.

Biển đảo qua trang sách

.

Đề tài biển, đảo và chủ quyền biển, đảo Việt Nam đã và đang được viết, tập hợp ở hàng chục đầu sách, cung cấp cho bạn đọc nhiều tư liệu quý, hiếm.

Độc giả tìm hiểu tư liệu về Hoàng Sa tại Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng.
Độc giả tìm hiểu tư liệu về Hoàng Sa tại Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng.

Nhiều năm qua, những cuốn sách nghiên cứu về lịch sử, chủ quyền và các tư liệu khẳng định chủ quyền về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam góp thêm tiếng nói mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam trước vấn đề bảo vệ hai quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Năm 2013, NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành cuốn Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của TS Nguyễn Nhã. Đúc kết những gì mà TS Nguyễn Nhã đã dày công nghiên cứu 40 năm qua, kể từ khi ông cho xuất bản Tập san sử địa Đặc khảo Hoàng Sa và tổ chức triển lãm về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa vào năm 1975, cho đến năm 2003, khi ông thực hiện và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Nhiều tác giả khác cũng đã công bố các tác phẩm về đề tài này trong thời gian qua.  Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân với cuốn Hoàng Sa, Trường Sa-nghiên cứu từ sử liệu Trung Quốc (NXB Văn hóa văn nghệ, 2014); tác giả Từ Đặng Minh Thu với công trình nghiên cứu: “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa-Thử phân tích lập luận của Việt Nam và Trung Quốc”; những cuốn sách, những bài báo của GS Nguyễn Quang Ngọc-một trong những “con chim đầu đàn” nghiên cứu về vấn đề chủ quyền biển, đảo đã làm phong phú thêm cho kho sách về biển đảo của nước ta. Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt Việt Nam do TS Mai Hồng và PGS.TS Lê Trọng đồng chủ biên (NXB Thông tin và Truyền thông xuất bản năm 2013) được biên soạn công phu, tập hợp các bài viết của nhiều nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực: lịch sử, khảo cứu, đồ bản, địa lý, văn hóa…, tạo thành một hệ thống tư liệu, thư tịch phong phú, chuẩn xác.

Những nhà nghiên cứu ở Đà Nẵng cũng không đứng ngoài cuộc trước đề tài nóng hổi này. Có thể kể đến một số tác giả nổi bật như Trương Minh Dục, Ngô Văn Minh, Trần Đức Anh Sơn… PGS.TS Trương Minh Dục, tác giả cuốn Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua tư liệu Việt Nam và nước ngoài (NXB Thông tin và truyền thông, 2014), cho biết, để có 4 năm hoàn thành cuốn sách này, ông bỏ ra hơn 20 năm học và nghiên cứu sử.

Trong hàng ngàn tư liệu đã đọc, ông chắt lọc những tài liệu có sức thuyết phục nhất. Ông chia sẻ: công việc sưu tầm, tập hợp tài liệu của ông chỉ với “tham vọng” duy nhất đó là có một đóng góp mới về học thuật, tạo thêm một bằng chứng mới có sức thuyết phục vào cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ta đối với Hoàng Sa, Trường Sa và với Biển Đông.

Cuốn sách được xuất bản năm 2014, ngay thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, tạo nên làn sóng tìm hiểu về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Nghiên cứu về đề tài biển, đảo nhiều năm, sắp tới đây, PGS, TS Ngô Văn Minh sẽ ra mắt cuốn Hoàng Sa, Trường Sa trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ban đầu, tác giả dự định lấy tên là “Biển đảo, máu thịt quốc gia, không gian sinh tồn của dân tộc”, nhưng hiện nay sách được đặt lại tên vì nội dung của sách tập trung nhiều hơn đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Nói về cuốn sách, TS Ngô Văn Minh khiêm tốn cho biết, dù biết đề tài về biển, đảo đã rất nhiều học giả nổi tiếng đề cập  nhưng là người con của đất Đà Nẵng, là hội viên của Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng, ông luôn đau đáu về đề tài Hoàng Sa.

Hằng ngày, dù rất bận với công việc giảng dạy, ông vẫn dành thời gian đọc, nghiên cứu tư liệu và tìm hướng đi mới. Cuốn sách này có thêm phần về người Quảng Nam-Đà Nẵng với biển, đảo. Để hoàn thành nội dung này, ông có nhiều chuyến đi về các làng quê ở Quảng Nam để tìm kiếm các sắc phong, qua đó chứng minh sự quản lý liên tục của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đối với quần đảo Hoàng Sa.

Đề tài về biển, đảo, về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thu hút sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử trong hàng chục năm qua. Tại Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa có 120 đầu sách với khoảng 250 ấn bản và hơn 200 bài trích báo, tạp chí. Số lượng sách chưa thể nói là nhiều nhưng đã đáp ứng phần nào thông tin cần thiết của bạn đọc.

Chị Hà Thị Thanh Trúc, Trưởng phòng Công tác bạn đọc thư viện, cho biết, cách đây vài năm, số lượng sách về biển đảo không nhiều, sách về Hoàng Sa, Trường Sa lại đếm trên đầu ngón tay. Thời gian sau này, đề tài biển đảo được quan tâm nên số lượng sách về nhiều hơn, hầu như trên thị trường ra sách gì là thư viện đều cố gắng nhập về đầy đủ để phục vụ nhu cầu bạn đọc.

Để góp phần tuyên truyền về chủ quyền biển đảo với người dân, thư viện đã sử dụng kho luân chuyển, đưa sách về các trường đại học, tất cả các thư viện trên địa bàn quận, huyện… Ngoài ra, tại các hội sách trên địa bàn thành phố (gần đây nhất là Hội sách Hải Châu) thư viện tham gia trưng bày nhiều sách về chủ quyền biển đảo.

Bài và ảnh: Quỳnh Trang

;
.
.
.
.
.