.

Lớn lên sau bão

.

Cơn bão Chanchu diễn ra trên Biển Đông 10 năm trước, để lại nỗi đau khôn nguôi trong lòng những bà mẹ làng biển và hàng trăm đứa con của họ. Trong đó có 87 ngư dân của xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam nằm lại giữa biển khơi. Cả xã lúc đó có 157 em đang ở lứa tuổi cắp sách đến trường. Đã có 21 em đã phải rời quê để ra Làng Hy Vọng Đà Nẵng, vào Trung tâm SOS thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Nuôi dạy trẻ khó khăn Tam Kỳ, Quảng Nam tiếp tục việc học.

Những đứa con của “làng bão Chanchu” Bình Minh ở Làng Hy Vọng yêu thương, san sẻ với nhau suốt 10 năm qua. Ảnh: H.L
Những đứa con của “làng bão Chanchu” Bình Minh ở Làng Hy Vọng yêu thương, san sẻ với nhau suốt 10 năm qua. Ảnh: H.L

Chị Phan Thị Vân Duyên, nhân viên quản sinh xã hội của Làng Hy Vọng Đà Nẵng kể lại cảm xúc lúc đó: Đầu tháng 7-2006, làng đón cùng lúc 11 em học sinh ở Quảng Nam. Chưa bao giờ các cô, các mẹ lại đón nhiều đứa con ở cùng một làng, có cùng chung một hoàn cảnh như 11 đứa con của xã Bình Minh, huyện Thăng Bình. Các em được xếp ở chung với nhau, chị lớn kèm cặp em bé. 4 bà mẹ phụ trách 11 gia đình phân công nhau ở lại nhiều hơn với các con, an ủi các con khi nhớ nhà…

Cứ thế, 10 năm trôi qua, nhiều em rời làng đi học đại học, cao đẳng. Nhiều em ở Tam Kỳ được chuyển về đây. Giờ Làng Hy Vọng đang có 6 em của làng biển Bình Minh, một em ở huyện Núi Thành. Có 3 em Danh, Vương, Ny (trong đó Vương và Ny là hai anh em ruột) theo đuổi con đường học nghề, đã có việc làm ổn định. Em Trần Thị Thu đang học ĐH Quảng Nam, có 3 năm ở Làng Hy Vọng, giờ em gái của Thu, em Trần Thị Gái sau khi học một năm lớp Một ở làng, 4 năm nay được mẹ gửi ra Làng Hy Vọng tiếp tục việc học.  

Đứa em nhỏ tuổi nhất của xã Bình Minh, nhập Làng Hy Vọng cách đây 3 năm là Nguyễn Thị Kim Yến. Bé Yến sinh vào tháng 12-2006, 6 tháng sau khi ba và ông nội mất trong cơn bão. Mẹ của bé đi xa làm ăn, nên bà nội phải gửi bé ra Đà Nẵng. Cô ruột của Yến, em Nguyễn Thị Mỹ Tho nhiều năm là thành viên của Làng Hy Vọng, giờ đang làm công nhân ở khu công nghiệp Hòa Khánh, thỉnh thoảng đến thăm và đưa bé về thăm bà. Nhìn cô bé côi cút, các mẹ, các chị ai cũng thương.   

Em Võ Thị Bin, sau khi rời Làng Hy Vọng, hiện là sinh viên ngành Quản trị du lịch của ĐH Duy Tân. Bin là con đầu. Nhà có 3 chị em, sau em còn 2 em học lớp 12 và lớp 8. Sau khi ba mất, mẹ Bin làm đủ nghề lặt vặt và gánh cá thuê những khi tàu về bến nhưng vẫn đầy chật vật, nên em mong ước khi tốt nghiệp tìm được việc làm ngay đỡ đần mẹ nuôi em ăn học.

Em Võ Thị Thu Thảo, học lớp 10 Trường THPT Thanh Khê vào Làng Hy Vọng năm lớp 6. Thảo bảo, mới đó em vào đây được 5 năm rồi. Hồi lớp 1, Thảo ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ khó khăn Tam Kỳ, được vài năm thì trung tâm giải tỏa, về quê ở với mẹ được 2 năm rồi tiếp tục khăn gói xa nhà đi học. Thảo nói chân tình: “Hồi nhỏ em xin mẹ được ở nhà với mẹ và 2 em (em gái Thảo học lớp 7, em trai ra đời 1 tháng sau khi ba mất), nhưng mẹ bảo ở nhà khổ quá, ra đây sẽ được các cô nuôi ăn học. Em thèm được ở nhà lắm. Nhưng thấy mẹ bán cá vất vả, còn nuôi 2 em nên em vẫn thấy mình sướng hơn”.

Bây giờ, Đặng Thị Sáu (lớp 12 Trường THPT Thanh Khê) và Nguyễn Văn Quân (ở huyện Núi Thành, lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền) là 2 em lớn nhất trong số những học sinh con em bão Chanchu. Sáu là con thứ 5 trong gia đình 6 chị em.

Ba mất trong cơn bão, anh trai và chị gái lớn của em phải bỏ học đi làm, phụ mẹ nuôi em. Sáu kể: Hè năm lớp 3 ra đây, em khóc nhiều lắm. Chị gái hứa cuối tuần sẽ ra thăm, đến chiều thứ sáu chưa thấy bóng chị là khóc.

Mẹ thì hứa nếu là học sinh giỏi sẽ được về với mẹ. Thế là năm nào em cũng cố gắng học giỏi, nhưng mẹ không cho về. Bây giờ em lớn rồi, biết suy nghĩ, mới thấy em sướng hơn các anh, chị. Giờ hai anh trai của Sáu theo nghề biển, thỉnh thoảng anh Hai về cảng Đà Nẵng lại ghé thăm em. Cô học trò nhỏ nhắn này luôn tự nhủ phải cố gắng học, bởi khi em mới vào lớp 10, lần đầu tiên nằm mơ thấy ba. Ba dặn Sáu phải cố gắng học, vì mẹ. Sáu xác định năm nay sẽ thi ngành Sư phạm tiểu học, sau này muốn được đi dạy và “rất muốn ở với mẹ”.

Nhiều học sinh của làng biển Bình Minh “được” ở với mẹ, học giỏi “cho mẹ vui lòng”. Em Vương Thị Tín, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng, có ba và anh trai mất trong bão Chanchu. Tín bảo, 4 chị em chọn cách ở lại với mẹ, dù có khổ, để mẹ đỡ cô đơn dù bà phải làm thuê bằng đôi vai gánh gồng nuôi các con.

Một chị gái của Tín đã tốt nghiệp sư phạm, một anh trai đang học Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng và em. 3 chị em ra Đà Nẵng học, chọn cách đi dạy kèm, phụ bán quán cà-phê để trả tiền trọ, tiền ăn. Tín bảo: “Hồi mới thi đại học xong, em xin mẹ đi xuất khẩu lao động ở Nhật nhưng mẹ không đồng ý. Lúc đó mẹ nhắc lại ước mơ của ba, niềm hạnh phúc của ba trong tưởng tượng khi con thành đạt. Vì tâm nguyện cả đời của ba là lo cho các con học hành nên người, nên tụi em luôn cố gắng học để không phụ lòng ba và giúp mẹ có thêm nghị lực sống”.

Những đứa con của bão Chanchu, rời nhà đi học, với bao nhiêu nỗi buồn giấu kín trong lòng, được các mẹ, các cô, các mạnh thường quân giúp đỡ, giúp các em vững tâm bước trên con đường đời. Chị Vân Duyên nói rằng, những bà mẹ ở xã Bình Minh khi gửi con vào Làng Hy Vọng thấy yên tâm hơn vì con được dạy dỗ nên người, nhiều em vào làng muộn là thế.

Chị Đinh Thị Lan, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã Bình Minh có ba và anh trai mất trong bão, khi Lan đang học lớp 11. Lan đã học ĐH Nha Trang, ra trường đi dạy hợp đồng ở xã Bình Dương được 2 năm, thấy bấp bênh quá nên Lan xin về xã làm ở hội khuyến học năm 2013.

Lan cho biết, quỹ Học bổng Chanchu được lập đầu năm 2007, gồm 3 mức: học sinh tiểu học nhận 1 triệu đồng/năm, THCS nhận 1,2 triệu đồng/năm và THPT nhận 1,5 triệu đồng/năm và học bổng cho sinh viên. Đến nay có 79 em đang nhận học bổng, em nhỏ nhất học lớp 3 và có khoảng 15 em đang học đại học, cao đẳng. Cô gái này hơn 3 năm qua vẫn được nhắc nhớ về những người quê mình đã bỏ mạng trong cơn bão, nhưng niềm hy vọng về thế hệ tiếp nối vẫn được ươm mầm qua những đứa con của họ.

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.