.

"Anh hùng thảo dã" Trùm Thuyết

.

Trùm Thuyết là tên thân mật dân làng gọi Trần Thuyết. Ông tên thật là Trần Văn Vinh, sinh năm Đinh Tỵ (1857) trong một gia đình nghèo gần mỏ vàng Bồng Miêu, thuộc làng Phước Lợi, phủ Tam Kỳ (nay là xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). Lúc bấy giờ, bà con thường gọi ông là Mục Thuyết bởi ông là một hào mục (người tai mắt và có thế lực trong làng), hoặc Trùm Thuyết bởi ông từng làm trùm làng.

Mộ Trần Thuyết (ảnh trái) và bia ghi tóm tắt hành trạng của ông. Ảnh: N.T
Mộ Trần Thuyết (ảnh trái) và bia ghi tóm tắt hành trạng của ông. Ảnh: N.T

Năm 1885 - 1886, ông tham gia Nghĩa hội Quảng Nam chống Pháp do chí sĩ Trần Văn Dư lãnh đạo. Từ sau khi Trần Văn Dư bị quyền Tuần phủ sứ Quảng Nam Châu Đình Kế mượn tay Pháp để hãm hại tại thành La Qua vào ngày 13 tháng 12 năm 1885 thì Trần Thuyết cùng với anh ruột là Trần Hành hưởng ứng phong trào Cần Vương dưới ngọn cờ lãnh đạo của Nguyễn Duy Hiệu.

Về sau, phong trào Cần Vương tại Quảng Nam thất thủ, ông về lại quê nhà Phước Lợi. Tại đây, năm 1904, ông tham gia phong trào Duy Tân, mộ phu khai phá đồi Thày Lay, lập đồn điền trồng quế và chè. Ông xuất tiền xây dựng chợ Cây Cốc cho dân làng buôn bán, tham gia sáng lập thi xã phủ Tam Kỳ, quyên tiền ủng hộ phong trào Đông Du cho học sinh du học tại Nhật Bản.

Năm 1908, thực dân Pháp thi hành chính sách khai thác thuộc địa quá hà khắc, sưu cao thuế nặng khiến nhân dân bị áp bức. Tháng 3 năm 1908, phong trào kháng thuế ở Quảng Nam chống lại Pháp, hay còn gọi là “Trung Kỳ dân biến”, nổ ra ở thôn Phiếm Ái huyện Đại Lộc và lan rộng ra toàn tỉnh.

Ở Tam Kỳ, khi phong trào đấu tranh chống áp bức và chống sưu cao thuế nặng lên đến đỉnh điểm và được nhân dân nhiệt tình tham gia, ngày 30-3-1908 (có tài liệu ghi là ngày 5 tháng 4 năm 1908) Trần Thuyết đứng ra hô hào, tập hợp hơn 3.000 người từ khắp nơi trong phủ và dẫn đầu đoàn biểu tình tiến về bao vây phủ đường Tam Kỳ (nay là trụ sở UBND phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ). Đoàn biểu tình đòi Tri phủ Tam Kỳ là Từ Thiệp trao tên Đề đốc Trần Tuệ cho nhân dân hỏi tội. Lúc này, Trần Tuệ đang ở trong phủ nhưng Từ Thiệp nói dối là không có.

Trần Tuệ là viên võ quan, được Nam triều phong làm đề đốc, lúc bấy giờ người dân gọi là Đề Tuệ, y cùng với viên quan Đại lý người Pháp cai trị Tam Kỳ. Dưới mắt người dân, Đề Tuệ là một tên tàn ác, những người theo phong trào cắt tóc ngắn, học chữ quốc ngữ, mặc áo sơ-mi theo phong cách của cụ Phan Châu Trinh đều bị y bắt bớ, đánh đập.

Dưới sự lãnh đạo của Trần Thuyết, đám đông biểu tình bao vây phủ đường Tam Kỳ suốt ngày và đêm hôm đó, quyết đòi Đề Tuệ cho bằng được.

Tri phủ Tam Kỳ thấy tình thế như vậy bèn cầu cứu đồn Đại lý Tam Kỳ. Tên Đại lý Pháp, đồn trưởng đồn khố xanh Tam Kỳ, sáng hôm sau đi trên một chiếc xe kéo và kéo theo một chiếc xe khác đến phủ đường Tam Kỳ để tìm cách giải nguy cho Đề Tuệ. Khi đoàn người biểu tình hô vang khẩu hiệu “Dân ta xin quan Đại lý giao đề đốc để ăn gan”… thì tên Đề Tuệ kinh hồn bạt vía, y sợ đến hộc máu và chết trên đường về đồn.

Cuộc biểu tình bao vây phủ đường Tam Kỳ sau đó bị bọn lính khố xanh đàn áp bằng roi vọt và súng đạn, làm nhiều người chết và bị thương. Nhiều người lãnh đạo và tích cực tham gia cuộc biểu tình đã bị quan lại địa phương và Đại lý Pháp phủ Tam Kỳ truy bắt, trong đó có Trần Thuyết. Ông bị xử chém đầu tại đầu cầu Tam Kỳ vào ngày 16-4-1908.

Trong bản luận tội Trần Thuyết được viết bằng Hán văn, được Tổng đốc Hồ Đắc Trung và Công sứ Charles duyệt y có câu:  “Thanh thanh thực đề đốc can nhất hô nhi thất tổng chi dân giai ứng” (Hô to một tiếng muốn ăn gan đề đốc mà dân cả bảy tổng đều hưởng ứng theo).

Hình phạt dành cho Trần Thuyết, theo Điều 223 Hoàng Việt luật lệ (còn gọi là Bộ luật Gia Long, bộ luật chính thức của Việt Nam thời đầu nhà Nguyễn, được vua Gia Long cho ban hành năm 1815), là trảm thủ (chém đầu). Sau khi thi hành án tử, thực dân Pháp mang đầu của ông đi đâu không rõ.

Nhân dân Tam Kỳ hết sức thương tiếc trước cái chết bi tráng của Trần Thuyết, họ gọi ông là “người anh hùng thảo dã”. Thi hài không đầu của ông được nhân dân đem về chôn cất ở một nơi gần nơi xử chém. Mãi đến năm 2007, thi thể không đầu của ông mới được một nhóm công nhân tình cờ phát hiện khi thi công trồng trụ điện để đưa điện lưới quốc gia chiếu sáng cho tuyến đường mới Nam Quảng Nam.

Ngôi mộ của “người anh hùng thảo dã” xứ Quảng hiện nằm trên địa bàn phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ, được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng và cấp bằng di tích Văn hóa - Lịch sử cấp tỉnh vào ngày 15-2-2005.

NGUYỄN TRẦN

;
.
.
.
.
.