.

Thế giới với Hoàng Sa

.

Thế giới biết đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ rất sớm và những ký ức về Hoàng Sa của nhiều vị khách quốc tế khi đi ngang qua vùng biển Đại Việt này được thể hiện qua hàng ngàn trang sách và nhất là qua hàng trăm bản đồ do các nhà địa lý, các nhà hàng hải, các nhà bản đồ học ở phương Tây vẽ và xuất bản từ thế kỷ XVI.

Chẳng hạn như bản đồ Cabo Comorim, Japao, Moluco e Note in Atlas nằm trong bộ bản đồ thế giới do Fernão Vaz Dourado, người Bồ Đào Nha vẽ năm 1571, hoặc như bản đồ do nhà địa lý người Hà Lan là Van Langren Lan vẽ vào năm 1595, hay như bản đồ India Orientalis do Jodocus Hondius I vẽ năm 1613, và nữa và nữa - đang góp phần rất lớn vào cuộc đấu tranh ngoại giao học thuật và pháp lý khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa.

Phối cảnh một gian trưng bày tại Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: SƠN TRUNG
Phối cảnh một gian trưng bày tại Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: SƠN TRUNG

Điểm nổi bật nhất là qua các bản đồ có nguồn gốc phương Tây vừa nêu, từ lâu thế giới đã định danh vùng bờ biển đối diện ở phía tây với quần đảo Hoàng Sa (Pracel, Parcel, Paracels) là Costa de Pracel hay Coste de Paracels như một cách thừa nhận quần đảo này thuộc về lãnh thổ của vương quốc Annam/Cauchi-China/CochinChine/Cochin-China, tức là nước Đại Việt ngày xưa/nước Việt Nam ngày nay.

Trong khi đó, ai cũng biết vào cuối tháng 3 năm 2014, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bản đồ China Proper/Trung Quốc đích thực do nhà bản đồ học người Pháp Jean-Baptiste Bourguignon d’Anville vẽ và được một nhà xuất bản ở Đức xuất bản năm 1735, thể hiện rõ biên giới cực nam của Trung Quốc đích thực là đảo Hải Nam, và tất nhiên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đích thực là không hề có trong bản đồ này. Thế giới còn biết đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ đầu thập niên 50 của thế kỷ trước qua các hội nghị, các diễn đàn quốc tế quan trọng trong lịch sử.

Hội nghị San Francisco năm 1951 với sự tham gia của 51 phái đoàn các nước để thảo luận vấn đề chấm dứt chiến tranh tại châu Á-Thái Bình Dương và mở ra quan hệ với Nhật Bản thời hậu chiến. Phát biểu tại hội nghị này, Trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam, Thủ tướng Trần Văn Hữu nêu rõ: “Và cũng vì cần phải thành thật lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”, và lời xác nhận chủ quyền rõ ràng dứt khoát đó không hề gây ra một phản ứng chống đối hoặc yêu sách nào của tất cả quốc gia tham dự hội nghị.

Hội nghị Genève năm 1954 về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương với sự tham gia của 9 phái đoàn các nước. Liên quan đến phân vùng lãnh thổ trên đất liền và trên biển, Điều 4 Chương I Hiệp định Genève năm 1954 quy định: “Giới tuyến quân sự tạm thời (vĩ tuyến 17) giữa hai vùng tập kết cuối cùng được kéo dài đến mặt nước thuộc lãnh thổ ấy bởi đường thẳng góc đến đường ranh chung của lãnh hải. Tất cả các hòn đảo thuộc lãnh hải phía bắc của đường ranh giới sẽ được rút quân bởi lực lượng quân đội của Liên hiệp Pháp, còn tất cả các hòn đảo phía nam của nó sẽ được rút quân bởi Quân đội Nhân dân Việt Nam” - theo đó các đảo ở nam vĩ tuyến 17, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thuộc quyền quản lý của Chính phủ Quốc gia Việt Nam và về sau là của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa.

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á tổ chức ở Philippines hồi tháng 5 năm 2014 mới đây, trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài bên lề diễn đàn này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định một cách dõng dạc: “Chúng tôi không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi chúng tôi bị bắt buộc phải tự vệ (...). Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

Ngoài ra, nhiều vấn đề liên quan đến Hoàng Sa cũng được đề cập trong Diễn đàn Biển ASEAN lần thứ 5 và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ 3 với sự tham gia của đại diện 10 nước thành viên ASEAN và 8 nước đối tác bao gồm Mỹ, Nga, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản tổ chức vào tháng 8 năm 2014 tại Đà Nẵng.

Thế giới còn biết đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các hội thảo học thuật quốc tế chuyên đề về Biển Đông được tổ chức ở trong nước cũng như ở nước ngoài, tập trung nhất là vào thời điểm trong và sau khi Trung Quốc bất chấp đạo lý và pháp lý ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ngay trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam không chỉ để khoan thăm dò dầu khí mà còn là và chủ yếu là khoan thăm dò lòng yêu nước và sức chịu đựng của người Việt.

Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế đã 5 lần tổ chức hội thảo thường niên về Biển Đông, lần thứ tư tổ chức tại Washington D.C hồi tháng 7 năm 2014 với chủ đề Các xu hướng hiện tại ở Biển Đông và chính sách của Mỹ, quy tụ nhiều học giả hàng đầu thế giới đến từ Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam  tổ chức 7 lần hội thảo quốc tế về Biển Đông, lần thứ sáu có chủ đề Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng hồi tháng 11 năm 2014. Hội thảo quốc tế Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử  do Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức ngay trong những ngày Đà Nẵng một lần nữa lại đứng trên tuyến đầu Tổ quốc, khi mà giàn khoan Hải Dương 981 cùng nhiều máy bay tàu chiến Trung Quốc gần như đã tiến sát “phao số không” của thành phố bên sông Hàn. Chính vì thế mà tham luận Đà Nẵng trong quá trình củng cố và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa của người viết bài này được nhiều học giả quốc tế quan tâm và được TS Trần Công Trục đánh giá là một cách tiếp cận đúng đắn. Các hội thảo này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông chưa có dấu hiệu lắng dịu, đã tạo ấn tượng mạnh trên hành trình đưa Hoàng Sa đến với thế giới và đưa thế giới đến với Hoàng Sa.

Thế giới còn biết đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua sự quan tâm của vương triều nhà Nguyễn đối với việc thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn trên biển đối với các tàu thuyền nước ngoài qua lại vùng biển quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Nghiên cứu các châu bản triều Nguyễn - văn bản chính thức của vương triều nhà Nguyễn, có bút phê của nhà vua, có thể thấy rõ điều này.

Chẳng hạn như Châu bản năm 1830 dâng trình cứu nạn tàu nước ngoài bị nạn ở quần đảo Hoàng Sa: “Thần Nguyễn Văn Ngữ chức Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng chắp tay dập đầu trăm lạy kính cẩn tâu việc: Ngày 27 tháng này tiếp nhận được viên Tài phó người nước Pháp và 11 viên Phái viên, thủy thủ lái, lái thuyền cùng đi trên một chiếc thuyền ván nhỏ vào đậu tại bản tấn mà viên Tài phó thưa rằng nguyên thuyền (tức của họ) ngày 20 tháng này rời cảng này ra biển, đến giờ Tuất ngày 21 tháng này mới đến được các xứ sở Hoàng Sa, thì bị sóng cát, thuyền đắm, nước xô vào, viên thuyền trưởng Đô-ô-chi-ly cùng bọn phái viên đem 2 hòm bạc công cùng 15 viên thủy thủ, lái thuyền xuống chiếc thuyền đó đi sau, hiện nay chưa thấy về, vả lại nước ngọt trên chiếc thuyền đó đã hết. Thần lập tức điều động và sức cho thuyền tuần tiễu ở tấn mang nước ngọt ra biển tìm kiếm bọn Phái viên, bảo vệ và đưa họ về tấn, còn bọn Tài phó cho ở lại tấn. Thần xin soạn tập tâu đầy đủ, kính cẩn tâu trình… Ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11. Châu phê: Lãm”. Ngoài ra, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 104, năm Minh Mệnh thứ 14 - 1833 còn chép: “Vua bảo bộ Công rằng: Trong hải phận Quảng Ngãi, có một dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một màu, không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây, thuyền buôn thường bị nạn. Nay nên dự bị thuyền mành, đến sang năm sẽ phái người tới đó dựng miếu, lập bia và trồng cây cối. Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người dễ nhận biết, ngõ hầu tránh khỏi được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời”.

Câu chuyện cứu hộ cứu nạn của vương triều nhà Nguyễn trên vùng biển Hoàng Sa hồi thế kỷ XIX cũng góp phần lý giải vì sao thế giới đương đại rất quan tâm đến những động thái gần đây của Trung Quốc, chẳng hạn như động thái xây Vạn lý trường thành bằng cát trên Biển Đông - theo cách nói của Đô đốc Harry B. Harris Jr., Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ khi phát biểu trong cuộc hội thảo về an ninh hàng hải hồi cuối tháng 3 năm 2015 tại Australia.

Tại hội thảo về Biển Đông lần thứ năm do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế tổ chức tại Washington D.C hồi tháng 7 năm 2015, đáp lại lời chỉ trích của đại biểu Trung Quốc cho rằng, Mỹ không còn trung lập mà có xu hướng hành xử theo kiểu tỏ vẻ “anh hùng”, lạm dụng các quyền tự do hàng hải để bảo vệ các nước nhỏ, GS John Norton Moore nhấn mạnh: “Mỹ có nghĩa vụ và sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền tự do đi lại, bao gồm hàng hải và hàng không theo đúng quy định của luật quốc tế. Đây là việc Mỹ đã làm hàng thập kỷ và cũng là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế”. Qua ý kiến của GS John Norton Moore, có thể thấy thế giới quan tâm đến vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa không chỉ và chủ yếu cũng không phải trên phương diện tranh chấp chủ quyền, mà chủ yếu là trên phương diện tự do hàng hải. Và thực ra quyền tự do đi lại trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng, Biển Đông nói chung mới là lợi ích thực sự của cộng đồng quốc tế.

Thế giới đương đại đang rất cần một kiểu hành xử như vương triều Đại Nam ngày xưa, không chỉ bảo đảm quyền tự do đi lại ấy mà còn biết hành xử của một người chủ đúng nghĩa khi tiến hành các hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên vùng biển thuộc chủ quyền của mình, và thế giới ngày nay chắc chắn không thể không quan ngại, không thể không phản ứng trước kiểu hành xử hung hãn bất chấp luật pháp quốc tế và nhất là xu hướng quân sự hóa ngày càng rõ nét của Trung Quốc ở Biển Đông.

Chính vì vậy mà bên cạnh việc tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo đúng lời dạy năm xưa của vua Lê Thánh Tông “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ?” (Đại Việt sử ký toàn thư), cần hết sức nhấn mạnh và chứng tỏ cho thế giới thấy rằng, Việt Nam hành xử hoàn toàn khác với Trung Quốc trong việc tôn trọng tự do hàng hải; đi đôi với việc bảo đảm an toàn cho ngư dân nước ta đang ngày đêm hành nghề trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa vừa mưu sinh kiếm sống vừa góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo và quyền tự do đi lại trên biển của một quốc gia ven biển, không để tàu lạ/tàu quen hoành hành như những năm qua.

TRẦN NGUYÊN HẬU

;
.
.
.
.
.