.

Viễn Hải với tình yêu người lính đảo

.

Viễn Hải (tên thật là Đoàn Thị Ngọc, sinh năm 1994), thành  viên trẻ nhất của Trại sáng tác về đề tài Chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang, do Tạp chí Văn nghệ quân đội phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức, vừa diễn ra tại Đà Nẵng, đã chia sẻ như thế về con đường thơ khá đặc biệt của mình.

Con đường thơ Viễn Hải (áo trắng, khăn rằn) được bắt đầu bằng tình yêu người lính đảo. (Ảnh Viễn Hải ở đảo Trường Sa, do nhân vật cung cấp)
Con đường thơ Viễn Hải (áo trắng, khăn rằn) được bắt đầu bằng tình yêu người lính đảo. (Ảnh Viễn Hải ở đảo Trường Sa, do nhân vật cung cấp)

Viễn Hải bắt đầu làm thơ từ cuối năm 2013, khi đang là sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Ngay lần đầu đặt bút, cô đã xác định viết thơ chỉ để tặng những người lính đang đóng quân tại quần đảo Trường Sa.

Cô đến với thơ bằng tình yêu với người lính, “viết thơ vì thương lính, vì muốn có một chút gì đó để động viên họ, vì tin rằng thơ chính là con đường ngắn nhất, gần gũi nhất đến với người lính biển”, Viễn Hải thổ lộ. Viễn Hải thường xuyên trò chuyện qua điện thoại với những người lính ở Trường Sa, sau những câu chuyện xúc động về lính đảo của một người thầy từng khoác áo lính.

Sau gần 2 năm kể từ khi viết bài thơ đầu tiên, tháng 5-2015, Viễn Hải mới có dịp đặt chân lên quần đảo Trường Sa cùng với 9 thanh niên tiêu biểu khác trên khắp cả nước, trong hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2015”. Lần đầu đến với Trường Sa, nhưng trong tâm thức của Viễn Hải, cô coi đó là sự trở về, bởi Trường Sa quá thân thuộc  với cô qua câu chuyện của những người lính ngày đêm canh giữ biển trời.

Buổi đầu tiên Viễn Hải đọc thơ trên đảo chìm Đá Nam, giữa vòng tròn những anh lính trẻ, vừa đọc vừa khóc. Khóc không phải vì run, vì hồi hộp, mà vì thương bộ đội quá: “Em có biết lính đảo chìm khát khao/Có rau xanh trong bữa cơm hằng ngày/ Mỗi giọt nước nâng niu như giọt máu/Lính vẫn đứng canh giữ đảo đợi mưa/ Giữa biển trời thèm một tiếng gà trưa/ Để xua đi cái nắng vàng rát mặt/ Dẫu biển động gầm gào bao con sóng/ thì đảo chìm vẫn cứ đứng hiên ngang”…

Hai tháng sau chuyến đi, chùm thơ của Viễn Hải viết về người lính đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội, với: Chuyện tình Long Biên, Cây dâu đảo Lý Sơn, Giọt máu đào trên hải đồ Tổ Quốc.

Chia sẻ trải nghiệm về trại sáng tác vừa qua tại Đà Nẵng, Viễn Hải nói rằng, đó thực sự là trải nghiệm văn chương, trải nghiệm đáng nhớ về một vùng đất.  Cô đã có dịp đến thành phố biển này 3 lần, nhưng lần này mới là cơ hội để tìm hiểu, khám phá với những ấn tượng đặc biệt tốt đẹp.

15 ngày của trại viết chưa phải quá dài, nhưng đủ để cô nhận ra một điều: Đà Nẵng nói riêng, Khu 5 nói chung, thực sự là vùng đất lý tưởng cho những sáng tác văn học. Cô gặt hái một “gia tài” thơ kha khá sau chuyến đi với chùm thơ về quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Lý Sơn, Tây Nguyên... Trong đó, giàu có, tình cảm, đau đáu nhất vẫn là những vần thơ về người lính như: Đêm tháng ba, Dốc Biên phòng, Bình minh của lính Tàu ngầm, Bữa cơm tân binh, Áo hải quân của mẹ...

Những vần thơ của một người sáng tác trẻ, không qua trường lớp đào tạo bài bản như Viễn Hải hẳn sẽ không tránh khỏi những non nớt, vụng về, nhưng cô luôn tin rằng, nó sẽ chạm được đến trái tim của những người lính. Và với cô, đó chính là điều quan trọng nhất!

NGỌC DUNG

;
.
.
.
.
.