.

Đi tìm cảm hứng

.

Thay vì 11 cầu thủ ra sân nên giảm xuống còn 10 người cho mỗi đội và nên mở rộng mặt sân để tạo thêm không gian cho cầu thủ thi thố kỹ thuật là hai đề xuất của cựu tuyển thủ Cộng hòa Ireland Tony Cascarino trong bài bình luận mới đây xuất hiện sau vòng chung kết Euro 2016. Lý lẽ được tác giả đưa ra là bóng đá ngày càng vắng bóng cái đẹp, chất hào hoa ngày càng cạn kiệt mà minh họa mới nhất cho tình trạng này là những gì diễn ra ở ngày hội bóng đá châu Âu vừa kết thúc trên đất Pháp.

 Từ cảnh hiếm hoi bàn thắng ở kỳ Euro này, nên mở rộng mặt sân để tạo thêm không gian cho cầu thủ thi thố kỹ thuật là đề xuất của cựu tuyển thủ Cộng hòa Ireland Tony Cascarino trong bài bình luận mới đây sau vòng chung kết Euro 2016. (Ảnh: thethaovanhoa.vn)
Từ cảnh hiếm hoi bàn thắng ở kỳ Euro này, nên mở rộng mặt sân để tạo thêm không gian cho cầu thủ thi thố kỹ thuật là đề xuất của cựu tuyển thủ Cộng hòa Ireland Tony Cascarino trong bài bình luận mới đây sau vòng chung kết Euro 2016. (Ảnh: thethaovanhoa.vn)

Cựu danh thủ từng thi đấu lẫy lừng ở Giải ngoại hạng Anh dẫn cảnh hiếm hoi bàn thắng ở kỳ Euro này (chỉ bình quân 2,2 bàn/trận, thấp nhất trong vòng 20 năm qua) để chỉ ra thực trạng kém hấp dẫn ở các cuộc tranh tài. Theo ông, lượng bàn thắng thấp và hiếm có các pha ghi bàn ngoạn mục bắt nguồn từ lối chơi thực dụng của nhiều đội bóng, khiến có quá ít không gian, thời gian để cầu thủ phô diễn tài nghệ. Trong trận chung kết giữa Pháp và Bồ Đào Nha, ngoài các pha dắt bóng một mình băng lên của Sissico (nhưng tuyển thủ Pháp lại dứt điểm thiếu chính xác) thì hầu như không có tình huống nào đậm chất mỹ thuật.

Thiếu vắng cái đẹp thì còn gì là hứng thú sân cỏ! Cây bút Cascarino vì thế nghĩ đến điều bức thiết phải tạo đất diễn cho cái đẹp bằng việc tăng diện tích mặt sân hoặc giảm lượng cầu thủ trên sân.

Đây chưa hẳn là một đề xuất nghiêm túc mà chỉ là cách mỉa mai chê trách của Cascarino về xu hướng thực dụng của sân cỏ ngày nay. Còn nhớ lâu rồi một quan chức của FIFA từng đề nghị mở rộng khung thành để các trận đấu có thêm nhiều bàn thắng nhưng lời hô hào này chẳng được chấp thuận, lại còn bị xem là thiếu nghiêm túc. Dù thế nào thì các ý kiến này cũng thể hiện một thực tế không vui: bóng đá ngày càng vắng cảm hứng.

Trong một tác phẩm truyền thông và tự sự vừa công bố, danh thủ Thụy Điển Ibrahimovic quả quyết rằng chơi bóng thì phải thấy hứng thú, có hứng thú thì cầu thủ mới có thể cống hiến cho người xem các pha bóng xuất thần, các bàn thắng ngoạn mục. Chính vì vậy mà mỗi lần ra sân anh luôn tìm cảm hứng bằng các pha tranh chấp không khoan nhượng, các đường đi bóng đột phá dũng mãnh để tìm đến các bàn thắng làm vui lòng người xem.

Khi không tạo được hoặc tìm thấy niềm hứng khởi này, các trận đấu của Ibrahimovic thường mờ nhạt, vô hồn. Cầu thủ vừa chuyển đến Manchester United hy vọng sẽ tìm được nhiều cảm hứng ở mùa bóng mới tại nước Anh bên đồng đội mới Rooney, người cũng vừa tuyên bố rằng sự xuất hiện của Mourinho trên băng ghế huấn luyện chắc chắn sẽ mang lại cho mình nhiều… cảm hứng!

Nhưng cảm hứng đâu chỉ đến bằng cái đẹp! Đôi khi nó còn xuất hiện từ một biến cố trái ngang mà phản ứng tích cực của các cầu thủ Bồ Đào Nha sau lúc đồng đội Ronaldo rời sân vì chấn thương là một ví dụ điển hình. Chính vì vắng bóng trụ cột của thế công, mất đi niềm hy vọng lớn nhất của cả đội hình  mà những Pepe, Quaresma, Nani tự thấy mình phải thi đấu gấp hai lần công sức và khát vọng. Thứ cảm hứng lạ thường ấy, thú vị thay, đã giúp họ tìm đến chiến thắng cuối cùng.

Có nhiều cách nhận diện cảm hứng tranh tài nhưng dù thế nào thì cũng đừng quên một điều then chốt: khán giả tìm đến sân cỏ để tìm niềm vui chứng kiến cái đẹp và vì cái đẹp.

ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.