bệnh này phát triển ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Ngân hàng Thế giới kêu gọi Trung Quốc tăng mức chi tiêu chăm sóc y tế và dự báo sẽ phải tăng từ mức 5,6% GDP từ năm 2015 lên 9,1% vào năm 2035. Tổ chức Y tế thế giới e ngại Trung Quốc gặp khó khăn về hệ thống y tế do dịch bệnh tim mạch đang tăng mạnh. Trung Quốc đang đối diện với dịch bệnh về tim mạch mà theo Giáo sư dinh dưỡng và dịch tễ học Frank Hu thuộc Đại học Harvard là không có dấu hiệu giảm xuống.

ANH THƯ (Theo New York Times, Japan Times)

;
.
.
.
.
.