.

Gom tiền lẻ làm từ thiện

.

Cái duyên làm từ thiện đến với bà Gái trong một lần cùng người chị hàng xóm vào bệnh viện thăm người thân. Những thân hình tiều tụy, những ánh mắt mỏi mệt của bệnh nhân và người nhà đã ám ảnh bà. Trên đường về, bà đau đáu nghĩ cách gì để san sẻ chút khổ đau cùng người bệnh.

Thứ ba hằng tuần, các tiểu thương ở chợ An Hải Đông tập trung tại nhà bà Gái (người thứ 2 từ trái qua) để  sửa soạn bữa cơm. Ảnh: H.A
Thứ ba hằng tuần, các tiểu thương ở chợ An Hải Đông tập trung tại nhà bà Gái (người thứ 2 từ trái qua) để sửa soạn bữa cơm. Ảnh: H.A

Đến chợ An Hải Đông (quận Sơn Trà), người ta quen gọi bà Hồ Thị Hồng Hoa bằng cái tên Gái đầy thân mật. 5 năm trở lại đây, hằng ngày, bà gặp các tiểu thương ở chợ đón nhận từ mỗi người chỉ 1.000 đồng, để hằng tuần nấu 400 suất cơm miễn phí cho bệnh nhân Bệnh viện Đà Nẵng.

Tôi đến, gặp lúc bà Gái đang tranh thủ lúc vắng khách nhặt nấm để ngày mai nấu chay cho nhà chùa. Bà nói, những tưởng chị em ở chợ quanh năm buôn thúng bán bưng, trả treo từng đồng sẽ khó mà ủng hộ công việc này, nhưng khi nghe bà kể về những hoàn cảnh éo le thì ai cũng động lòng. Cứ chiều chiều, bà đi một vòng quanh chợ, người gửi bà 1.000 đồng, người 2.000 đồng, có người gửi luôn trước 30.000 đồng cho 1 tháng. Không có bất cứ ràng buộc trách nhiệm nào, nhưng chẳng ai bảo ai, chị em tiểu thương đều xem đó là việc nên làm.

Bà Gái tập hợp được một số chị em chủ chốt lại thành “hội”, chia công việc cho mỗi người. Bà Thúy (bán chả cá) phụ trách thu tiền khu vực hàng cá, bà Vê (bán chuối) phụ trách hàng trái cây… Không chỉ tiểu thương mà những người mua hàng cũng rất ủng hộ. Nhiều người thỉnh thoảng đi chợ đều ghé ngang qua hàng cô ủng hộ cho hội, người năm, ba ngàn nhưng “năng nhặt chặt bị”, tháng nào cả chợ góp lại cũng được gần 1 triệu đồng.

“Hội” từ thiện của bà Gái chọn ngày thứ 3 hằng tuần nấu cơm phát miễn phí. Ngoài Bệnh viện Đà Nẵng, “hội” của bà còn xen kẽ phát cơm tại Bệnh viện Tâm thần, Trung tâm Mái ấm tình thương dòng thánh Phaolo (quận Ngũ Hành Sơn)...

Tuy có hội, nhưng các chị em đều là tiểu thương phải “chạy chợ” hằng ngày nên mọi công việc từ đi chợ, nấu nướng chỉ một mình bà Gái đảm đương. Mỗi ngày thứ ba, bà đều nghỉ bán, một mình vừa đi chợ, nấu ăn từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều mới xong. Hậu thuẫn lớn nhất cho công việc từ thiện của bà là người chồng. Bà kể, trước đây ông không quan tâm lắm đến công việc của vợ. Nhưng cứ sau mỗi chuyến đi, bà lại có đầy ắp câu chuyện về số phận mỗi người mình gặp để kể cho ông nghe. Những phận đời ấy đã động đến lòng trắc ẩn của ông. Ông xung phong giúp vợ nấu cơm, nhặt rau, rửa cá, thịt… Từ ngày có chồng phụ giúp, bà đỡ nhọc hơn rất nhiều.

Tấm lòng nhân ái của bà đã chạm đến trái tim của những chị em buôn bán ở chợ. Vãn chợ, là các chị bỏ qua giấc ngủ canh trưa chạy ngay đến nhà bà Gái để bỏ cơm, canh vào hộp, kịp thời trước 4 giờ chiều có mặt tại bệnh viện.

Ngoài một tháng 4 lần nấu ăn cho bệnh viện, bà Gái còn dành ra hai ngày rằm và mồng một âm lịch để tham gia phụ nấu ăn cho chùa Pháp Hội. Bà vẫn luôn đau đáu phải đi thêm nhiều nữa, về vùng sâu vùng xa hơn nữa. Với bà, mỗi chuyến đi là một kỷ niệm đầy ắp tình thương mến. Có những tiểu thương hằng ngày vẫn phải lo từng bữa ăn nhưng nghe nói đi từ thiện là sẵn sàng nghỉ bán để đi.

Tuy kinh phí hạn hẹp nhưng “hội” của bà Gái đã duy trì một năm về vùng sâu vùng xa 3-4 lần. Nhiều năm theo đuổi công việc từ thiện, bà Gái có duyên quen được nhiều mạnh thường quân tốt bụng. Nhiều đợt sau khi mua các suất quà hết tiền, không đủ tiền thuê xe đi, các chị em đã bàn nhau sẽ đi xe máy nhưng đến sát ngày lại có người liên hệ cho ô-tô miễn phí. “Nhiều tuần chưa huy động đủ tiền, chị em lại bỏ tiền túi ra làm trước rồi hồi sau thu tiếp. Nếu đợi đủ tiền mới làm thì không biết đến khi mô mới làm được”, bà Gái nói.

Ở cái tuổi gắn với sự an nhàn, nghỉ ngơi, sum vầy cùng con cái, thế nhưng, bà Gái vẫn buôn bán, tích cóp từng đồng để nhiều bữa cơm hơn đến với người nghèo. Nhìn bà cầm từng ngàn lẻ vuốt lại phẳng phiu, ghi vào sổ thu chi mới thấy, đâu phải người giàu mới làm từ thiện.

HẢI ÂU

;
.
.
.
.
.