.

Kiếm tiền từ đá "phủi"

.

Bóng đá “phủi” là cách gọi lóng của bóng đá phong trào, với sự tham gia của nhiều thành phần, lứa tuổi đam mê bóng đá.  Với sinh viên (SV), bóng đá phủi ngoài nơi thể hiện đam mê, rèn luyện thân thể… còn là nơi kiếm thêm thu nhập.

Mỗi buổi chiều, các sân bóng đá mini thường là nơi gặp gỡ của những cầu thủ không chuyên. Ảnh: Q.T
Mỗi buổi chiều, các sân bóng đá mini thường là nơi gặp gỡ của những cầu thủ không chuyên. Ảnh: Q.T

Trần Phương Bá Th. (cựu sinh viên Trường ĐH Thể dục Thể thao Đà Nẵng- một người có thâm niên đá “phủi” ngay khi còn ở giảng đường), cho biết, phong trào đá “phủi” ở Đà Nẵng đang rất phát triển. SV kiếm tiền từ đá “phủi” là nhờ từ sự hỗ trợ phong trào bóng đá của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thường thuê cầu thủ (đa số là SV) về tập cùng đội bóng của công ty, trả lương hẳn hoi và kể cả tham gia các giải đấu. Đặc biệt, các SV có năng khiếu bóng đá nổi trội thì rất “đắt sô”.

Long V. (SV năm 3 Trường ĐH Thể dục Thể thao) rất mê bóng đá “phủi” nên thành lập đội bóng SV và đi đá khắp nơi. Cơ hội đến với V. khi một lần, đang chơi bóng thì một “ông bầu” đến xin số điện thoại và liên hệ mời vào đội bóng của công ty. Hiện tại, V. là thành viên “nòng cốt” của đội bóng này. Trung bình mỗi tháng đá từ 10-15 trận. Có sân chơi cọ xát thường xuyên, V. hiện là cầu thủ “phủi” có tiếng, được nhiều doanh nghiệp để ý.

Theo như nhiều bạn SV, việc tham gia vào đội bóng của các doanh nghiệp đem lại rất nhiều lợi ích. Bởi thông thường, nếu muốn đến sân bóng, họ phải sắm sửa quần áo, giày dép, bỏ tiền thuê sân. Giờ đây, tất cả các khoản đó đã được doanh nghiệp lo. Việc của các SV là đá hết mình. Sau mỗi trận đấu, trung bình, các cầu thủ được “trả lương” từ 200.000-300.000 đồng. Tùy thuộc vào giải đấu lớn/nhỏ mức lương thưởng sẽ tăng lên. Với những ưu đãi hậu hĩnh như vậy, SV mê bóng đá không chỉ được thỏa mãn niềm đam mê mà còn kiếm thêm thu nhập trang trải chuyện học hành.

Nguyễn Th., SV Trường Cao đẳng Công nghệ (ĐH Đà Nẵng), cho biết: “Khi tham gia đá “phủi” cho doanh nghiệp, ngoài quần áo, giày, em được hỗ trợ tiền xăng xe đi lại. Số tiền ấy cũng chỉ giúp cho em một phần thôi. Em đá bóng là để thỏa mãn đam mê, rèn luyện sức khỏe, để giải trí và giao lưu học hỏi thêm kinh nghiệm đá bóng. Quan trọng nhất là khi tham gia tập luyện và thi đấu, em có thêm nhiều mối quan hệ xã hội, thuận lợi cho công việc sau này”.

Những năm trở lại đây, với việc sân cỏ nhân tạo ra đời hàng loạt đã tạo điều kiện không nhỏ cho các bạn trẻ đến với bóng đá nhiều hơn. Hiện nay trên địa bàn thành phố có rất nhiều sân bóng đá mini cỏ nhân tạo. Điển hình là Làng thể thao Tuyên Sơn với hệ thống 12 sân bóng đá hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra rải rác trên các tuyến đường như Trưng Nữ Vương, Tiểu La, Lê Đình Lý, Phạm Hồng Thái, Phạm Như Xương, Ngô Quyền… đều có sân bóng đá phục vụ người dân – nhất là giới trẻ, rèn luyện môn thể thao này. Đây cũng chính là cơ hội để SV vừa rèn luyện sức khỏe, vừa kiếm thêm tiền.

Theo khảo sát mới nhất của Tuyên Sơn Sport thì có khoảng trên 80% các bạn trẻ ở thành phố Đà Nẵng từng một lần chơi bóng đá trên sân cỏ nhân tạo và 50% trong số đó thường xuyên đến sân. Con số trên – cùng với việc nở rộ sân bóng đá mini, cho thấy bóng đá ngày càng lôi cuốn giới trẻ.

HẢI ÂU

;
.
.
.
.
.