.
NGUYỄN HỮU HỒNG MINH VÀ "CHIỀU RỖNG HỒN EM"

Nếu không có những hẹn hò...

.

LTS: Nhà nghiên cứu Phan Tam Khê (mẹ của cặp vợ chồng Đạo diễn - Diễn viên  Trần Anh Hùng - Yên Khê) từ Paris (Pháp) trở về và tham dự đêm nhạc “Chiều rỗng hồn em - Những tình khúc Nguyễn Hữu Hồng Minh” tại Đà Nẵng vừa qua. Bà đã gửi đến Đà Nẵng Cuối tuần những đồng điệu cùng đêm nhạc của một người con Đà Nẵng.

 Hợp ca Đà Nẵng tình ngưng giữa thời gian tại đêm diễn.
Hợp ca Đà Nẵng tình ngưng giữa thời gian tại đêm diễn.

Tôi chỉ nghe tiếng anh qua danh hiệu nhà báo, nhà thơ, thế mà khi cầm thiệp mời tham dự buổi trình diễn “Chiều rỗng hồn em” của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh, tại Đà Nẵng, tôi bỗng ngỡ ngàng. Tôi nhớ hình như anh cũng đã có một chương trình giới thiệu tình khúc của mình mang chủ đề Sài Gòn Paris mưa đến ngàn sau? Bài hát với những ca từ “Anh viết cho em nhiều những trang đời rất chậm/ Như nước sông Seine đầy như giọt cà phê đắng/ Như bức tranh không màu chỉ hai bờ đen trắng/ Vì cuộc đời là lễ hội hóa trang”...

Dáng người đĩnh đạc, khiêm nhường, gương mặt mang nhiều dấu tích của trăn trở, khổ đau... tất cả đã tạo nên một Nguyễn Hữu Hồng Minh đầy thiện cảm. Nguyễn Hữu Hồng Minh sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng, nhưng từ lâu anh phiêu bạt bốn phương trời, đây là lần đầu tiên anh trở về mang theo một hành trang đặc biệt để hiến dâng cho cái thành phố thân thương, ì ầm sóng vỗ này.

Thơ chưa đủ sao mà lại muốn thành nhạc sĩ? Nhưng sau khi đọc thơ và lời nhạc của anh, tôi đã tìm ra lý giải. Âm thanh là một nhu cầu thiết yếu trong thơ ca anh. “Đa thanh”, ngôn từ của anh, trong thơ có phần gò bó, chật chội. “Đa thanh” trong âm nhạc: súc tích và tự do. Hai yếu tố đó nương tựa nhau để tạo ra một Nguyễn Hữu Hồng Minh độc  đáo.

Thơ ca của anh lúc nào cũng bàng bạc những nhớ nhung nuối tiếc: nuối tiếc những kỷ niệm đã qua, những cuộc tình đã đến và đã rũ áo ra đi chẳng một sức mạnh nào có thể níu kéo. Anh da diết “Nhớ Sài Gòn”, nhưng Sài Gòn có gì để nhớ, nếu không có “Nụ cười em rất xinh” và những “nụ cười dối gian”? Nếu không có những người bạn gắn bó cùng nhau… Tất cả những cái đó đã làm Sài Gòn trở thành bất diệt trong anh. Và Paris, một Paris, tên em trong gió cuốn (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn) - thi phẩm mới nhất của Nguyễn Hữu Hồng Minh phát hành trong đợt này, nếu không có những “cuốn sách của Albert Camus”, nếu không có những cuộc đưa tiễn “ga Lyon đèn vàng”, nếu không có dòng Seine lặng lờ trôi dưới chân cầu Mirabeau của chàng thi sĩ Apollinaire... Và nếu không có những cuộc hẹn hò, la cà ở những quán cà-phê với bạn bè thân  thích... Thì Paris cũng chẳng có “một chút gì để nhớ để thương”! Và  Paris đối với Nguyễn Hữu Hồng Minh chỉ là tên của một thành phố như “những thành phố anh đã đi qua”...

Như Oscar Wilde đã từng nói: “Người ta tưởng đã luyến thương những nơi chốn, nhưng [thật ra thì] người ta chỉ luyến tiếc một thời”(1). Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Chẳng một ai có thể trở thành tiên tri ngay trên quê hương mình” (2). Nhưng trong trường hợp này - đêm diễn “Chiều rỗng hồn em - Những tình khúc Nguyễn Hữu Hồng Minh” tại hội quán Cội Nguồn - Đà Nẵng thật chẳng đúng chút nào.

Mười sáu ca khúc được các ca sĩ Sài Gòn - Đà Nẵng là Lan Thảo, Phương Trang, Thành Đạt, Linh Phương, Trà My, Ngọc Nga, An Nhiên, Hoàng Dũng, Quỳnh Như, Minh Thắm, Jenny Trinh... hát lên như Kỷ niệm xanh, Còn lại tình yêu, Bi vọng ca, Chờ mùa đã mất, Tango đêm, Sài Gòn như anh yêu em, Chiều rỗng hồn em, Nhục thân, Năm tháng cuộc đời vẫn như xưa, Hà Nội giọt đêm tan chảy, Trăng hoang sơ, Xin một lần chạm sóng, Sài Gòn Paris mưa đến ngàn sau, Đà Nẵng tình ngưng giữa thời gian... và với những tràng pháo tay như những như tiếng bắp nổ của mẹ rang ngày nào, ai dám bảo “bụt chùa nhà không thiêng”?

Nguyễn Hữu Hồng Minh - người con của Đà Nẵng, đã trở về với những bài ca êm ả, dìu dặt, dịu dàng. Tôi vẫn mong có một ngày nào đó được nghe lại những ca khúc ân tình kia được đẩy đưa bằng âm thanh của một chiếc tây ban cầm độc nhất không cần đến ổ cắm điện. 

Nhạc sĩ, Guitarist Cao Minh Đức, chỉ đạo nghệ thuật chương trình “Chiều rỗng hồn em”:

Cảm nhận của tôi về các ca khúc của anh Minh là giai điệu đẹp, ca từ rất hay. Đặc biệt rất cảm xúc nên rất dễ đi vào lòng người nghe. Chính vì vậy, việc hòa âm phối khí cho những ca khúc Nguyễn Hữu Hồng Minh tương tác rất hiệu ứng với tôi. Bởi chính nó đã logic từ xúc cảm đến nhạc cảm. Cộng hưởng các yếu tố trên, giúp cho tôi dễ dàng hơn trong việc tìm các chất liệu hòa thanh hay viết hòa âm, phối khí. Nói chung làm sao thật sang trọng, nền nã. Đơn giản mà thật hiệu quả...

PHAN TAM KHÊ


(1) On se croit nostalgique d’un lieu, on ne l’est que d’une époque.

(2) Nul n’est prophete en son pays.

;
.
.
.
.
.