.

Con đê chắn sóng

.

Ai cũng bảo, các cụ nhà ta ngày xưa tuy ít học nhưng mà sâu sắc lắm, tuy cũng có lúc vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt” nhưng ai cũng chín bỏ làm mười, cùng nhau sống đến đầu bạc răng long, nuôi con cái nên người. Bây giờ trình độ dân trí cao hơn, văn minh hơn nhưng tỷ lệ ly hôn và bạo hành cũng dữ dội hơn. Vì sao vậy? 

Yêu thương và chia sẻ là hai yếu tố quan trọng để giữ gìn hạnh phúc gia đình.  (Ảnh minh họa của Khả Trí)
Yêu thương và chia sẻ là hai yếu tố quan trọng để giữ gìn hạnh phúc gia đình. (Ảnh minh họa của Khả Trí)

Chuyện phiếm với những người bạn cũ thế hệ 6X nhân Ngày của Cha hôm 19-6 vừa rồi bỗng dưng hướng về câu hỏi còn bỏ ngỏ đó.

Khi được hỏi yếu tố nào làm nên mật ngọt hạnh phúc của gia đình, chị Trần Thị Thanh Thảo, giảng viên môn Tiếng Nga Trường ĐH Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) tâm sự: Đó chính là sự yêu thương gắn kết hai tâm hồn. Yêu thương sẽ làm niềm vui nhân đôi và nỗi buồn thì vơi một nửa. Yêu thương không có nghĩa là chiều theo ý muốn của chồng hay con, mà yêu thương ở đây thể hiện ở sự tôn trọng tuyệt đối lẫn nhau, biết lắng nghe, biết chia sẻ, biết suy nghĩ cho người khác, biết đặt mình vào vị trí của  nhau, đặc biệt là biết tha thứ…

Gốc rễ của yêu thương chính là sự tôn trọng. Trong cuộc sống vợ chồng, việc xảy ra xung đột, mâu thuẫn, giận hờn là điều hiển nhiên nhưng nếu biết yêu thương, tôn trọng nhau thì tất cả những khúc mắc ấy cũng sẽ qua đi. Chị Thảo trải lòng: “Vợ chồng tôi đã ở bên nhau mấy chục năm rồi. Cũng biết bao lần giận nhau, khóc sưng cả mắt, rồi tủi thân, trách chồng, trách mình. Nhưng rồi mình phải học cách suy nghĩ: chồng mình cũng là người thường, anh ấy không thể hoàn hảo, không thể theo đúng khuôn mẫu mình mơ ước, anh ấy cũng có những cái riêng của mình, mình cũng phải lấy những ưu điểm của anh ấy để lấp những cái mà mình không vừa ý. Thế rồi những chạnh lòng sẽ vơi đi, sẽ cảm thấy nhẹ nhàng. Và cho đến bây giờ, nhìn lại mới thấy mình đã biết yêu thương và được yêu thương…”.

Sự yêu thương, chia sẻ đôi khi vượt ra ngoài phạm vi vợ chồng và đến với cha mẹ đôi bên. Trách nhiệm của người con, dâu, rể đối với hai bên nội ngoại cũng là yếu tố góp phần xây dựng nền tảng hạnh phúc gia đình, qua đó giáo dục con cái. Một lần về thôn Quang Châu, xã Hòa Châu thăm người quen, người viết thật sự xúc động khi chứng kiến vợ anh Trần Lùng ngồi bón những thìa cháo cho người cô chồng là bà Trần Thị Thơ đang ốm nặng. Gia đình anh chẳng khá giả gì. May ra còn có căn nhà gạch tạm gọi là kiên cố. Hai vợ chồng làm nông, nuôi 2 đứa con và người cô già không con cái. Nhìn cái cách chị xay cháo, bón từng muỗng, thay áo quần cho cô chồng mà rưng rưng muốn khóc. Chắc chắn một điều rằng, nhiều gia đình khác trong thôn có thể đầy đủ hơn về vật chất nhưng lại thèm muốn có được một hạnh phúc giản dị như thế.

Giữa thời đô thị hóa, lũy tre làng vô hình trung trở thành “con đê” giữ lại những giá trị văn hóa làng quê tốt đẹp. Ông Trần Ngôn, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, ví von rằng, ở nông thôn, có một sợi dây nối kết rất bền chặt giữa tộc họ với các gia đình. Gia tộc, dòng họ nào có nền nếp, gia phong chuẩn mực thì con cháu dòng họ đó sống đúng đạo lý làm người. Gia đình nào có vợ chồng lục đục thì cha mẹ, gia tộc phải góp ý xây dựng, thậm chí răn đe… xã Hòa Phú có 10 thôn, trong đó 7 thôn là bà con các nơi lên định cư theo chương trình kinh tế mới và 3 thôn nguyên gốc người địa phương là Hội Phước, Hòa Phước và Đông Lâm. Tộc Mạc ở Hội Phước, tộc Trần ở Hòa Phước là hai tộc họ có truyền thống gia phong, giáo dục con cháu giữ gìn đạo lý, được công nhận danh hiệu “Gia tộc văn hóa” 20 năm liền.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết, tuy việc tuyên truyền xây dựng nếp sống gia đình văn hóa được khối Mặt trận, đoàn thể thường xuyên quan tâm, chú trọng, nhưng mỗi năm vẫn còn vài ba vụ bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn xã. Các thôn Hòa Phước, Hội Phước vẫn có một vài gia đình còn lục đục, bất hòa, đôi lúc dẫn tới “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân”, nhưng không bao giờ rơi vào gia đình hai họ Mạc và Trần. Phải nói giáo dục trong dòng họ có ý nghĩa lớn lao trong việc tạo một mối dây yêu thương, chia sẻ trong từng hộ gia đình.

Quay lại chuyện phiếm với những người bạn cũ thế hệ 6X. Chị Thảo tâm sự với bạn bè nhưng có thể xem đây như một lời nhắn gửi đến các gia đình trẻ: Yêu thương và chia sẻ là 2 yếu tố quan trọng để giữ gìn hạnh phúc gia đình, giúp hai người hiểu nhau hơn, được gia đình hai bên ủng hộ, cùng chăm lo cho con cái, tạo dựng hạnh phúc. Sự sẻ chia một khi xuất phát từ trái tim yêu thương của đôi vợ chồng sẽ là con đê ngăn chặn những con sóng bạo lực từ hai phía, giúp cho lứa đôi bền chặt hơn và chất lượng cuộc sống gia đình cũng theo đó mà ngày càng tốt đẹp hơn lên.

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.