.

Những mảnh hồn phố Hội

.

Qua bao thăng trầm hưng phế, trầm tích của Hội An vẫn luôn hiện hữu ở những giá trị văn hóa, truyền thống trường tồn cùng thời gian. Đâu đó trên dọc những con phố cổ, ta bắt gặp hình ảnh chiếc đòn gánh mưu sinh, những cụ bà gần ngót cuộc đời gắn mình với chiếc bàn xoay gốm, hay những phận người lặng lẽ trên chiếc ghe bầu gắn với dòng sông Hoài huyền sử… Năm tháng đổi thay nhưng có lẽ ở nơi nào đó trong phố cổ này vẫn thổn thức một miền ký ức xao xuyến!

Những chuyến ghe bầu đưa khách dạo dọc sông Hoài tạo nên hồn phố cổ.
Những chuyến ghe bầu đưa khách dạo dọc sông Hoài tạo nên hồn phố cổ.

1. “Ai xí mà đây!”. Tiếng rao vọng bên hè phố, tiếng kẽo kẹt của chiếc đòn gánh vẹt mòn qua năm tháng giữa sớm mai hay mỗi chiều tà đều nghe nao lòng thương nhớ. Có một thời, hẳn ai từng ngang góc đường Nguyễn Trường Tộ, bất kể nắng mưa đều thấy hình ảnh cụ Ngô Thiểu thân hình nhỏ bé với nụ cười tươi rói bên đôi thùng nhôm bán xí mà.

Tiếng rao của ông vang xa, lọt vào những con ngõ chật hẹp, vọng trở lại. Trên góc phố ấy bây giờ, hình ảnh ông được lưu lại trên bức tranh mang hồn cốt của niềm xưa cũ. Chỗ ngồi ấy giờ có người thay thế bằng gánh chè của người con gái và cháu họ hàng gần, vẫn vỏn vẹn ba loại thực phẩm đậu xanh xay, mè đen, nước cốt rau má, lá mơ và đường tán.

Thế mà vẫn níu chân bao thế hệ đi ngang về tắt trên con đường này. “Tui chỉ bán chè ở đây vào mỗi sáng. Thực ra công việc không thu về nhiều lời lãi là mấy nhưng làm là cốt giữ cái nghề của cha. Để nhắc nhớ mình và cháu con, ngày hôm qua tụi mình lớn lên và thành đạt từ gánh chè ấy”, bà Thị, con gái ông Thiểu bộc bạch.

Phố mỗi lúc một đông. Gánh chè bà Thị vẫn tấp nập khách ghé chân. Những thiếu nữ thướt tha trong tà áo dài sau giờ tan trường, bác xích lô sau cuốc xe dài đẫm mồ hôi, vài ba khách Tây… Họ ngồi gọn bên hè phố, lặng lẽ thưởng thức món xí mà nóng hổi. Mỗi bát chè 6 ngàn đồng, không hơn, không kém. Bà Thị bảo: “Ba tui dặn, khách ăn chè bao giờ cũng là người nghèo, đừng lấy đắt”.

Hội An bây giờ nhiều hàng quán. Có điều lạ, du khách thập phương và người dân phố cổ vẫn giữ nếp ăn xí mà như món quà vặt thân thuộc. Bên nồi chè, khách vẫn không quên hỏi thăm sức khỏe của người đã “khai sinh” ra gánh chè độc đáo. Chợt nhận ra, cuộc sống dẫu đổi thay, ai đó vẫn gói ghém nỗi nhớ trong mỗi bát xí mà - Mảnh hồn phố hiếm nơi nào có được.

Để rồi, trong hành trình lớn khôn, đối mặt với bao dùng dằng của đời sống, những vất vả lo toan, hay sống trong những chăn ấm nệm êm, những thú vui hưởng lạc thì ký ức về hồn phố qua bát chè rong bên góc đường Nguyễn Trường Tộ vẫn lẫn khuất đâu đó trong ký ức - một phần đời sống nghe nao lòng thương nhớ!

Cụ Nguyễn Thị Được, 92 tuổi vẫn gắn với bàn xoay gốm - nghề truyền thống lâu đời ở Hội An.
Cụ Nguyễn Thị Được, 92 tuổi vẫn gắn với bàn xoay gốm - nghề truyền thống lâu đời ở Hội An.

2. Nhắc đến Hội An nhớ về làng gốm! Và để nhớ bao giờ cũng cần đến những người giữ mảnh hồn làng. Nghệ nhân Nguyễn Thị Được, ở phường Thanh Hà là một trong số đó! Ở vào tuổi 92, bà Được vẫn còn gắn mình với chiếc bàn xoay cũ kỹ. Câu chuyện xoay quanh chiếc bàn gốm của bà đầy ấm áp. “Bà không phải nghệ nhân nhưng du khách đến xưởng gốm gọi bà là nghệ nhân!”, bà cười hiền.

Bà Được là thế hệ thứ tư trong gia đình có truyền thống làm nghề gốm. “Mười ba tuổi, mệ đã làm quen với việc làm gốm. Lớn lên lấy chồng, sinh con, mệ vẫn gắn bó với bàn xoay, đất sét”. Ký ức người nghệ nhân già trở về thời nghề gốm hưng thịnh nhất phố Hội. Rồi chiến tranh, ly tán, nghề gốm tưởng như mất đi nhưng hòa bình, bà con dắt díu nhau dựng lại cửa nhà, gầy lại nghề truyền thống cha ông.

Bà chậm rãi kể: “Ngày đó các sản phẩm làm ra chủ yếu là vật dụng sinh hoạt trong gia đình, như: chum, vại... Bây giờ nhu cầu về trang trí cao nên người làng gốm làm sản phẩm như chuông gió, hình các con giáp, bình hoa… Chừ nghề gốm không còn thịnh hành, thu nhập thấp hẳn nhưng nếu bỏ nghề thì nhớ lắm”. Làng quê dần đô thị hóa. Nguồn đất sét cạn. Người làng gốm muốn có đất phải đi mua đất tận đầu nguồn sông Thu xa hàng chục cây số. Vất vả mà thu nhập không bao nhiêu. Giữ lấy lò gốm coi như giữ lấy ấu thơ, giữ nghề truyền thống - nơi mỗi ban mai khi ngọn lửa tàn đều in dấu những giọt mồ hôi nhỏ xuống mẻ gốm nóng hổi.

Tuy chân tay không còn khỏe mạnh nhưng bà Được vẫn giữ lửa nghề bằng bàn xoay thủ công. Cũng chính tay bà tự đun củi nung lò. Mỗi ngày bà cặm cụi làm việc và truyền nghề lại cho cháu con: “Không gì vui hơn khi có người nối nghề. Tui đã truyền nghề lại cho các cháu, nhất là đứa cháu nội đã chịu khó học từ năm lên 10 tuổi. Nhìn cháu miệt mài bên bàn xoay, nỗi trăn trở với nghề vơi hẳn”. Vui hơn, mỗi ngày có hàng chục lượt khách tìm đến, xem bà xoay gốm. Rồi tự tay làm thử. Câu chuyện gốm theo du khách lan xa. Bà Được tin rằng, nghề gốm sẽ không bị lãng quên nhờ đó!

3. Phố Hội gắn với sông Hoài. Con sông êm ả chảy qua phố mượt mềm như dải lụa, chở những phận đời mưu sinh. “Nghề đánh cá đêm, chở khách ngang sông có từ lâu lắm. Rồi dăm bảy năm nay phố Hội có cầu bắc ngang, du lịch phát triển, nghề đánh cá chuyển sang chèo dạo cho khách”, bà Nguyễn Thị Mùi (62 tuổi) nói.

“Mỗi ngày bà chở được mấy chuyến?” “Cũng tùy. Tùy mùa và tùy khách”. Mỗi chuyến từ đầu phố cổ đến con kênh dẫn vào chùa Cầu và quay trở lại mất tầm nửa tiếng. Mỗi chuyến giá 40 ngàn đồng. Có khách muốn đi xa hơn băng qua sông Thu đến làng gốm Thanh Hà thì mất 1 giờ. Mỗi ngày có tầm chục chiếc ghe bầu chở khách, đa số là người cao tuổi. Có người vì kế mưu sinh, có người bám nghề vì… nhớ sông! Có người là cư dân bên kia bờ vẫn xuống ghe. “Sao chỉ cách cây cầu vài trăm mét mà người ta lại qua sông bằng ghe?”. Ông Mười cười tươi rói: “Xưa chưa có cầu, người dân đôi bờ mỗi lần muốn qua sông đều đi bằng ghe. Nay dù đã có cầu nhưng mỗi lúc nhớ sông, thèm cảm giác hít thở không khí buổi sớm trên dòng sông yên ả, họ vẫy tay để đi nhờ một
khúc sông”.

Tản bộ trên những con phố cổ buổi bình minh. Chợt nhận ra mỗi góc phố, dòng sông cũng như đời người đều có gốc gác, cội nguồn, tình yêu và nỗi nhớ. Một gánh xí mà, cụ già nặn gốm, người chèo đò đưa khách và rất nhiều người khác, nghề khác… chính là những mảnh hồn lặng thầm bồi đắp cho trầm tích phố cổ trăm năm!

THIÊN LAM

;
.
.
.
.
.