.

Đối diện với khó khăn

.

Có 4.500 người khuyết tật (NKT) được hưởng trợ cấp hiện đang sinh sống ở huyện Hòa Vang. Đời sống vật chất và cả tinh thần của NKT nơi đây còn chịu nhiều thiệt thòi so với NKT ở nội thành.

Với đôi chân tật nguyền, hằng ngày chị Xí vẫn 3 lượt vào nội thành chở nước cơm và trên môi chị luôn nở nụ cười lạc quan.
Với đôi chân tật nguyền, hằng ngày chị Xí vẫn 3 lượt vào nội thành chở nước cơm và trên môi chị luôn nở nụ cười lạc quan.

“Không cười thì răng sống được”

Chúng tôi tìm đến nhà anh Ngô Văn Quý (thôn Quan Nam 1, xã Hòa Liên) khi anh đang say sưa bên cây cọ vẽ. Ông Ngô Y – cha anh đang tưới rau ở mảnh vườn trước nhà, thi thoảng nhìn về phía con nhắc chừng: “Làm một chút nữa rồi nghỉ nghe con”. Suốt 30 năm qua, ông vẫn dõi theo và nhắc nhở con mình như thế.

Năm 15 tuổi, một cơn sốt quái ác đã cướp đi của anh đôi chân. Nhiều năm liền, sống chìm trong tuyệt vọng, một lần, thấy đứa cháu loay hoay mãi không vẽ được bài mỹ thuật, anh chợt nói: “Đưa đây chú vẽ cho”. Từ đó, anh mạnh dạn nhận vẽ tranh minh họa cho bài giảng của các cô giáo mầm non, tiểu học ở gần nhà để kiếm thêm thu nhập.

Ngoài hội họa, anh Quý thích đàn, hát, tham gia các hoạt động tập thể. Đã rất lâu rồi anh không có cơ hội ra thành phố, thỉnh thoảng nghe đài biết thành phố giờ đổi thay, hiện đại từng ngày, anh mừng mà tủi. “Tôi nghe người ta kể, NKT ở thành phố có cơ hội tham gia vào các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ; được gặp các đoàn bác sĩ, doanh nghiệp trợ giúp NKT mà ước ao”, anh nói.

Trên đường đến nhà chị Xí (thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu), tôi được biết, chị bị khuyết tật đôi chân, là mẹ đơn thân nuôi 4 con nhỏ, nguồn thu nhập có được từ nguồn chăn nuôi nhỏ tại nhà. Người phụ nữ bất hạnh này không u buồn mà nụ cười lạc quan luôn thường trực trên môi. Chị Nguyễn Thị Đăng, Chủ tịch Hội NKT huyện nói vui: “Khổ mấy cũng cứ cười thôi chị Xí hỉ”, chị Xí đáp lời: “Ừ, không cười răng sống nổi em”.

Nhưng, dù mạnh mẽ đến đâu, chị Xí cũng không ngăn được những lúc chạnh lòng, buồn tủi. Là NKT nặng, được hưởng BHYT, nhưng chưa một lần chị “dám” đến bệnh viện huyện hay các bệnh viện lớn để khám. Chị ngại đường xa, sợ cảnh chen lấn, chờ đợi rồi tái khám. Trở trời, có đau lắm chị chỉ ra trạm y tế xã lấy thuốc mà thôi. Vậy mà, hoạt động nào của Hội NKT huyện chị cũng tham gia bởi theo chị, “NKT cần lắm sự gặp gỡ, sẻ chia. Những buổi sinh hoạt là liều thuốc tinh thần giúp chúng tôi vượt qua nỗi đau về thể chất”.

Trường hợp của anh Quý, chị Xí cũng như nhiều NKT nông thôn khác của huyện Hòa Vang. Dù còn chịu quá nhiều thiệt thòi, nhưng họ vẫn tin yêu cuộc sống. Anh Quý tìm thấy niềm vui bên những nét vẽ, sắc màu. Chị Xí “tập” cho mình suy nghĩ lạc quan để “đương đầu” với cuộc đời.

Tìm thấy niềm vui bên cây cọ, màu vẽ, kiếm sống được từ nó, mỗi ngày trôi qua với anh Quý đều là những ngày có ích. Ảnh: Q.T
Tìm thấy niềm vui bên cây cọ, màu vẽ, kiếm sống được từ nó, mỗi ngày trôi qua với anh Quý đều là những ngày có ích. Ảnh: Q.T

Khó tiếp cận dịch vụ y tế

Hiện nay, NKT được nhận hỗ trợ kinh phí hằng tháng từ Nhà nước cho các mức khuyết tật khác nhau; được cấp miễn phí thẻ BHYT; được hưởng các chương trình từ thiện; được khám, chữa bệnh, tư vấn về chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, một số NKT nặng có gia đình khó khăn ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận với việc chăm sóc sức khỏe rất hạn chế; các cơ sở y tế chưa chủ động hỗ trợ họ và họ cũng không có điều kiện để đến với cơ sở y tế. Anh Quý kể, đã 30 năm nay, ngoài lần nằm viện do sốt teo cơ, anh chưa từng tiếp cận được bệnh viện lớn. Anh đắn đo bởi đường sá xa xôi, phương tiện không thuận lợi: đi xe ôm thì không ngồi được, đi taxi thì không có tiền. Nếu có đến được bệnh viện thì anh cũng cần có người bồng bế mới vào khám được. “Thủ tục” rắc rối nên nhiều năm nay, mỗi khi đau ốm, anh chỉ ra trạm y tế gần nhà lấy thuốc.

Ông Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang cho biết, hiện nay, công tác chăm sóc sức khỏe cho NKT chưa có quy định cụ thể để NKT có thể tiếp cận dịch vụ hỗ trợ tại nhà một cách thường xuyên do nhiều yếu tố như địa bàn dân cư rộng và cách xa các cơ sở y tế; chính sách y tế cho NKT chưa nhiều; kinh phí dành cho chương trình chăm sóc sức khỏe NKT tại cộng đồng chưa có hoặc được dự án hỗ trợ nhưng không nhiều so với nhu cầu của địa bàn.

Thực tế, sức khỏe NKT yếu hơn người bình thường, chưa kể những lúc ốm đau, bất tiện trong việc di chuyển. Ðối với NKT ở khu vực xa bệnh viện, trạm y tế thì việc tiếp cận dịch vụ của BHYT lại càng khó khăn hơn. Theo số liệu từ Phòng LĐ-TB&XH huyện Hòa Vang, số NKT được hưởng trợ cấp BHYT là 1.904 người (trong đó, 1.856 NKT nặng và 48 NKT là trẻ em).

Ngành y tế huyện có nhiều nỗ lực trong nâng cao chăm sóc sức khỏe cho NKT, nhưng việc triển khai còn nhiều bất cập do thiếu nhân lực và kinh phí hoạt động. Bên cạnh đó, hệ thống mạng lưới phục hồi chức năng mỏng, thiếu cán bộ; mô hình tổ chức các cơ sở phục hồi chức năng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Các dịch vụ chăm sóc y tế tại cộng đồng và trạm y tế xã còn thiếu so với nhu cầu thực tế của NKT nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc phòng ngừa, phát hiện, can thiệp sớm và phục hồi chức năng cho NKT.

NKT ở nông thôn còn khó có cơ hội gặp gỡ những đoàn bác sĩ tình nguyện đến từ nước ngoài. Các đoàn này thường hỗ trợ chuyên môn, phẫu thuật miễn phí… ở các bệnh viện lớn của thành phố. Chị Nguyễn Thị Đăng tâm sự, “chưa đến nỗi là “khỉ ho cò gáy” nhưng thực sự rất hiếm đoàn nào đến thăm chúng tôi. Những câu chuyện có anh/chị nào đó khuyết tật chân/tay/mắt/tai… được bác sĩ nước ngoài phẫu thuật thành công mà chúng tôi được nghe kể toàn từ các thành phố lớn”.

Nan giải trong giải quyết việc làm

Vấn đề mấu chốt giúp NKT có thể hòa nhập cộng đồng chính là tạo việc làm cho họ. Nhưng hiện nay không ít doanh nghiệp hoặc cá nhân không chịu nhận NKT vào làm việc dẫn đến tỷ lệ NKT thất nghiệp còn cao. Chị Nguyễn Thị Đăng ngậm ngùi chia sẻ, nhiều lần đọc thông tin tuyển dụng lao động là NKT của các doanh nghiệp trên truyền hình, chị vận động anh chị em đến tham gia. Mọi người háo hức đến sớm xếp hàng chờ phỏng vấn nhưng hầu như chẳng ai được nhận.

Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện Hòa Vang, cả huyện có 2.650 NKT, trong đó có 1.856 người đang hưởng trợ cấp xã hội; chỉ 3 người có trình độ cao đẳng, đại học, 10 người THPT, còn lại chỉ dừng ở mức biết đọc, biết viết. Số lượng NKT đông, trình độ học vấn thấp, dẫn đến tình trạng rất khó kiếm việc làm cho đối tượng này. Tỷ lệ có việc làm chỉ khoảng 30%,  tập trung ở các ngành nghề nông nghiệp, chăn nuôi ở gia đình và buôn bán nhỏ.

Ông Đặng Thập, Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Hòa Vang nhìn nhận, trong giai đoạn hiện nay, vấn đề việc làm cho người bình thường đã khó, nên việc giải quyết việc làm cho NKT là rất khó khăn. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi tiếp nhận lao động là NKT chưa thực sự hiệu quả; mặt khác lực lượng lao động bình thường vẫn còn thừa nên việc khuyến khích doanh nghiệp nhận lao động là NKT không dễ.

Ông Đặng Thập cho biết thêm, sắp tới, để giải quyết vấn đề khó khăn này, phòng LĐ-TB&XH huyện sẽ thông qua các hội chợ việc làm để kêu gọi các doanh nghiệp có chính sách tiếp nhận lao động là NKT đủ điều kiện làm việc tại doanh nghiệp; song song đó là tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành GD-ĐT thực hiện các chính sách trợ giúp để trẻ khuyết tật có điều kiện tiếp cận giáo dục một cách tốt nhất.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.