.

Muốn thả học sinh xuống nước thì phải dạy bơi

.

Ngoài kiến thức, tâm lý và kỹ năng làm bài trong kỳ thi quyết định không nhỏ đến kết quả thi cử của thí sinh. Với quan điểm “muốn thả HS xuống nước thì phải dạy các em bơi thật tốt”, các trường THPT, ngoài cung cấp kiến thức, còn giúp HS chuẩn bị tốt về tâm lý cho một kỳ thi nghiêm túc, đánh giá đúng năng lực học tập, không hy vọng vào các yếu tố may mắn thông qua các kỳ thi thử.

Để HS và phụ huynh nắm được quy chế thi THPT quốc gia 2016 cũng như quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ, Ban Giám hiệu (BGH) Trường THPT Nguyễn Trãi yêu cầu giáo viên nắm kỹ các văn bản của Bộ GD&ĐT để có thể giải thích cặn kẽ với phụ huynh “mới cái gì, không mới cái gì”.

“Công tác truyền đạt cũng rất quan trọng. Cứ cái gì mới thì thường người tiếp nhận sẽ có tâm lý phản ứng. Nhưng một khi có đầy đủ thông tin, không bị mơ hồ thì phụ huynh và HS sẽ hết hoang mang, lo lắng”, thầy Nguyễn Thành Lễ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi chia sẻ.

Các trường THPT trên địa bàn Đà Nẵng đều phổ biến đến phụ huynh lịch ôn thi, số điện thoại của thầy cô giáo của các bộ môn… Nhà trường yêu cầu sự hỗ trợ của phụ huynh như: chăm sóc sức khỏe cho con mình, quản lý giờ giấc, lịch học và đặc biệt là không nên gây sức ép tâm lý quá lớn cho các em.

BGH các trường đều có cùng quan điểm rằng, sự hỗ trợ của phụ huynh đối với nhà trường trong quá trình ôn thi là rất quan trọng. Cô Lê Thị Tuyết Hồng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền cho rằng: “Chỉ đơn cử như cha mẹ chịu khó làm thức ăn nhẹ, cùng thức khuya với con trong lúc ôn thi, dò bài giúp con đối với những môn xã hội… sẽ có ý nghĩa động viên các em rất lớn”.

Với quan điểm muốn thả HS xuống nước thì phải dạy các em bơi thật tốt, nhiều trường THPT như Nguyễn Trãi, Nguyễn Hiền, Trần Phú… đã tổ chức cho HS thi thử.

Trong những buổi phổ biến quy chế thi, nhiều giáo viên nhắc nhở rất chân tình: Thời gian làm bài thi với những môn thi trắc nghiệm là không nhiều, chính vì vậy, các em phải tận dụng hết thời gian để làm bài. Có những thí sinh cứ xin ra ngoài đi vệ sinh liên tục.

Thực tế là các em đau đầu, đau bụng do căng thẳng, nên tâm lý phải ổn định. Thời gian làm bài thi là điểm hội tụ bao nhiêu cố gắng, nỗ lực của suốt cả một quá trình học tập, chính vì vậy, phải có sự kiểm soát tối đa để tập trung vào bài thi. Hay nhiều cán bộ coi thi nhắc nhở thí sinh: “Kiến thức nằm ở trong đầu các em chứ không phải nằm ở bài thi của bạn ngồi bên cạnh”.

Theo TS tâm lý Đinh Phương Duy, người nhiều năm trước cùng đi tư vấn tuyển sinh với báo Tuổi trẻ, thì nguyên nhân của sự mất bình tĩnh thường là do chuẩn bị chưa kỹ trước khi đi thi. Nếu chuẩn bị kỹ sẽ không có áp lực đó. “Các em phải tập cho mình một suy nghĩ, kỳ thi ĐH, CĐ là một cuộc sàng lọc, nên đi thi là một chuyện và kết quả là chuyện khác; chúng ta hãy cứ ôn thi thật tốt, làm bài hết khả năng của mình và chấp nhận kết quả có được.

Chúng ta đơn giản chuẩn bị tốt để không bị “khớp” với các bạn bè khác. Cứ nghĩ mình không tệ, mình còn hơn nhiều bạn trong lớp, nên cứ vậy tâm lý sẽ qua. Nên có một vài phút bình tĩnh, hít thở sâu, chuẩn bị vài cây kẹo ngậm, nhắc mình đừng mất bình tĩnh và chất đường cũng giúp mình bình tĩnh hơn”.

HÀ TRẦN

;
.
.
.
.
.