.

Vay nợ Ngân hàng Thế giới tăng trở lại

.

Số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, cách đây đúng 10 năm số tiền vay từ các nước đang phát triển (gồm các nước có thu nhập trung bình và thu nhập thấp) là 14 tỷ USD năm 2006. Thời điểm các nước đang phát triển cần vay tiền để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009 vào năm 2010 tăng vọt lên 44 tỷ USD.

Sau đó số tiền vay tụt xuống còn 15 tỷ USD vào năm 2013 vì cơ bản giải quyết được khó khăn. Tuy nhiên, khó khăn kinh tế toàn cầu đã buộc các nước đang phát triển “bấu víu” trở lại WB khi vay 23,5 tỷ USD trong năm 2015 và dự kiến tăng lên 25 tỷ USD trong năm 2016.

Giám đốc WB Jim Yong Kim nói “Nền kinh tế toàn cầu đang yếu nên WB phải đóng vai trò truyền thống là giúp đỡ các nước đang phát triển vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, mức vay hiện tại là chưa từng thấy nếu không tính tới cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trước đó”.

Fiji là một trong những nước vay WB trong năm 2015.
Fiji là một trong những nước vay WB trong năm 2015.

Các nước đang phát triển phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nguyên liệu nhưng gặp khó khăn trong hai năm qua vì kinh tế Trung Quốc suy giảm, dẫn tới sự tụt giảm trong chi phí dầu và kim loại công nghiệp. Vị Giám đốc Kim nói thêm rằng mục tiêu chấm dứt đói nghèo cùng cực vào năm 2030 sẽ không thể hoàn thành nếu như các nước đang phát triển không thể hồi phục kinh tế một cách nhanh chóng và bền vững.

Ngoài dự báo số tiền vay tăng lên 25 tỷ USD trong năm nay thì WB còn cho biết sẽ có một gói vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (do chính phủ các nước phương Tây chủ động nguồn tài chính) cho các nước kém phát triển nhất với mức vay cao kỷ lục. Ngoài ra, WB cho biết nhiều nước cần tư vấn kế hoạch phát triển, thay đổi chính sách ngày càng nhiều hơn. WB hướng tới việc cho vay nhằm phát triển đa dạng nguồn tăng trưởng cũng như cách đối phó nhẹ nhàng hơn với những cú sốc kinh tế bởi như thế mới không làm tổn thương người nghèo.

WB cảnh báo nguy cơ cản trở kinh tế do 3 yếu tố. Yếu tố đầu tiên như nói ở trên là giá cả hàng hóa, nguyên liệu giảm suốt 2 năm qua. Yếu tố thứ hai cũng đang khiến cả thế giới đau đầu là tình trạng hạn hán kéo dài ở nhiều nơi. Nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu chưa cho thấy những tín hiệu lạc quan. Yếu tố thứ ba là xung đột chính trị làm giảm đáng kể niềm tin của giới đầu tư, kinh doanh. Vay nợ từ WB chỉ có thể giải quyết được yếu tố thứ nhất và có thể ứng phó với sự thay đổi khí hậu nhưng vay nợ không thể giải quyết được xung đột chính trị. Như thế thì kinh tế sẽ không thể hồi phục và tình trạng vay nợ tiếp tục kéo dài và nhiều hơn.

ANH THƯ (Theo hãng tin CNBC)

;
.
.
.
.
.