.

Tác hại khôn lường của côn trùng xâm lấn

.

Những loại côn trùng và nấm xâm lấn (di chuyển từ nước này sang nước khác) có thể làm thiệt hại hàng tỷ USD cho nền nông nghiệp toàn cầu.

Ruồi trắng lá bạc là một trong ba loại côn trùng xâm lấn nguy hiểm nhất.
Ruồi trắng lá bạc là một trong ba loại côn trùng xâm lấn nguy hiểm nhất.

“Những loại côn trùng xâm lấn và dịch bệnh là mối đe dọa lớn nhất cho nông nghiệp, hệ sinh thái tự nhiên và xã hội nói chung”, Giáo sư Matthew Thomas cho biết trong ngày công bố kết quả nghiên cứu tại Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ vừa qua. Giáo sư Thomas cùng với các cộng sự đã phân tích tác hại của 1.297 loại côn trùng và nấm xâm lấn ở 124 nước. Nhóm nhà khoa học này cũng đã đánh dấu các loại côn trùng và các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề nhất dựa vào đối tác làm ăn và số lượng loài côn trùng xâm lấn xuất hiện.

Những loài như ruồi trắng lá bạc, bướm gypsy châu Á và bọ cánh cứng Khapra được xếp loại là những côn trùng xâm lấn đe dọa lớn nhất tới nền nông nghiệp và lâm nghiệp toàn thế giới. Nó tác động tới cả an ninh lương thực. 4 nước: Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil là những nước sản xuất nông nghiệp lớn nhất nên chịu tác động cao nhất. “Trung Quốc và Mỹ xếp ở vị trí nhất nhì về nông nghiệp và có hệ thống cây trồng rất đa dạng, từ cận nhiệt đới tới ôn đới. Chính sự đa dạng đó đã hỗ trợ rất mạnh cho các loại sâu bệnh phát triển.

Trung Quốc và Mỹ có mối quan hệ giao thương nông nghiệp rất rộng với nhiều quốc gia nên đó là con đường để côn trùng xâm lấn di cư”, Giáo sư Thomas nói. Nhà khoa học Dean Paini làm cùng với Giáo sư Thomas cho rằng: “Các nước đang phát triển cũng chịu tác động rất lớn không khác gì Mỹ và Trung Quốc, nhất là các nướcMalawi, Burundi, Guinea, Mozambique và Ethiopia ở vùng hạ Sahara (châu Phi). Các nước này có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp nên mức tác động của loài côn trùng xâm lấn sẽ rất nguy hiểm.

Các nhà khoa học kết hợp một lượng lớn thông tin để đánh giá tính dễ tổn thương của một quốc gia đối với các loài xâm lấn. Các yếu tố kết hợp như sự phân bố toàn cầu của các loài xâm lấn, dữ liệu thương mại giữa các quốc gia, các loại và giá trị của cây trồng ở mỗi quốc gia, và tổng sản phẩm trong nước (GDP) của mỗi quốc gia. Các nhà khoa học tính tới khả năng thích ứng môi trường mới của các loại côn trùng xâm lấn.

Với những nước có GDP càng nhỏ thì mức độ tác động càng lớn. Giáo sư Thomas nói: “Đối phó với vấn đề này là một thách thức lớn. Chúng tôi hy vọng rằng bằng cách xác định các quốc gia và các khu vực dễ bị tổn thương nhất, nghiên cứu của chúng tôi có thể giúp các chính phủ đưa ra quyết định liên quan đến việc triển khai các nguồn lực cần thiết để bảo vệ biên giới của họ và các ngành công nghiệp nông nghiệp bằng cách hạn chế sự lây lan của các loài xâm lấn”.

ANH THƯ (Theo Phys.org, theconversation.com)

;
.
.
.
.
.