.

"Thay áo" cho quảng cáo

.

Thời gian qua việc treo, dựng, gắn biển hiệu quảng cáo trên một số tuyến đường ở Đà Nẵng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như trật tự đô thị. Trước thực trạng này, thành phố đã có nhiều biện pháp mạnh tay hơn nhằm siết chặt công tác quản lý, quy hoạch biển hiệu quảng cáo theo hướng đồng bộ, hiệu quả.

Từ đầu năm đến nay, hình ảnh băng-rôn giăng ngang đường như thế này đã hoàn toàn biến mất tại Đà Nẵng. Ảnh: T.Y
Từ đầu năm đến nay, hình ảnh băng-rôn giăng ngang đường như thế này đã hoàn toàn biến mất tại Đà Nẵng. Ảnh: T.Y

Nỗ lực làm đẹp mỹ quan

Biển, bảng hiệu quảng cáo có thể góp phần làm đẹp cho con đường nhưng cũng dễ biến thành yếu tố khiến đường trở nên xấu xí, mất mỹ quan đô thị. Họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Truyền thông V&P House cho rằng, xét về mặt thị giác, nếu ở những góc phố giao thông quan trọng chúng ta cho lắp đặt những biển hiệu quảng cáo nổi bật, có đèn màu rực rỡ sẽ ảnh hưởng đến người điều khiển phương tiện giao thông, dễ gây tai nạn. Ngoài màu sắc hài hòa, hình dáng, mẫu mã, nội dung ghi trên biển hiệu quảng cáo phải mang ý tưởng lành mạnh, trí tuệ, kích thích tính tư duy sáng tạo, độc đáo và mang tính thẩm mỹ.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Quản lý Quảng cáo Đà Nẵng (viết tắt Trung tâm) đã tổ chức 767 lượt kiểm tra các loại hình quảng cáo trên địa bàn thành phố và phát hiện 141 bảng quảng cáo, tuyên truyền vi phạm. Trong đó có 23 bảng lắp đặt không thông báo quảng cáo đến Sở Văn hóa - Thể thao, 41 bảng lắp đặt không tự tháo dỡ khi hết hạn và hàng chục bảng hiệu khác vi phạm lỗi sai lệch nội dung quảng cáo, rách nát gây mất mỹ quan. Đặc biệt, tại số nhà 18A đường Mỹ Khê 2, đơn vị đã phát hiện một biển hiệu tiếng nước ngoài viết sai quy định. Bà Khúc Thanh Hương, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, 1-2 năm trở lại đây, đơn vị tăng cường rà soát hoạt động quảng cáo ngoài trời, thông qua đường dây nóng phát hiện thêm hàng chục vụ vi phạm và đề xuất cắt 95 số điện thoại ghi trên tờ rơi quảng cáo phạm luật.

Cách đây một năm, báo chí liên tục phản ánh về tình trạng “bội thực” băng-rôn trên một số tuyến đường như Lê Duẩn, Hùng Vương, Lê Lợi, Trần Phú, Phan Châu Trinh, Trần Cao Vân… Vào giai đoạn cao điểm, một con đường có thể “gánh” hàng chục băng-rôn mới và cũ, có những hoạt động đã diễn ra cả tháng trước nhưng băng-rôn tuyên truyền vẫn còn treo. Điều này khiến các tuyến phố trở nên nhếch nhác và vô cùng lộn xộn. Trước thực trạng trên, từ ngày 1-1-2016, thành phố có chủ trương không cho treo băng-rôn quảng cáo, tuyên truyền giăng ngang đường gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Trước khi đưa ra chủ trương này, Trung tâm tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp quảng cáo nhằm đảm bảo quyền lợi của họ trong hoạt động quảng bá, tuyên truyền. Thay vì treo băng-rôn ngang đường, tùy từng trường hợp cụ thể, Trung tâm sẽ tư vấn cũng như xem xét cấp phép cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động quảng bá phù hợp. Cũng theo bà Hương, nỗ lực của thành phố và doanh nghiệp trong thời gian qua đã góp phần xóa bỏ hình ảnh nhếch nhác, mang lại cảm giác rộng thoáng, sạch đẹp hơn trên nhiều tuyến đường, đặc biệt là ở các tuyến phố trung tâm.

Cùng với đó, Sở Văn hóa - Thể thao phối hợp với Hiệp hội Quảng cáo thành phố đề nghị một số doanh nghiệp chấp hành nghiêm hoạt động quảng cáo, đặc biệt xóa bỏ hành vi quảng cáo, rao vặt, phát tờ rơi sai quy định. Các quận, huyện cũng liên tục ra quân tháo gỡ, thực hiện những biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi quảng cáo gây mất mỹ quan và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, đường phố gọn gàng và tươm tất hơn.

Khó khăn trong công tác quản lý

Ông Trương Đình Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Đà Nẵng cho hay, việc bỏ các băng-rôn ngang đường giúp thành phố cải thiện rất nhiều về cảnh quan thông thoáng, nhưng ngược lại số lượng phướn lại tăng lên, được gắn, dựng dày đặc. Các cổng chào đèn led gắn liền hoạt động quảng cáo tại các tuyến đường Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt được đặt, để trên vỉa hè dễ gây cháy nổ, cản trở giao thông. Mặt khác, trong khi các doanh nghiệp lớn, làm ăn nghiêm túc hoan nghênh chủ trương siết chặt hoạt động quảng cáo của thành phố thì các trung tâm môi giới, tổ chức, cá nhân nhỏ lại chây ỳ, không chịu hợp tác dẫn đến tình trạng dán quảng cáo, rao vặt trái phép vẫn lén lút diễn ra trên một số khu vực, tuyến đường đông dân cư mà Hiệp hội không thể can thiệp. Ông Đức trăn trở: “Có rất nhiều ý kiến của người dân gọi đến Hiệp hội Quảng cáo hỏi tại sao Nhà nước cho phép đặt quảng cáo trên vỉa hè đi bộ hết tháng này qua năm nọ nhưng chính Hiệp hội cũng không rõ việc cấp phép các trụ led quảng cáo này ra sao, áp dụng theo điều luật gì và có thời hạn phổ biến như thế nào để trả lời người dân”.

Sở Văn hóa - Thể thao thành phố cho biết, hiện nay công tác quản lý các hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn trong việc cưỡng chế, tháo dỡ và xử phạt các bảng quảng cáo lớn vi phạm. Trước thực trạng này, đầu tháng 5-2016, tại buổi làm việc về công tác quản lý quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời dựa trên các tiêu chí về kích thước, chiều cao, vị trí, hình thức quảng cáo cũng như thời gian cho phép doanh nghiệp khai thác quảng cáo. Đồng thời giao cho Viện Quy hoạch xây dựng thành phố dựa trên Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện quảng cáo ngoài trời (QCVN 17:2013/BXD) để tiến hành quy hoạch quảng cáo tại 30 tuyến đường nội thành, 6 tuyến đường ngoại thành và khu vực sân bay Đà Nẵng, đồng thời đề xuất duy trì, loại bỏ và làm mới một số vị trí quảng cáo đang tồn tại nhiều bất cập hiện nay.

Tại buổi làm việc này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cũng lưu ý đối với các vị trí thuộc quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố giai đoạn 1 tiếp tục giao Công ty TNHH VietArt OOH đầu tư khai thác, có thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với thành phố. Đối với các vị trí thuộc quy hoạch quảng cáo ngoài trời giai đoạn 2 giao cho Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao xác định giá khởi điểm để tiến hành đấu giá, chọn đơn vị khai thác, sau đó bàn giao cho thành phố quản lý. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo cho rằng cần phải có những quy định cụ thể, rõ ràng về khu vực, địa điểm nhằm tránh xảy ra sự cố đáng tiếc. Điển hình như hiện nay việc đặt quảng cáo tại các cây xăng dễ gây cháy nổ, vì thế không nên cấp phép quảng cáo tại đây.

Có thể thấy, Đà Nẵng đang quyết liệt đưa hoạt động lắp đặt biển, bảng hiệu quảng cáo vào khuôn khổ để dễ dàng quản lý và xử lý khi có vi phạm xảy ra. Đồng thời xây dựng các tuyến đường đảm bảo tính thẩm mỹ, hy vọng từng bước tạo nên sự gọn gàng và đồng bộ, tươi mới để góp phần làm đẹp hơn mỹ quan đô thị.

Ngoài những quy định về kích thước, tại Điều 23 Nghị định 103/2009/NĐ-CP ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng nêu rõ biển hiệu phải bảo đảm mỹ quan, viết bằng chữ Việt Nam; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn chữ Việt Nam. Vị trí biển hiệu đặt sát cổng, hoặc mặt trước của trụ sở hoặc nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân. Trên biển hiệu được thể hiện biểu tượng (logo) đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, diện tích logo không quá 20% diện tích biển hiệu… Cùng với đó, sẽ phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa; treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng hoặc treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu làm mất mỹ quan.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.