.
TRUYỆN NGẮN

Phóng sinh

.

Khách du lịch khi đi qua đỉnh đèo Khán Sình không mấy ai mà không dừng lại bên đường, nơi chỉ có một dải đất đua ra ngoài, phía dưới là vực thẳm, trên này dựng mấy túp lều lúp xúp, tạm bợ. Trên những thanh xà buộc ngang giữa những cây cột lều, từng xâu chim rừng treo lủng lẳng. Đám trẻ con người Mông quần áo lấm lem, mặt mày xây xước vết gai cào, chúng mang những con chim hay chuột bẫy được đến tập trung ở đây.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Các lều phía trước mua bán tấp nập hơn, đã có khách chọn được vài xâu chim bỏ vào trong cốp ô-tô, ấy thế mà phía lều cuối cùng, thằng Sào vẫn đứng chắp tay sau đít, dưới chân nó là một chiếc lồng đan bằng tre nhỏ xíu, đủ để một mẹ và hai chú chim non xoay xở. Chẳng mấy người khách hỏi đến nhưng khuôn mặt Sào vẫn bình thản, kiên nhẫn chờ đợi.

Non trưa, bọn trẻ đã vãn dần. Bụng thằng Sào bắt đầu reo, khuôn mặt không còn tươi rói như lúc ban sáng nữa. May thay lúc ấy có ông khách dừng xe máy lại, đưa đôi mắt nâu liếc một vòng rồi dừng lại ở lồng chim của thằng Sào.

“Chim gì đấy?”.

“Cò lửa!”.

“Bọn này nướng thì ngon”.

Mắt thằng Sào hơi đỏ, nó cúi đầu. Ông khách nhấc lồng chim lên ngang mặt.

“Mấy nghìn?”.

“Một trăm cả lồng!”.

Ông khách không do dự rút tờ một trăm nghìn còn mới cóng dúi vào tay thằng Sào, rồi xách lồng chim lên treo vào xe, nổ máy xuôi xuống bên kia dốc.

Thằng Sào lủi thủi đi về, không quên xách cái chai qua nhà ông Lung mua rượu cho bố. Kiểu gì hôm nay nó chẳng được khen. Sào đang mải suy nghĩ xem chiều đặt bẫy ở đâu để bắt được chim bán ngày mai. Rừng xanh núi thẳm rộng mênh mông, chim chóc vô kể, nhưng người và bẫy thì cũng nhiều không kém, càng ngày chim rừng càng khôn lỏi, bay vào tít trong rừng sâu, cả một tiếng hót cũng hiếm. Bỗng nó nghe thấy tiếng “cục cục” gọi của chim mẹ, và tiếng “chíp chíp” của chim con. Sào mừng rơn khi đã xác định được âm thanh vui tai ấy ở ngay ven đường, nó khẽ nhấc chân di chuyển không để phát ra tiếng động, tay vạch từng bụi cỏ, và không thể tin vào mắt mình khi thấy ba mẹ con chim cò lửa mà Sào vừa bán cho ông khách khi nãy líu líu theo nhau tìm lối vào rừng.

Sào khẽ nhón chân, thật gần, thật gần, và “phụp” nó tóm ngọn đuôi của con chim mẹ trong tay. Hai chú chim con nháo nhác chạy tán loạn. Chim mẹ cố gắng hết sức giãy giụa hòng thoát khỏi đôi bàn tay đang siết chặt cổ nó thêm một lần nữa. Sào vừa giữ chặt chim mẹ, vừa đuổi theo chim con, chúng lập bập chạy, đầu dúi dụi vào những búi cỏ ven đường. Sào đưa tay toan tóm gọn cả hai nhưng bỗng nhiên tay nó bị đau như dao cắt, thì ra con mẹ vừa dùng cái mỏ nhọn hoắt mổ thật mạnh. Sào bị đau điếng người, nó đổi con chim mẹ sang tay bên kia rồi chùi vết máu vào vạt áo, quay lại thì không còn thấy hai con chim nhỏ đâu nữa. Cách đó không xa, cái lồng ban sáng đã bị bung cửa nằm chỏng trơ bên vệ đường.

Sào về nhà với chai rượu đầy cùng lồng chim lủng lẳng trên tay. Bố hôm nay thật lạ, không tóm lấy chai rượu trước mà lại tròn mắt nhìn lồng chim.

“Không ai mua à?”.

“Không, con khác!”.

Sào đặt chai rượu xuống gần chỗ bố, lủi thủi đi tìm sợi dây buộc chân con chim lại và nhốt vào cái chụp gà xuống ổ của mẹ, không quên đè một viên đá lên trên.

Đến chiều, Sào đang vắt chân trên phản, mắt lim dim thì tiếng của mẹ cằn nhằn ngoài sân bếp.

“Sào đâu? Sao lại nhốt chim ở đây? Có để mẹ xuống ổ gà không?”.

Sào quýnh quáng chạy ra, con chim mẹ nghe tiếng gà mái “quang quác” giữ con thì sợ hãi đâm đầu dúi dụi vào các mắt hở trên chiếc chụp gà, nó xòe cánh đập hết sức xuống đất, nhưng chân đã bị cuốn chặt bởi búi dây dù rối tinh. Sào kéo con chim ra, vào gác bếp rút một bông lúa tuốt vài hạt đặt trên bàn tay xòe ra trước mỏ chim mẹ nhưng nó không chịu ăn.

Sáng ngủ dậy, Sào hốt hoảng khi thấy bố ngồi ở cửa, tay bưng cái lồng ngang mặt như thể đang ước lượng đủ mấy miếng nhắm.

“Con này… tốt nướng…”.

Sào lấy lại lồng chim trong tay bố.

“Nướng thì bố nhịn rượu nhé!”.

Bố nó lừ mắt, nhưng đụng phải cái chai cạn giọt lăn lốc dưới nền nhà liền im bặt.

Sào nuốt vội miếng cơm nguội rồi xách lồng chim định đi ra cửa, nhưng nó chột dạ “chỉ có con chim mẹ thì chưa chắc khách du lịch đã trả nhiều như hôm qua, tiền ít mua một lần rượu đã hết, còn đâu để dành mua sách vở đi học nữa”. Sào ra sân bếp, đàn gà con vừa xuống ổ lông vàng óng líu ríu chạy xung quanh gà mẹ khiến nó nảy ra một ý định và tiến lại gần ổ gà. Nhìn thấy Sào, gà mái xù lông lên dọa nạt nhưng nó đã cúi xuống, nhanh tay tóm được hai chú gà con, mở cửa lồng ấn vào trong. Sào đi như chạy xuống đường mặc cho phía sau tiếng gà mái lục cục gọi con không ngớt.

Chim mẹ đang nằm bẹp một góc lồng bỗng đập cánh liên hồi khi hai chú gà con bị thả vào, nhưng rất nhanh nó đã nhận ra không phải con của mình nên lại thu đôi cánh lại. Trong khi đó, hai chú gà con hoảng loạn, chúng nép vào nhau mỗi khi chiếc lồng chòng chành lắc bên này, bên kia theo bước chân của Sào, chúng cũng nhận ra con chim kia không phải gà mẹ nên dạt hẳn sang một bên, mỗi lúc như thế Sào lại nghiêng lồng dồn hai chú gà con sát về phía chim mẹ.

Đám trẻ ồn ào xem chiến lợi phẩm của bạn, ai cũng kêu ca chim ngày càng hiếm vậy mà đứa nào cũng xách trên tay đến một vài con, chẳng biết chúng bẫy ở đâu, bằng cách nào lại được nhiều đến vậy. Thằng Ca ngó cái lồng chim của Sào bằng đôi mắt đầy xoi mói.

“Sao mày giỏi bắt được cả đàn thế?”

Sào im lặng, trong bụng nghĩ “thằng Ca không nhận ra đây là hai con gà con, khác hẳn với cò lửa hôm qua, nó mà biết kiểu gì cũng phá làm cho khách chê không mua của mình”. Sào liếc mắt đề phòng nhưng Ca đã về chỗ lều của nó, có người khách vừa đến mặc cả con gà rừng bị gãy một chân vì mắc cạm kiềng, Ca bán liền với giá tám mươi nghìn.

Đám bạn đã kéo nhau đi chợ gần hết. Sào luôn là một trong những đứa ở lại lều bán chim sau cùng, nó vẫn bình thản, kiên nhẫn chờ đợi. Rồi tiếng động cơ cũng ầm ào kéo đến, đoàn du lịch là những anh chị còn trẻ, chở nhau trên những chiếc xe máy được cắm lá cờ tam giác ở đầu. Các anh lái chưa kịp chống chân, tháo mũ bảo hiểm thì các chị gái đã líu ríu chạy đến xem bọn trẻ bán chim, giơ máy ảnh, điện thoại chụp nhoay nhoáy. Một chị mặc chiếc áo phông đỏ in hình ngôi sao vàng ở ngực ngồi thụp hẳn xuống bên cạnh lồng chim của Sào, đưa những ngón tay trắng nõn ra trêu chim mẹ và hai chú gà con.

“Eo ôi, thương chưa này…”.

Một chị khác cũng ào đến, rồi cả nhóm xúm xuýt lại xem cái lồng chim của Sào.

“Em bán bao nhiêu đây?”. Một anh đeo chiếc kính đen nhấc cái lồng lên hỏi Sào.

“Một trăm”. Sào nói nhỏ.

“Năm mươi nghìn nhé, anh mua để phóng sinh, là để thả cho bay đi ấy...”.

Sào thoáng bối rối, chẳng nhẽ con chim này có số được mua để thả hay sao? Nó đã thoát chết một lần với ông khách hôm qua rồi. Sào gật đầu đồng ý, và cố gắng nghĩ cách làm sao để đi theo sau biết các anh chị thả chim ở chỗ nào còn bắt về mai bán tiếp.

Mấy anh chị đoàn du lịch bằng xe máy ríu rít vây xung quanh người vừa mua được chim, họ thích thú ngắm nhìn, trêu chọc, quay phim, chụp ảnh, tranh luận, bình phẩm rôm rả quãng đường. Một anh có chòm râu rậm ở cằm tỏ vẻ am hiểu chim nói:

“Tớ đoán đây là chim chích chòe lửa, nhìn bộ lông của nó đỏ rực kìa”.

“Con này mà đem về thành phố thì chắc được cả củ đấy chẳng chơi”. Một anh khác phụ hoạ.

“Eo, giống gà con quá”. Chị có mái tóc vàng xuýt xoa mãi.

“Thương lắm, thả ra đi”.

“Ừ thì thả”. Anh đeo kính, cũng là người đã trả tiền chim đặt chiếc lồng xuống đất, khẽ rút những thanh nan chặn miệng chiếc lồng, một tay anh tóm lấy con chim mẹ kéo ra ngoài, bỗng nó đạp vào lòng bàn tay anh rồi xòe cánh loạng choạng bay xuống thung lũng trong tiếng reo hò của mọi người, một loáng đã mất dạng. Trong khi đó hai chú gà con vẫn còn đang lóng ngóng, không ngừng kêu.

“… Chiếp… chiếp…”.

“Ôi, nó bỏ con lại rồi”.

Các chị gái tíu tít nâng niu, truyền tay nhau hai chú gà con, không khỏi xuýt xoa thương hại bởi chúng bị chim mẹ bỏ rơi. Rồi họ thả chúng xuống phía dưới.

“Đó, mẹ chúng mày ở dưới đó, xuống mà tìm”.

Hai chú gà con được thả tự do vội lập bập chạy, chúng ngơ ngáo lẩn vào bụi cây ven đường.

Các anh chị không còn hứng thú với chim nữa, họ gọi nhau lên xe, đếm quân số và nổ máy đi tiếp, tiếng động cơ ầm ào suốt quãng đường dài.

Đợi cho tiếng xe máy im lặng hẳn Sào mới chạy vội ra phía bụi cây ven đường, nó vạch từng đám cỏ ra, hai chú gà con đang run rẩy đứng ép vào nhau. Sào tóm lấy chúng cho vào lồng và then cửa lại.

Chiếc lồng chim chòng chành theo bước chân người đi về, bên trong tiếng gà con “chiêm chiếp” không ngớt, chúng đang muốn được ủ ấm.

LÝ A KIỀU

;
.
.
.
.
.