.

Sống giữa yêu thương

.

Trên những con đường ở thành phố Đà Nẵng, không khó để nhìn thấy hình ảnh những người khuyết tật (NKT) bán vé số. Đó cũng là nghề mà nhiều NKT lựa chọn để tự nuôi sống bản thân mình.

 Ông Lê Văn Long (bên phải) và hai người khuyết tật khác đang tập trung nhận vé số tại đại lý trên đường Lê Độ. Ảnh: T.Y
Ông Lê Văn Long (bên phải) và hai người khuyết tật khác đang tập trung nhận vé số tại đại lý trên đường Lê Độ. Ảnh: T.Y

Tờ vé số mở con đường sống

Chúng tôi gặp anh Phan Chính (1968), thôn Tịnh Đông Tây, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam một chiều đầu tháng tư khi anh cùng vợ miệt mài vòng xe lăn trên đường Lê Độ. Giữa nắng chiều gay gắt, thỉnh thoảng người phụ nữ với tay lấy chiếc khăn lau những giọt mồ hôi chảy ròng trên khuôn mặt chồng. Nhìn cách chị chăm sóc chồng, không ít người cảm động bởi từ lâu anh Chính không thể tự chăm sóc bản thân mình.

Từng là một chàng trai khỏe mạnh, lớn lên lấy vợ, sinh con, Phan Chính đâu ngờ tai họa ập đến khiến cơ thể anh suốt đời tàn phế. Gần 20 năm trước, tai nạn giao thông khiến bàn chân bên phải của anh dập nát phải tháo các khớp ngón chân. Giữa cuộc sống bộn bề khó khăn, cộng chút chủ quan trong khâu chăm sóc, sát trùng, vết thương không những không lành mà còn lở loét nhiều hơn.

Trước sức khỏe ngày một suy yếu, vợ chồng anh quyết định khăn gói ra Bệnh viện Đà Nẵng điều trị. Tại đây, anh được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh viêm tắc động mạch cần đưa gấp vào Bệnh viện Chợ Rẫy chữa chạy nếu không muốn ảnh hưởng đến phần thân thể còn lại.

Sau nhiều đêm trằn trọc nghĩ suy, vợ anh quyết định về quê rao bán ruộng vườn, vay mượn thêm bà con hàng xóm hàng chục triệu đồng làm lộ phí đưa chồng vào Sài Gòn. Gần 2 năm nơi đất khách,  phải trải qua nhiều lần cắt bỏ ống chân phải, anh và vợ trở về quê hương lo làm lụng trả nợ, nuôi con.

Về nhà chưa lâu, trong một lần đi làm đồng, chân trái của anh vô tình đạp phải tăm xe đạp dẫn đến viêm nhiễm nặng. Mang sẵn căn bệnh viêm tắc động mạch, bàn chân ấy cũng lần lượt bị cưa từng đoạn nhỏ. Cứ thế, căn bệnh quái ác cũng lấy đi của anh đôi bàn tay. “Nhẩm tính, đến thời điểm này, tôi phải trải qua gần 100 lần cưa tay và chân lên quá gối. Đau đớn, tủi phận khiến tôi chẳng muốn về quê mà ở lại Đà Nẵng mưu sinh bằng nghề bán vé số”, anh Chính tâm sự.

Nghề bán vé số đến với vợ chồng Phan Chính giữa lúc anh đang nằm viện điều trị. Tiền không có, một người phụ nữ thương tình nhận giúp vé số từ đại lý về cho anh bán quanh khu vực bệnh viện. Từ khi có nghề mới, có đồng ra đồng vào, phụ được vợ con, anh quyết “bám” nghề, bất kể nắng mưa.

Ngày làm việc của anh chị bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng, rong ruổi các con đường ở khu vực quận Thanh Khê đến 16 giờ 30 về đại lý trả vé cũ, nhận vé mới và tiếp tục đi bán đến 22 giờ khuya. Ròng rã một ngày dài, đến bữa bạ đâu ăn đó. Khi thì đĩa cơm bình dân, khi thì ổ bánh mì lót dạ. Có hôm đẩy xe lăn một quãng đường dài không có quán cà-phê cóc nào để ghé xin uống nước, miệng khát khô nhưng vợ chồng tiếc tiền không dám mua chai nước.

Chị Nguyễn Thị Bích Loan - vợ anh, nói trời nắng tuy vất vả nhưng không bằng lúc trời mưa lớn. Nước mưa tạt vô mặt, vô người, biết anh ướt át khó chịu nhưng không thể cứ dừng giữa đường để lau mặt giúp chồng. Tằn tiện, chắt bóp, thu nhập cũng chỉ dừng lại ở con số trên dưới 100.000 đồng mỗi ngày. Có hôm ế ẩm, cả ngày bán được vài trăm vé, thu nhập chỉ 50.000 đồng. Nhiều lúc thấy chồng đi bán cực quá, nói anh nghỉ, nhưng anh nhất quyết không chịu vì muốn phụ vợ kiếm tiền trả nợ, nuôi con và để dành trang trải viện phí cho những lần anh nằm viện.

Anh Phan Chính nhận quà Tết từ những nhà hảo tâm.
Anh Phan Chính nhận quà Tết từ những nhà hảo tâm.

Chồng là chân, vợ là mắt

Nếu vợ chồng Phan Chính là hiện thân của sự bền bỉ thì vợ chồng Đặng Thị Vân (quê Hà Tây) và Triệu Sinh Hùng (quê Phú Thọ) lại khiến người ta cảm động vì duyên phận đã kết nối hai con người tật nguyền và tạo nên cái kết đẹp như một giấc mơ.

Căn phòng trọ rộng chừng 10m2 nằm trên con hẻm sát đường ray xe lửa ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê chỉ đủ kê một chiếc giường, vài ba dụng cụ nấu bếp cùng chiếc bàn con cho con gái Triệu Vy. Chị Vân cho biết, đây là nơi vợ chồng chị tá túc suốt 10 năm khi rời quê vào Đà Nẵng sinh sống.

Bị bại liệt từ khi mới lọt lòng, gia đình nghèo khó không đủ điều kiện đưa chị đi chữa trị. Cứ thế, chị lớn lên như cây cỏ dại, lặng lẽ nhìn bạn bè cùng trang lứa cắp sách đến trường, gặp gỡ yêu đương. Ngoài 20 tuổi, chị được gia đình đưa đến Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề nhân đạo ở Hà Nội học nghề. Tại đây, chị gặp Hùng, một chàng trai khiếm thị hiền lành, chịu thương chịu khó.

Xa nhà, hai con người khiếm khuyết dễ dàng tìm được sự đồng cảm, sẻ chia, những rung động đầu đời và tình yêu nảy nở lúc nào không hay.

Ngày cả hai quyết định lấy nhau, anh chị gặp sự phản đối của gia đình đôi bên bởi “đứa mù, đứa què, sống với nhau làm gì mà ăn, lấy gì mà sống”.

Trước sự phản đối của gia đình, Vân và Hùng quyết định “trốn” vào Đà Nẵng sinh sống bằng nghề bán vé số. Năm 2005, tình yêu của họ kết trái ngọt, một cô con gái chào đời lành lặn, xinh tươi. Từ ngày có con, mong muốn lo cho con được cuộc sống đủ đầy, vợ chồng chị càng cố gắng bươn chải với nghề.
Mỗi ngày, sau khi đưa con đến trường, chị Vân chở chồng trên chiếc xe 3 bánh rong ruổi trên những con đường quen thuộc. Khi dừng xe, chồng cõng vợ trên lưng mời khách mua vé số. Cứ thế, chị làm đôi mắt cho chồng, và chồng trở thành đôi chân cho vợ, tạo thành hai mảnh ghép số phận lồng vào nhau, hài hòa, trọn vẹn.

Dẫu kiếm lãi trên từng tờ vé số, nhưng vợ chồng chị Vân chưa bao giờ ngửa tay xin tiền khách. Thậm chí có những khách mua một trả mười, anh chị cũng khéo léo từ chối và rút đủ tờ vé số tương đương với số tiền khách trả. Chị bảo, dù biết khách thương mới cho thêm tiền nhưng mình còn khỏe, còn làm ăn được thì không cớ gì ngửa tay xin tiền mọi người.

Trò chuyện với chúng tôi, chị kể về mình thì ít mà nhắc đến con gái Triệu Vy thì nhiều. Bởi với anh chị, cô con gái xinh xắn, học giỏi, ngoan hiền ấy chính là động lực để cả hai cố gắng hơn nữa trên bước đường mưu sinh.

Của ít lòng nhiều

Trên những con đường ở thành phố Đà Nẵng, không khó để nhìn thấy hình ảnh những NKT bán vé số. Đó cũng là nghề mà đa số NKT lựa chọn để tự nuôi sống bản thân mình.

Ông Lê Văn Long (72 tuổi) cụt 2 chân, từ Đại Lộc ra Đà Nẵng mưu sinh 5 năm nay. Trước đó, khi còn khỏe mạnh, ông bán tại Sài Gòn. Từ khi ra Đà Nẵng, ông Long cùng rất nhiều NKT khác sinh sống tại phòng trọ miễn phí ở địa chỉ 380/8 Đống Đa. Đây là nơi đại lý vé số tạo điều kiện cho những người như ông nương tựa vào nhau sinh sống.

Ở xóm trọ ấy, mỗi người một thương tật, một hoàn cảnh khác nhau nhưng giống nhau ở gia cảnh nghèo khó. Ông bảo, nhờ tình thương và sự quan tâm chia sẻ của mọi người, cuộc mưu sinh của ông đỡ phần cơ cực. Đi bán, chỉ cần mỗi người “ủng hộ” vài tờ, của ít lòng nhiều cũng giúp thu nhập của ông ổn định.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở Đà Nẵng có gần chục đại lý xây nhà trọ miễn phí cho người già, NKT bán vé số. Sau một ngày mưu sinh vất vả, họ vui vẻ trở về với những dãy nhà trọ, gặp lại những con người “giống” mình và có hoàn cảnh như mình.

Đơn cử như khu nhà trọ miễn phí mà vợ chồng Vân – Hùng đang sinh sống là của bà Phan Thị Dung (57 tuổi) ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê. Nhiều năm nay, bà Dung đối đãi với NKT bán vé số như người nhà. Từng bươn chải bên xấp vé số rồi nhờ dành dụm, gom góp mà mở được một đại lý vé số ngay tại nhà, bà Dung hiểu được sự cơ cực của NKT khi làm nghề này. Đó là từng vòng xe mệt mỏi, nhễ nhại mồ hôi, là nỗi lo khi cuối ngày mà vé còn nặng trĩu đôi tay, là nhẫn nại trên đường, mời gọi người mua ủng hộ tấm vé cuối cùng. Công việc ấy bữa đắt bữa ế, nếu lo thêm tiền thuê phòng trọ, chắc chắn sẽ khó lòng vun vén.

Chính tình thương và lòng trắc ẩn giúp bà quyết tâm dành tiền xây dãy trọ 20 phòng cho khoảng 60 NKT bán vé số xa nhà tá túc. Nhiều trường hợp khó khăn, đau ốm bất ngờ, tiền không có, bà sẵn sàng cho họ lấy vé trả góp để tiếp tục cuộc mưu sinh. Những dịp lễ, Tết, bà Dung liên lạc với đội, nhóm từ thiện, nói về hoàn cảnh của họ để giúp NKT bán vé số có thêm những phần quà Tết đầy ý nghĩa, thân tình.

Có thể nói, tờ vé số bé nhỏ không giúp NKT thay đổi vận may cuộc đời nhưng là “phương tiện” để họ bám vào và lao động như một người lành lặn. Và ở đó, họ tìm thấy tình yêu và niềm tin vào cuộc sống nhờ sự quan tâm, chia sẻ của mọi người.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.