.

Chuyện người yêu đi tìm liệt sĩ

.

Không ai nghĩ rằng người đàn bà lẻ bóng, có quán nước nơi đầu ngõ ấy lại có một mối tình sâu sắc thủy chung đến hơn 50 năm. Cũng không ai ngờ rằng, khi gần chạm tuổi 70, bà vẫn lặn lội đi tìm hài cốt người yêu của mình hy sinh ở Quảng Nam.

Bà Mai Thị Mão (thứ 2 từ phải qua) đang tìm danh sách liệt sĩ Trung đoàn 31 cùng hội người cao tuổi tổ dân phố. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Bà Mai Thị Mão (thứ 2 từ phải qua) đang tìm danh sách liệt sĩ Trung đoàn 31 cùng hội người cao tuổi tổ dân phố. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Tiến Đãi ở số 59 Phạm Quang Ảnh, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà vừa có chuyến quy tập liệt sĩ thật cảm động ở Quế Lộc (Nông Sơn, Quảng Nam). Nhờ sự giúp đỡ của ông, chúng tôi đã tìm được nhân vật chính của câu chuyện người yêu đi tìm liệt sĩ.

Bà Mai Thị Mão ở số 379 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội vẫn còn giữ giọng nói rất trẻ khi đã ở tuổi 70. Bà và Mai Huy Hoàn (liệt sĩ, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 31, Quân khu 5) đã có một mối tình học trò hồn nhiên nhưng không kém phần lãng mạn ở xã Vũ Hội, Vũ Thư, Thái Bình.

Chân dung liệt sĩ Mai Huy Hoàn
Chân dung liệt sĩ Mai Huy Hoàn

Bà gần như không quên một chi tiết nào của cuộc tình kỳ lạ ở đất lúa Thái Bình: “Nhà tôi và anh ấy chỉ cách nhau hơn 500 m. Hoàn sinh năm 1946, lớn hơn tôi một tuổi. Cả hai chơi với nhau bao trò nghịch ngợm từ vỡ lòng đến khi vào lớp 8. Anh ấy đẹp trai, cao ráo, trắng trẻo, còn tôi thì thấp nhỏ, không biết vì sao mình được yêu. Ngày đó, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy vẫn còn là tập tục ở làng quê nghèo. Cha anh ấy có ý dạm hỏi tôi lúc này mới học lớp 7/10 cho người anh trai của Hoàn đang đi bộ đội. Hoàn ngồi học bài nghe được, liền nói: “Tìm người khác đi. Cái Mão con yêu rồi”. Từ ngày ấy, cứ như sợ mất tôi, anh chàng tấn công quyết liệt dù bề ngoài vẫn xưng hô “mày tao”. Viết thư bỏ gốc tre đầu làng bảo tôi ra lấy, rồi hẹn hò đi nói chuyện riêng. Tôi xấu hổ không chịu, đi đâu cũng kéo cô bạn gái theo cùng. Anh chàng thấy ghét cô bạn này quá, bèn bắt sâu róm bỏ vào áo cô ấy, làm ngứa sưng mấy ngày không thể đi chơi được…”.

Một năm sau thì gia đình đi dạm hỏi. Đang học lớp 8 mà đã như gái có chồng, thầy bạn trêu cười, bà xấu hổ phải bỏ học. Cuối năm 1963, lúc này mới 17 tuổi, Mai Huy Hoàn đã xung phong đi bộ đội vào miền Nam chiến đấu và động viên bà đi học trở lại. Một năm huấn luyện ở Hà Nội là một năm ông gửi thư dồn dập, người đưa thư phải kêu lên: “Không ai viết nhiều như anh chàng này”. Những lá thư của ông chữ rất đẹp và thấm đẫm nhớ thương, còn bà vì ngượng nghịu vẫn viết nhát gừng, đến mức ông phải nài nỉ: “Em viết cho thật tình cảm để anh còn khoe với đồng đội chứ!”. Sau này hàng chục lá thư của ông khi ở miền Bắc cùng vài lá thư trong Nam gửi ra, bà vẫn giữ nguyên vẹn. Lần về quê trước chuyến đi B, ông muốn bà tổ chức đám cưới, nhưng bà không chịu vì đang đi học và hẹn: “Chừng nào miền Nam giải phóng em sẽ cưới”. Không lay chuyển được, ông Hoàn lên lại đơn vị, bỏ luôn cả đợt nghỉ phép.

Vào chiến trường với lá thư cuối cùng năm 1966 thì bà Mão không còn nhận tin tức ông nữa. Năm 1971, gia đình nhận giấy báo tử ghi ông Hoàn hy sinh ở mặt trận phía Nam. Nỗi ân hận sao không đám cưới để người yêu được làm chồng và biết đâu sẽ có một đứa con cứ ám ảnh bà không dứt. Có những khi gia đình thúc ép, bà quyết định xây dựng cuộc sống mới với người đã theo đuổi mình, nhưng đêm đến những giấc mơ về người yêu năm nào cứ hiện ra buồn bã làm bà thổn thức khôn nguôi. Bà bỏ ý định kết hôn và nuôi một đứa cháu làm con cho đến nay.

Năm 2004, về hưu khi đang làm ở Công ty xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, bà mới có điều kiện đi tìm hài cốt chồng chưa cưới của mình. Nhớ lá thư cuối ông viết từ Quảng Nam, bà băng bộ vào tìm nhưng không biết bắt đầu từ đâu.

Để đưa được hài cốt liệt sĩ Mai Huy Hoàn về quê, bà đã có đến 5 chuyến đi. Bà viết thư cho chương trình “Ký ức đồng đội” vẫn không tìm ra manh mối. Mãi đến năm 2014, có người đến quán uống nước, nghe câu chuyện, bèn nhờ con rể đang công tác ở Quân khu 5 hỏi giúp. Khi tìm được nơi hy sinh của liệt sĩ Mai Huy Hoàn, bà mừng quýnh, báo cho gia đình chồng chưa cưới của mình và cùng với người em trai của liệt sĩ vào Quảng Nam.

Ông Lại Văn Nhiên, một CCB ở huyện Nông Sơn khi biết người hy sinh ở Trung đoàn 31 đã bảo bà gặp ông Nguyễn Tiến Đãi,  Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn. Chính ông Đãi đã mất nhiều công sức hỏi thăm qua đồng đội và liên lạc được với ông Quyết ở Hải Dương, người từng chôn cất ông Hoàn năm xưa để nhờ giúp đỡ. Ông Quyết nhận điện, tức tốc vào Quảng Nam.

Qua lời kể của ông Quyết, trận đánh ác liệt của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 31, Sư đoàn 2 năm nào lại hiện lên làm ai nấy vô cùng xúc động. Bị đạn pháo địch làm bay mất một chân, nhưng Mai Huy Hoàn vẫn chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hy sinh anh dũng. Đơn vị đã chôn cất liệt sĩ cùng nhiều đồng chí nữa ở ven đồi thôn Lộc Tây 2, xã Quế Lộc. Địa hình đã thay đổi, nhưng bằng trí nhớ của mình, ông Quyết đã chỉ đúng ngôi mộ của liệt sĩ Hoàn. Thân thể bị phân hủy chỉ còn là vạt đất nâu sẫm in hình hài, nhưng may mắn là chiếc thắt lưng có tên liệt sĩ vẫn y nguyên là vật chứng quan trọng. Ngày
18-7-2015, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nông Sơn làm lễ bàn giao hài cốt cho gia đình.

Ông Đãi mua sẵn 3 vé xe giường nằm cho bà Mão và người em trai của liệt sĩ Mai Huy Hoàn để trở về quê hương. Hài cốt  nằm gọn trong ba lô ôm trong tay bà Mão. Bên cạnh là chiếc giường nằm bỏ trống!
 Bà Mão gạt dòng nước mắt: “Chúng tôi muốn anh ấy cùng trở về nhà như một người lính. May là hành trình đi một mạch không gặp trở ngại gì. Ngày đón và an táng anh ấy tại xã Vũ Hội rất trang trọng, có rất nhiều bạn bè từ hồi lớp 8. Các anh ở tỉnh Thái Bình nói rằng, tôi là trường hợp thứ hai người yêu đi tìm liệt sĩ và tìm thành công. Nhưng ai ở hoàn cảnh của tôi thì đều vậy thôi. Tất cả là do chiến tranh mà”. Khi an táng liệt sĩ Mai Huy Hoàn, những lá thư thấm đẫm tình yêu và nỗi nhớ của hai người đã được bà Mão quyết định chôn cùng.

CCB Nguyễn Tiến Đãi, người tâm huyết với hàng chục chuyến đi tìm đồng đội, nói rằng, chính tình yêu của bà Mão đã làm cho các CCB thêm quyết tâm tìm cho bằng được liệt sĩ. Đoàn đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn của xã Quế Lộc và cơ quan quân sự huyện Nông Sơn, Quảng Nam. Ông nói: “Còn gì vui hơn khi đồng đội chúng tôi sau 50 năm đã được về với quê hương, với người yêu của anh ấy!”.

Lữ khách qua đèo

Sủng Nếp, Khe Môn mắt ướt buồn
Nỗng Bòng, Đá Trắng lệ sầu tuôn
Hòn Xôi, Gò Nỗng  mây giăng trắng
Lữ khách lưng đèo cương ngựa buông

Viễn xứ hồn ai vương vất gió
Trăng khuya nghiêng bóng ngóng
qua truông
Vãn kiếp người đi không hẹn gặp
Sầu rơi vai áo buổi hoàng hôn

Trần Sỹ Kỳ


Sủng Nếp, Khe Môn, Nỗng Bòng, Đá Trắng, Hòn Xôi, Gò Nỗng  là những địa danh thuộc huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, trong chiến tranh bộ đội ta hy sinh rất nhiều.

HỒNG VÂN

;
.
.
.
.
.