.

Bổ nhiệm Lâm Nhĩ làm tổng chỉ huy khởi nghĩa

.

Trong những người được vua Duy Tân “trao quyền hành động trong tất cả mọi việc”, và là những người được tiếp nhận chiếu chỉ của nhà vua để thi hành theo như đoạn cuối của bức chiếu, tên họ đầy đủ của họ là gì?

Trang tài liệu minh họa có ghi rõ tên Lâm Nhĩ, généralissime - tức thống soái. Đây là một trang trong tài liệu số 6, hồ sơ 4199, là Báo cáo ngày 10-7-1916 về tình hình chính trị  Annam quý II/1916 của Khâm sứ Trung kỳ Trigon gửi Toàn quyền Đông Dương.
Trang tài liệu minh họa có ghi rõ tên Lâm Nhĩ, généralissime - tức thống soái. Đây là một trang trong tài liệu số 6, hồ sơ 4199, là Báo cáo ngày 10-7-1916 về tình hình chính trị Annam quý II/1916 của Khâm sứ Trung kỳ Trigon gửi Toàn quyền Đông Dương.

Tại Trung tâm lưu trữ Hải ngoại Aix-en-Provence, Pháp, trong Thư khố Toàn quyền Đông Dương, tại Hồ sơ 4199, có một tài liệu là “Bản báo cáo về tình hình chính trị của Annam” do Khâm sứ Trung Kỳ lúc đó là Le Marchant de Trigon viết, đề ngày 10-7-1916 có đoạn: “Vào đêm 27 tháng 4-1916 ở làng Miếu Bông - Quảng Nam đã diễn ra một cuộc họp lớn của những người mưu phản. Tại đây đã thông báo chiếu chỉ của nhà vua ra lệnh cho tất cả các quan lại trên ba kỳ nổi dậy, bắt đầu cuộc đấu tranh gọi là “Nghĩa” - của những người trung thành - vào đêm mồng 2 rạng ngày mồng 3 tháng tư - tức mồng 3 rạng sáng 4 tháng năm. Chiếu chỉ này cũng kèm theo thông báo việc bổ nhiệm bốn quan chức cao cấp:

- Trần Cao Vân, cố vấn cao cấp, người bảo vệ Đức Vua, phụ trách công tác quân sự.

- Thái Phiên, phụ tá cố vấn cao cấp, phụ trách công tác tài chính và kinh tế;

- Lâm Nhĩ, Thống soái;

- Nguyễn Siêu, tổng đốc thành nội và kinh đô…”.

Như thế, với tài liệu vừa nêu, chúng ta có thể biết rõ danh tính của những người được bổ nhiệm mà trong phần đính kèm của bức chiếu 29-4-1916 còn để trống.

Việc phổ biến bức Chiếu này cũng đã được Phan Thành Tài, một trong những thủ lĩnh chủ chốt trực tiếp chỉ huy khởi nghĩa ở tỉnh Quảng Nam, bạn chiến đấu với Thái Phiên - Trần Cao Vân lúc bấy giờ, thuật lại, thể hiện trong Tài liệu số 42, Hồ sơ 65530, Phông Toàn quyền Đông Dương, ANOM.

 “Trong một ngày khác của tháng 3 tôi đến nhà Thông Phiên gặp Trần Cao Vân ở đó. Hai người này bàn luận: Nếu ta chỉ tiến hành nổi dậy ở Annam thì Nam Kỳ và Bắc Kỳ không tham gia vì cho rằng chúng ta là quân nổi loạn, rồi chống lại chúng ta. Bây giờ chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải tìm cách làm sao kế hoạch của chúng ta phải đến được nhà vua qua một trung gian để xin nhà vua ra chiếu chỉ nhằm làm cho các dự định của chúng ta được thi hành có danh nghĩa chính đáng. Với điều kiện như thế không lo gì về phía Bắc Kỳ và Nam Kỳ, đó mới là mưu kế hay.

Hai người lập tức đi ra Huế. Họ trở về lại nhà Thông Phiên vào ngày 15-4. Họ kể lại chuyện liên lạc với vua qua một thị vệ mà tôi quên tên. Người thị vệ này đã từng học phép phù thủy ở Trần Cao Vân. Nhà Vua bảo họ giả dạng người câu cá ngồi chờ ở Hậu Bổ (Phan Thành Tài nhớ nhầm, chính xác là Hậu Hồ - NTĐ) khi nhà vua cưỡi ngựa đi dạo chơi đến đó.

Họ tâu với vua: Những người An Nam đi xuất dương nay đã trở về trên những con tàu chiến với vũ khí. Chúng tôi đã đi vận động ở 12 tỉnh tìm được nhiều người đồng hội, nhưng không tiến hành được ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ. Chúng tôi sợ rằng họ cho chúng tôi là những người nổi loạn, vì vậy xin Hoàng thượng ra chiếu chỉ nhằm làm cho tất cả quan chức, viên chức, binh lính và dân chúng tán đồng việc làm của chúng tôi và mong muốn đạt được mục đích càng sớm càng tốt.

Họ nói là Hoàng thượng đã chấp thuận và giao hai ông về thảo chiếu chỉ. Ngày 17-4 hai ông mang bản chiếu chỉ ra Huế để trình nhà vua qua trung gian là người thị vệ lần trước. Không rõ là các ông mang đi bao nhiêu bản nhưng ngày 18-4 lúc mang về đã có đóng dấu ấn của nhà vua. Các ông đã cho tôi xem Chiếu chỉ đó và nói với tôi về truyền lại là ai muốn tận mắt xem bản chiếu chỉ thì đến nhà Thông Phiên…

Ở phần sau của tài liệu vừa dẫn, Phan Thành Tài xác nhận rằng, sau khi đến nhà Thái Phiên, thì bốn người chủ chốt ở Quảng Nam lúc đó là Trần Cao Vân, Thái Phiên, Phan Thành Tài và Hương Thùy đã họp suốt đêm ở nhà của Thái Phiên để thông qua Hịch khởi nghĩa, bổ nhiệm hệ thống nhân sự cho bộ máy chỉ huy khởi nghĩa và dự kiến nhân sự cho Nhà nước tương lai khi khởi nghĩa thành công...

Về nhân sự chỉ huy khởi nghĩa, Phan Thành Tài xác nhận rằng mọi thành viên tham gia cuộc họp đã nhất trí cử Lâm Mễ (tức Lâm Nhĩ), làng Cẩm Toại, huyện Đại Lộc (nay thuộc huyện Hòa Vang - NTĐ), giữ chức Thống soái - đúng như chức vụ ghi trong Chiếu chỉ của vua Duy Tân là Thống chế. Như vậy, các tài liệu nêu trên đều cho thấy, trước khi khởi nghĩa tháng 5 năm 1916 nổ ra, với sự đề cử của các lãnh tụ khởi nghĩa, nhà vua trẻ Duy Tân đã bổ nhiệm Lâm Nhĩ làm tổng chỉ huy khởi nghĩa.

NGUYỄN TRƯƠNG ĐÀN

;
.
.
.
.
.