.

"Chọn cái ít tồi tệ hơn"

.

Tại một hội thảo về giáo dục diễn ra gần đây ở Hà Nội, xoay quanh câu chuyện chơi và học của trẻ em trong dịp hè, GS Hồ Ngọc Đại đã chia sẻ quan điểm: Tôi cho rằng không nên cho trẻ đi học hè, hãy để trẻ vui chơi vì với trẻ, vui chơi là hạnh phúc. Việc phụ huynh cho con đi học trước lớp 1 cũng rất tệ. Cuộc đời còn rất nhiều thứ cần học chứ không phải chỉ có những con chữ. Học trước, học thêm là điều rất không nên, nhưng không học thêm thì điểm của con thấp, trong khi phụ huynh rất quan trọng chuyện này. Giữa hai cái tồi tệ, người ta chọn cái ít tồi tệ hơn, và cho con đi học thêm…

Điều GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ cũng là chủ đề luôn gây xôn xao mỗi dịp hè về. Nhưng hết mùa hè này sang mùa hè khác, xã hội vẫn không thôi “gào” lên đòi quyền được vui chơi của trẻ, nghĩa là mùa hè vẫn còn là mùa… học của trẻ và là mùa… phụ huynh vắt óc tìm lớp cho con.

Ai cũng muốn trẻ em có một mùa hè thực sự. Đó không chỉ là mùa của vui chơi, của sự tận hưởng tự do nô đùa, mà còn trở thành miền ký ức ngọt ngào nhất theo suốt đường đời mỗi người. Chính vì vậy, hơn ai hết, những người làm cha mẹ luôn mong con mình có tuổi thơ đẹp nhất có thể. Thế nhưng, vì sao “giữa hai cái tồi tệ, người ta chọn cái ít tồi tệ hơn” mà không là: “Giữa hai cái tồi tệ, người ta không chọn cái nào cả. Họ chọn cái không tồi tệ cho con”? Có lẽ, chỉ ở trong cuộc lựa chọn này mới thực sự hiểu vì sao việc dứt những cái tồi tệ ra khỏi tuổi thơ của con lại dùng dằng đến vậy.

Câu trả lời hẳn là nằm trong câu hỏi này: Nếu không học, trẻ sẽ chơi gì trong dịp hè? Trẻ sẽ ở nhà – Đó là đáp án an toàn, đơn giản và nhanh gọn nhất. Nhưng nhà trong bối cảnh xã hội ngày nay đã khác xưa quá nhiều. Nhà bây giờ là nơi bố mẹ đi làm bên ngoài suốt ngày, con cái không biết giao ai coi ngó. Để tiện bề chăm con, không ít cha mẹ mang theo con lên cơ quan làm việc. Còn không, họ phải dựa vào ti-vi, máy tính, điện thoại thông minh “trông” hộ con lúc bận bịu. Vậy là thay vì tung tẩy thân thể, những đứa trẻ chỉ biết ngồi ì suốt mùa hè trong niềm đam mê bất tận với thế giới điện tử.

Thực ra, máy móc, thiết bị không có lỗi, lỗi là ở người lớn “đặt” toàn bộ thời gian của trẻ vào thế giới ảo đó. Nhưng không đi học, không ngồi “ngoan” trước màn hình thì trẻ sẽ làm gì? Ra bên ngoài hòa mình với thiên nhiên như thời cha mẹ chúng từng đuổi bướm, hái hoa giữa trưa hè hiu hiu gió? Là ùa cùng chúng bạn đi bắt dế, mò cua và bày những trò đuổi bắt, rồng rắn, ô ăn quan dưới bóng cây rợp mát nơi thôn, xóm yên bình? Cái thời “chơi đã đời, đói bụng tự chạy về ăn cơm” ấy giờ đây có còn là hiện thực?
Thời nay, trong 100% bậc cha mẹ có con nhỏ, hẳn có đến 99,99% người không dám thả con ra đường. Dù muốn dù không, không ai có thể phủ nhận thực tế, môi trường bên ngoài mái nhà của đứa trẻ ngày nay không còn trong trẻo và an lành như thời ông bà, cha mẹ chúng nữa. Tai nạn, bắt cóc, hãm hiếp, bạo hành... dường như bủa vây con. Có nằm mơ, người lớn cũng không đủ tự tin thả một đứa trẻ 5-7 tuổi ra đường tự chơi, tự chịu, tự về…

Để con vẫn có thể chơi trong sự an toàn tương đối, phụ huynh đổ xô đi tìm… lớp học năng khiếu cho con. Đó chẳng qua là một quá trình học tập khác “núp bóng” giải trí, nhưng phụ huynh phải tự vỗ về rằng: học vậy cũng “nhẹ” như chơi. Trong khi lắm bé chỉ ước ao một điều: Giá nhà mình nghèo hơn một chút để đỡ đi học đủ thứ!

Mong lắm trẻ được tận tưởng tuổi thơ dịu dàng, mong lắm trẻ không phải chịu áp lực quá sớm, bởi cuộc đời rồi cũng sẽ đặt những đứa trẻ ấy vào những áp lực bất tận, nhưng càng không thể lấy tuổi thơ của thế hệ trước, bối cảnh xã hội của thế hệ cũ để kỳ vọng hoặc đòi hỏi cho tuổi thơ của thế hệ này. Thay vì nghe những lời so sánh tuổi thơ của nhau, những ông bố, bà mẹ trẻ chúng tôi thực sự muốn biết: phải làm thế nào để trẻ được chơi đúng nghĩa và chơi lành mạnh.

Trẻ cần được chơi, chơi là hạnh phúc của trẻ. Vâng, điều này hoàn toàn đúng, nhưng cái đang cần được khẳng định hơn đó là chơi gì, chơi sao thì phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Mong những nhà chuyên môn, những tổ chức có trách nhiệm nhìn sát vào thực tế đang diễn ra hằng ngày với mỗi đứa trẻ, để lên tiếng nhiều hơn về khía cạnh này. Trẻ cần được chơi, cũng như phụ huynh cần được bớt đau lòng khi buộc phải “chọn cái ít tồi tệ hơn” cho đứa con của mình.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.