.

Tiếng xóc miểng chai ở dinh Cô hồn

.

Làng nào của xứ Quảng Nam - Đà Nẵng cũng có miếu Âm linh, nhưng ở làng Nam Ô (nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) nhân dân lại gọi miếu ấy là dinh Cô hồn. Dinh tọa lạc sát bãi Làng, mặt hướng ra biển nhìn về núi Sơn Trà, trước hiên tạc 4 chữ Hán “Sơn Trà tác án”.

Dinh Cô hồn làng Nam Ô.
Dinh Cô hồn làng Nam Ô.

Theo các bô lão trong làng thì dinh Cô hồn trước kia chỉ là một am thờ nhỏ có kích cỡ chừng 2,5 x 2,5m, tường hậu có 4 chữ Hán đại tự “Sa trường điếu cổ”, hiện nay vẫn còn, lập nên để tưởng niệm các chiến sĩ trận vong trên đất đồn Hóa Ổ xưa trong trận “ngự địch phòng biên” chống Liên quân Pháp - Y-pha-nho các năm Mậu Ngọ, Kỷ Mùi (1858 - 1859).

Đến năm Thành Thái thứ nhất (1889), dân làng mới tôn tạo, có thêm mái che để hình thành một dinh thờ có đầy đủ hậu tẩm, chính đường, tiền đường, có các bàn thờ ở ba gian và hậu tẩm, có các câu đối ca ngợi công trạng và đức hy sinh tráng liệt của tiền nhân. Dinh Cô hồn đã được trùng tu 3 lần vào các năm 1889, 1958, 1997, mở rộng phối thờ cả chư âm hồn chiến sĩ trận vong cùng các cô hồn thủy ách thiên tai phiêu phưởng ở biển khơi và các âm linh xiêu mồ lạc nấm của các chư phái tộc trong làng. Tộc họ nào lại không có người mang nghiệp ấy nên ngày tế cổ truyền vào Rằm tháng Giêng (nguyên tiêu) hằng năm vẫn được cả làng duy trì nghiêm cẩn.

Khi hỏi về kiến trúc có mái che, các cụ trả lời nhẹ bỡn: “Là cô hồn thì phải phiêu phưởng ngoài đồng không mông quạnh, nhưng che rứa là để khi gặp trời “mộ vũ hàn phong” (mưa chiều gió lạnh) các “ngài” có nơi nương tựa kẻo… tội!”.

Tuy nhẹ bỡn mà thấm đẫm tinh thần nhân văn, nhân đạo làm sao!

Lòng tin của dân làng đã thể hiện qua việc giữ gìn nơi thờ tự này luôn khang trang quang mỹ. Gần đây có người khách phương xa, sau khi lời cầu nguyện được chứng nghiệm đã hiến cúng một cặp hổ khá lớn được tạc bằng cẩm thạch màu hồng, đặt chầu trước dinh, càng toát lên vẻ uy nghiêm, tăng thêm nét linh thiêng vốn có của nơi thờ phụng này, mà theo các cụ là nơi linh hiển có chức năng siêu nhiên, vừa bảo vệ vừa đe dọa. Bảo vệ người có tâm thành sống tốt, đe dọa những kẻ làm điều quấy ác trái đạo nhân sinh.

Có những chuyện trong quá khứ còn ghi đậm trong ký ức của người già nơi đây, nói về sự bảo vệ và đe dọa ấy.

Thời trước, sống trong xã hội lạc hậu, kiến thức y học hạn chế, khoa học chưa phát triển, ngư dân hành nghề trên biển tiềm ẩn biết bao rủi ro tai ách chực chờ, con người bất lực đành phải tin vào thần linh, khẩn cầu với “cô bác”, kêu oan với cô hồn. Dinh Cô hồn này là chỗ dựa của những con người bất lực ấy. Chuyện “ứng đồng” cho thuốc, sửa “nghề” (làm cho người đi biển bình an, bội thu mùa vụ) từng tồn tại ở dinh này hàng thập niên của thế kỷ XX. Mà cũng lạ, đã chữa lành không ít những bệnh nhân chỉ bằng cỏ cây đồng nội từ “toa thuốc” của thần linh đã phán qua “xác đồng”; đã chuyển đổi từ rủi ro sang may mắn cho những ghe nghề đánh bắt cá ở biển khơi bằng màu đỏ của chu sa, thần sa được vẽ nguệch ngoạc trên giấy bạc trong đó gói một nắm gạo muối trao cho tín chủ. Chỉ thế thôi mà đã tạo niềm vui cho tín chủ khi liền sau đó là một mẻ lưới bội thu phấn chấn.

Khi có niềm tin tâm thành mãnh liệt thì con người có thể mau qua bệnh ngặt, vượt được rủi ro tai ách chăng?...

Có một hình thức kêu oan rất lạ trước sân dinh Cô hồn. Những ai bị oan khuất, bị mất tiền của thường đến sân dinh bưng cái rổ đựng các loại miểng chai, miểng sành và liên hồi xóc tới xóc lui, cầu mong các âm hồn, “cô bác” phù hộ cho mình được tẩy oan, được tìm lại tiền của bị mất. Âm thanh khó chịu kia vang vọng khắp làng, người thẳng ngay thì không sao, nhưng những kẻ gian tham, những phường trộm cắp thì nghe như xóc vào tim, nhói vào óc. Những kẻ tâm địa xấu xa này sợ “cô bác” bắt tội, trước sau gì cũng phải hồi tâm mà trả lại sự công bằng cho người bị oan khuất, trả lại tiền của cho người bị mất (!).
Có một chuyện nghe khá là bi kịch. Trong làng có một lão nhà giàu bị mất trộm, thấy một anh ngư dân nghèo lúc đó bị bệnh không đi biển nên nghi anh này là thủ phạm. Dựa vào thế lực đồng tiền, lão nhà giàu nhờ quan đưa lính đến bắt giam, tra tấn anh ngư dân tội nghiệp này. Đang mang bệnh lại bị tra tấn dã man nên sức khỏe anh ta ngày một xấu đi, quan bèn thả cho về, mấy ngày sau thì chết.

Sau khi an táng chồng, người vợ biết chồng mình bị oan, bèn đến kêu oan trước sân dinh Cô hồn. Trong tâm trạng oan khuất bi thương, tiếng xóc miểng chai hòa với lời kêu khóc thảm thiết kéo dài đến mấy tuần tang, nhiều lúc người vợ tội nghiệp phải gục xuống vì kiệt sức. Dân làng thương tình lựa lời khuyên giải, chị vợ mới thôi kêu oan, về lo làm lụng nuôi con dù tâm trạng còn rất nặng nề.

Không biết lời kêu gào bi thương kia có thấu tới thần linh không, chỉ biết sau đó lão nhà giàu kia gia sản lần lượt tiêu vong, nhà cửa bị hỏa hoạn, cha con mắc vòng lao lý. Vì chạy chọt gỡ tội, của cải trong nhà cũng lần lượt “đội nón” vào nhà các quan quyền…

Ngày nay, các hình thức ứng đồng chữa bệnh, ban lộc sửa “nghề”, xóc miểng chai cầu cứu thần linh ấy đã không còn. Nhưng niềm tin của dân làng với dinh Cô hồn thì vẫn chưa phai nhạt, nơi này lúc nào cũng nghi ngút khói hương trước bức hoành phi “Anh linh tứ quý” trong chính điện. Người ta cầu nguyện cho gia đình bình an, cho nghề nghiệp may mắn. Kể cũng hay! Lòng tin tuy mơ hồ nhưng cứu cánh là hướng thiện, khi con người còn quá nhỏ nhoi, yếu đuối trước những bất trắc giữa lênh đênh biển cả...

ĐẶNG DŨNG

;
.
.
.
.
.