.

Sánh bước bên nhau

.

Sự tương trợ dành cho người khuyết tật (NKT) đang được xem xét dưới một cụm từ khác mang tên đồng hành, nhằm giúp NKT có được các kỹ năng, sự tự tin để tồn tại và vươn lên trong xã hội, thay vì lâu nay họ thụ động nhận được những gì mà xã hội “ban tặng”. Để giúp NKT sống bình thường và trọn vẹn như bao người khác, gia đình chính là điểm tựa giúp họ hòa nhập cộng đồng tốt nhất.

Giờ học thể dục của học sinh Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: H.N
Giờ học thể dục của học sinh Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: H.N

Bố mẹ truyền cho tôi nghị lực

Anh N.Đ.V (ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), nhân viên một công ty tin học mỗi ngày đi làm trên chiếc xe lăn. V. bị bại liệt từ khi lên 2 tuổi và gắn cuộc đời mình trên đôi nạng gỗ và chiếc xe lăn gần 30 năm qua. V. cho biết, từ khi rời quê ở Hiệp Đức, Quảng Nam ra Đà Nẵng học đại học và 3 năm nay đi làm, chưa bao giờ V. cảm thấy mình bị hạn chế trong việc học cũng như tiếp xúc xã hội vì mình không được lành lặn như người khác.

V. nhớ lại: 7 tuổi tôi mới vào lớp 1, dù tôi đã biết đọc, biết viết, do mẹ dạy. Mẹ tôi là giáo viên. Khi tôi bị một trận sốt, co giật, rồi liệt hai chân, mẹ tôi đã xin nghỉ dạy ở nhà để lo cho tôi. Tôi chỉ có thể nói, cười và khóc, vì chân của mẹ là chân tôi, tay của mẹ là tay tôi dù tay tôi không bị liệt, vẫn có thể xúc cơm ăn, rửa mặt, nhưng mẹ giành lấy để làm hộ. Hồi nhỏ tôi gần như không có bạn. Mấy đứa bạn hàng xóm chỉ đến chơi một lúc rồi về vì tôi không chạy nhảy khắp nơi như chúng được.

Mẹ lại không cho tôi đi đâu, lúc nào bà cũng sợ tôi vấp té dù tôi có chân mới là đôi nạng gỗ. Đến khi tôi đi học, mẹ chở tôi đến trường, chưa đến giờ về đã thấy bà dựng sẵn xe trước cửa lớp. Sau đó hình như ba tôi và cô giáo nói chuyện với mẹ sao đó, mà chừng một năm sau mẹ tôi xin đi dạy trở lại, bà vẫn đưa đón tôi đến trường hằng ngày nhưng “đỡ” làm hộ tôi nhiều việc.

Khoảng năm tôi học lớp 4 thì mọi việc mới khác đi. Đó là sau khi mẹ tôi ra Đà Nẵng 3 ngày để dự một lớp tập huấn. Tôi thấy mẹ vui vẻ, nói cười nhiều, mẹ yêu cầu tôi và em gái chia nhau làm việc nhà, điều mà trước đây tôi chưa bao giờ được phép làm, vì ai cũng làm hộ tôi. Đến khi tôi học lên cao thì mẹ khuyến khích tôi chơi cờ, làm quen với máy vi tính.

Hồi trước ở quê mà mua được bộ máy vi tính là “xa xỉ” lắm, thế mà bố mẹ đầu tư hẳn cho tôi một bộ máy khi tôi học năm lớp 9. Mẹ hướng cho tôi học ngành toán-tin từ hồi đó. Trước khi ra Đà Nẵng học đại học, mẹ nói với tôi nhiều điều, và kết một câu làm tôi nhớ đến giờ: “giờ ba mẹ thả con ra được rồi!”. Tôi nghĩ mình có nhiều nghị lực để sống và làm việc như bao người bình thường là nhờ bố mẹ tin tưởng, không coi con là người không làm được gì.

Giờ V. sống cùng em gái trong một căn hộ chung cư giá rẻ do bố mẹ chắt bóp, vay mượn mua được. Em gái V. học đại học. Buổi nào đi làm về sớm thì V. nấu ăn, dọn nhà. V. khoe tiền lương của mình đã có thể cho em tiền đóng học phí, đỡ một phần cho bố mẹ ở quê.

Từ câu chuyện của V., tôi nhớ một bà mẹ có con mắc chứng tự kỷ đã tâm sự trong nước mắt: nếu em buông tay, con em có thể vào trại tâm thần. Nên ngoài giờ làm, em theo sát con trong việc học, cho con học chơi cầu lông, cho con đi học vẽ, bày cho con làm việc nhà, chơi với em. Nói chung là em hướng dẫn con mọi thứ, để con tự làm mọi việc khi không có mẹ ở bên.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, không phải tất cả NKT đều không có khả năng lao động. Nguyên nhân chính hạn chế họ không tìm được việc làm (đúng hơn là không thể tìm được việc làm) là do quan niệm của xã hội đã tạo ra những rào cản tâm lý, tác động vào mọi người và chính NKT. Giải thể thao dành cho NKT Para Games ở khu vực và thế giới cho người xem thấy  hình ảnh xúc động của những vận động viên khuyết tật. Ngoài những kỷ lục thể thao được xác lập, mỗi một vận động viên thể hiện nghị lực phi thường, vượt lên số phận.

Para Games cho thấy mỗi NKT là một thành viên của xã hội, hòa nhập vào xã hội, cống hiến và hưởng thụ một cách bình đẳng như những thành viên khác. N.Đ.V. cho rằng mình có thể xa nhà đi học đại học 5 năm, ra trường tự kiếm việc làm, mình có nghị lực, có bản lĩnh là nhờ bố mẹ truyền cho sự tự tin và “phớt lờ” những ánh mắt thương cảm không đáng có.

Giúp con đứng vững trong cuộc đời

Theo bác sĩ CKI Trần Thị Hải Vân, Trưởng khoa Tâm thần trẻ em-Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, sau 10 năm thành lập, khoa ban đầu điều trị bệnh nhân thần kinh, tâm thần và tâm lý cho trẻ em với khoảng vài chục em, năm 2015 tăng lên gần 350 em với nhiều bệnh lý, trong đó có bệnh tự kỷ.

Cũng trong năm 2015, Khoa tiến hành đề tài nghiên cứu “Khảo sát tình hình sức khỏe tâm thần và kỹ năng chăm sóc trẻ tự kỷ của phụ huynh có con bị bệnh tự kỷ đến khám tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng” cho thấy: có 94,3% phụ huynh đưa trẻ đi can thiệp và chữa trị khi phát hiện bệnh; trong đó có 85,5% đến khám điều trị tại bệnh viện. “Đa số trẻ tự kỷ khi được xác định bệnh đều được cha mẹ cho đi can thiệp. Như vậy có thể thấy đa số phụ huynh quan tâm tới con em mình và mong muốn có cơ hội tiếp xúc và giáo dục trẻ nhiều hơn. Đây là yếu tố thuận lợi để giúp trẻ tự kỷ có cơ hội học thêm nhiều kỹ năng hơn. Với trẻ khuyết tật thì sự rèn luyện phục hồi chức năng phải mọi lúc mọi nơi, giúp trẻ đạt được một số kỹ năng trong cuộc sống nhằm phần nào đó các cháu tự phục vụ chăm sóc bản thân và hòa nhập cộng đồng”, bác sĩ Hải Vân nhấn mạnh.

Cô Đỗ Thị Đỗ Quyên, Hiệu trưởng Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu cho biết, năm 1992, khi mới thành lập, trường có vài chục học sinh, nay có 200 em học tại trường, thầy cô nhà trường hỗ trợ dạy cho 60 em học hòa nhập với đủ các dạng tật như mù, chậm phát triển, tự kỷ, khiếm thính, bại não. Chính sự can thiệp của giáo dục sớm giúp nhiều em được tiếp cận với tri thức, kỹ năng, có thể tự phục vụ bản thân và không còn là “người bỏ đi” khi không may bị khuyết tật. Như số lượng trẻ mù hiện nay ít lại do được phát hiện và can thiệp sớm (trẻ nhìn kém vẫn học chữ bình thường bằng thiết bị phóng đại, đây là phương pháp tối ưu để phát huy hết khả năng còn lại của mắt).

Hiện trường có 50 em tham gia lớp Kỹ năng sống (học cách tự vệ sinh, mặc áo quần…). Nhiều em được học các nghề làm hương, thủ công mỹ nghệ, làm chìa khóa. Các trường học trên địa bàn đều nhận trẻ khuyết tật vào học hòa nhập. Nhờ sự giúp sức rất lớn từ phía gia đình, hầu hết trẻ khuyết tật đều được học chữ, học nghề phù hợp với khả năng các em, học cách tự chăm sóc bản thân vì phụ huynh biết họ không thể ở cả đời bên con.

Theo bác sĩ Lê Văn Sơn, phụ trách khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đà Nẵng, thì y học phát triển giúp giảm hậu quả khuyết tật, giúp NKT hòa nhập cộng đồng, có cơ hội có cuộc sống tốt hơn.

Nếu ai đó còn coi NKT khác mình là còn có sự dị biệt, còn đối xử khác. Cho nên gia đình và xã hội cùng giúp NKT nắm vững các kỹ năng sống, được đào tạo để có công việc phù hợp với sức khỏe và dạng tật. Và điều quan trọng nhất là cần phải chuyển từ vai trò “người bảo trợ” sang “người đồng hành”; giúp NKT chuyển từ tâm lý tự ti, thụ động sang thế chủ động, hòa nhập, lúc đó NKT đứng trong cuộc đời như những người bình thường khác, vững vàng trên đôi chân của mình bằng cách riêng của họ.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.