.

Tản mạn với sông

.

Con đường làng, dọc theo phía bờ đông là cánh đồng rau xanh trải dài ngút ngát, phía bờ tây là dòng sông Cổ Cò dẫn vào tận chân núi Kim Sơn - Ngũ Hành Sơn, vốn từ lâu thân thiết với tôi như đường về quê nhà của mình.

Có lẽ đây là con đường làng, cho đến thời điểm này vẫn còn nguyên vẹn nhất nằm giữa các dự án đô thị đang mỗi ngày một nhanh chóng xóa dần hết các dấu vết làng quê ở vùng ngoại ô này. Vâng, nguyên vẹn con đường đất êm ái đôi bàn chân trần, nguyên vẹn cỏ non gờn gợn lao xao từng con sóng xanh gió lùa mát rượi, nguyên vẹn đàn bò thả rông nằm thảnh thơi nhai cỏ trên đường... Thi thoảng lắm mới có một vài chiếc xe máy cọc cạch của dân khu vực Sơn Thủy thu hoạch rau xanh trên cánh đồng chạy ra bán ngoài phố chợ quay về.

Hoàng hôn trên sông Cổ Cò. Ảnh: N.N.T
Hoàng hôn trên sông Cổ Cò. Ảnh: N.N.T

Đi trên con đường làng thưa thớt bóng người như thế này vào những hoàng hôn, lòng chẳng hoài cổ một chút nào, ta cũng có thể gặp lại bao nét dáng dấp quê xưa của mình. Quê xưa từ những đám khói dọn cỏ đốt đồng cay xè con mắt, từ đàn cò trắng bay về đậu bình yên trên bến bãi, quê xưa cho đến tiếng kêu bê bê của những chú bò con ham chơi lạc đường chạy đi tìm mẹ...

Một làng quê như thế, kể ra chẳng phải hiếm hoi gì ở các vùng nông thôn Hòa Vang, hoặc xa hơn nữa là Quảng Nam. Nhưng giữa phố phường hiện đại này, cọng khói đốt đồng ấy, bãi cỏ non xanh ấy..., là cái bóng râm thời gian tỏa mát cho mọi tâm hồn! Rất có thể đây là lý do cho loại hình du lịch homestay (ở nhà dân) ra đời.

Nếu là vậy, thì những làng quê xưa quả là mẫu số chung, quê chung cho mọi bước chân hành hương tìm về. Đấy là một nhu cầu thưởng ngoạn rất thực, hay nói cách khác là món ăn bổ dưỡng tinh thần  cho con người qua những chuyến đi xa.

Nhưng xưa nhất trong mọi cái xưa nơi đây chính là dòng sông Cổ Cò. Chả hiểu thế nào mà con sông suốt một quãng dài rộng ngang qua Sơn Thủy, dọc theo bên con đường làng bao bọc dưới chân ngọn Kim Sơn, tuồng như sông phớt lờ bao cuộc biển dâu bồi lấp đã xảy ra, mà mênh mông xanh thẳm mây trời in đáy nước! Theo sách Đại Nam nhất thống chí, thì dòng Lộ Cảnh Giang, tức sông Cổ Cò nằm cuối hai huyện Hòa Vang và Diên Phước.

Sông này từ xã Thanh Châu chảy ra phía bắc, đến phía tây núi Tam Thai (ngọn Thủy Sơn) thì nhập vào sông Cẩm Lệ. Từ thế kỷ 17 là thời huy hoàng giao thương buôn bán qua lại trên dòng sông. Thương nhân Nhật Bản, Trung Hoa đều sử dụng đường sông này. Đến cuối thế kỷ 19, sông Cổ Cò bị bồi lấp dần, các loại tàu thuyền không còn qua lại được nữa.

Ghi lại đôi nét mô tả về dòng sông Cổ Cò trong sách địa chí xưa, cũng là để liên tưởng đến dự án khơi thông dòng sông bây giờ. Đây là một dự án mà cả Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch tổng thể không gian kiến trúc ở hai bên bờ sông, và cùng hợp tác nạo vét khơi thông lại dòng chảy đã bồi lấp từ hơn thế kỷ nay.

Công trình dự tính khởi công từ đầu năm 2013, và hoàn thành vào cuối năm 2014, vậy nhưng cho đến bây giờ, vì những lý do nào đó dự án vẫn chưa thể thực hiện. Có lẽ nhờ vậy mà cánh đồng rau xanh kia và con đường quê dẫn vào Sơn Thủy này vẫn còn nguyên vẹn những nét quê, lặng lẽ chút cỏ nội hương đồng giữa lòng phố xá.

Nếu như việc khơi thông dòng sông Cổ Cò nối lại tuyến đường thủy Hội An - Đà Nẵng là ý tưởng lãng mạn hướng tới mục đích du lịch, thì việc tính toán khai thác quỹ đất hầu hết ở hai bên bờ sông, có khi là cách tính làm nghèo đi cái ý tưởng lãng mạn ấy. Dường như loại hình du lịch homestay lâu nay khá phổ biến với mọi nơi, nhưng lại thưa thớt đến là hoang vắng đối với Đà Nẵng.

Mà những thửa ruộng rau xanh ngút ngát, những thôn xóm yên bình bên sông, những con đường làng đẹp như cổ tích..., tất cả những nét quê hiếm hoi ấy mới có cái khả năng níu giữ bàn chân du khách lưu lại. Du lịch homestay là loại hình du lịch cùng ăn ở, sinh hoạt, tìm hiểu văn hóa bản địa, làng nghề, ẩm thực, và những khám phá mới. Có thể nói nơi đây, dòng sông Cổ Cò vừa là cổ sử, vừa mới mẻ khai thông, cùng với làng quê xanh ngát đôi bờ - cái đảo xanh giữa phố phường tấp nập, chính là sự độc đáo mới lạ tưởng như hiếm nơi nào có được.

Có vẻ như tôi đã đi lạc vào một lĩnh vực không lấy gì làm kinh nghiệm, hay là con sông Cổ Cò này dạy tôi cách nhìn lãng mạn như thế. Nhưng điều này là có thực, với tôi dòng sông này còn là dòng sông lễ hội. Đã bao lần Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn là bấy nhiêu lần tôi ngập ngụa cùng hoa đăng trôi bồng bềnh ánh sáng trên sông.

Một thứ ánh sáng không lộng lẫy ánh điện như trên sông Hàn, mà từng chùm từng mảng gió lùa bập bùng trôi trên sông vắng như soi rọi một quê xứ siêu hình lẩn khuất bóng trăm năm. Không biết những nhà làm du lịch có nghe ra tiếng thời gian nơi đây, một thứ âm thanh lặng thầm mà hiển thị bằng sự chuyển dịch, góp cho đời sống một sự tĩnh lặng, để hiểu ra, ngộ ra những cuộc tuần hoàn của biển lấp non dời .

NGUYỄN NHÃ TIÊN

;
.
.
.
.
.