.

Đánh mất thời gian

.

Mỗi con người đều có quỹ thời gian giống nhau nhưng không phải ai cũng sử dụng tốt quỹ thời gian của mình để làm những điều có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Nhiều quán cà-phê ở Đà Nẵng vẫn đông khách vào giờ hành chính. Ảnh: T.Y
Nhiều quán cà-phê ở Đà Nẵng vẫn đông khách vào giờ hành chính. Ảnh: T.Y

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Sương vì trăn trở, day dứt với vấn đề xã hội này đã thức trắng nhiều đêm xâm nhập vào thế giới “game thủ” để viết nên “Đệ nhất game thủ” mà ở đó, nhân vật Thắng vì suốt ngày chơi và nghĩ về game đến nỗi “chẳng có gì gần gũi thân thuộc với mình ngoài game.

Vi tính nhà game, ngoài ngõ game, cổng trường cũng quán game. Sáng game, chiều game, trốn học game, ra chơi cũng game. Vào game thì máy bay, xe tăng, súng ống, ngựa nghẽo đều của mình, không mất công chăm sóc nuôi nấng mà tha hồ điều khiển. C

on chó Sumo trong trò “Săn tìm và hủy diệt” cực kỳ thông minh, mấy lần mình thua nó. Nếu bài văn thi về game thì mình đệ nhất… trạng nguyên ngay”. Và, cái giá mà Thắng phải trả sau chuỗi ngày miệt mài “cày game” là kết quả học hành sa sút, là tự kỷ ám thị, tâm thần phân liệt phải bỏ học để nhập viện điều trị.

Nữ nhà văn cho biết, trong quá trình xâm nhập tìm kiếm tư liệu sáng tác, chị thấy nhiều game thủ - phần lớn là học sinh, sinh viên - bỏ giờ lên lớp chỉ để “ngồi đồng” trước màn hình máy vi tính vì những trò chơi như League of Legends (Liên minh huyền thoại), Teen Teen, Fifa online 2, Thiện nữ u hồn 2, Đột kích, Tiếu ngạo giang hồ, Thiên long bát bộ…

Bác sĩ Trần Thiện Thanh, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến triệu chứng mất ngủ là người bệnh “không chịu ngủ”. Từ việc lãng phí thời gian vào những trò vô bổ, mang nặng tính giải trí như đọc truyện trực tuyến, chơi game, vào mạng xã hội, uống cà-phê tùy hứng, vui chơi hát hò khiến họ không còn đủ thời gian đảm bảo cho mình một giấc ngủ sâu và đủ giấc. Từ những thói quen tưởng chừng như “vô hại” này dẫn đến cảm giác lừ đừ, mệt mỏi, dễ cáu giận, nóng nảy, thiếu tập trung trong công việc lẫn trong học tập.

Tiêu tốn một nguồn năng lượng trẻ

Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Đà Nẵng với thanh niên do Sở Nội vụ và Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp tổ chức sáng 23-3, khi đề cập đến vấn đề “Vai trò và trách nhiệm của thanh niên trong phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ tỏ ra trăn trở khi kể trên đường đi làm, ông thường thấy thanh niên ngồi rất đông ở quán cà-phê, không chỉ thứ bảy, chủ nhật mà cả trong giờ hành chính.

“Thật phung phí nếu các bạn trẻ đem thời kỳ vàng son của phát triển thể lực, trí lực, tích lũy kinh nghiệm, hình thành nên những nhân cách mạnh mẽ cho sau này trở thành những ông chủ để tiêu tốn, để đốt suốt cả ngày trong các quán cà-phê hay vào các hình thức giải trí vô bổ. Đúng là hiểm họa cho đất nước khi tiêu tốn một nguồn năng lượng trẻ mà ở những nước khác họ sẽ sáng tạo ra vô vàn giá trị, trong khi ở ta thì đốt hết vào các quán xá”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nói.

Bên cạnh đó, thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết, dù tỷ lệ thất nghiệp thành thị giảm từ 4,5% năm 2010 xuống còn 4,15% năm 2015, nhưng để phấn đấu đến năm 2020 giảm xuống dưới 3% đòi hỏi nỗ lực không chỉ đến từ chính quyền mà đến từ chính người lao động.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí tại cuộc đối thoại trên cũng chỉ ra thực tế nhiều thanh niên thất nghiệp nhưng không chịu đi kiếm việc, không chịu học hành, bổ sung kiến thức, kỹ năng để có việc làm ổn định mà lại tụ tập nhiều ở các tụ điểm, dễ dẫn đến tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Theo ông, lãnh đạo thành phố đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để phát triển kinh tế, tạo ra nhiều công việc làm với nhiều ngành nghề khác nhau.

Tuy nhiên, bản thân thanh niên cần phải học, trước hết là học văn hóa để có trình độ nhất định, sau đó là học nghề thì mới có việc làm chứ không chịu học, ngồi mãi ở quán cà-phê thì làm sao có được việc làm tốt.

Trong khi nhiều học sinh, sinh viên đang đốt thời gian vào game, mạng xã hội hay quán cà-phê, quán nhậu thì nhiều công chức trẻ lại nói rằng, với họ, quỹ thời gian trong ngày vừa thừa, vừa thiếu. Sẽ thừa khi làm những công việc được cơ quan giao khoán, nhưng sẽ thật thiếu nếu họ muốn làm thêm một việc gì khác để kiếm thêm thu nhập hoặc học tập bổ sung kiến thức.

Chị Nguyễn Thị Thu, công tác ở một cơ quan Nhà nước trên địa bàn thành phố cho biết, công việc của chị thường rơi vào những thời điểm nhất định. Có khi bận không ngẩng đầu lên được, nhưng cũng có khi rảnh chẳng biết làm gì. Thời gian rảnh ở cơ quan, chị dành cho việc lướt mạng, đọc báo, trò chuyện trên mạng xã hội, tìm kiếm thông tin trên các trang mua bán trực tuyến, săn giá rẻ mà ít để tâm bổ sung kiến thức, nâng cao tay nghề hoặc học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, người đi trước vì “công việc dễ, quen thuộc, có gì đâu phải học”.

Trong cuộc sống hiện nay, không khó nhìn thấy cảnh lắm người lãng phí thời gian với chiếc điện thoại đa chức năng của mình. Cả khi đang ăn tối với gia đình vẫn miệt mài nhắn tin, tìm kiếm trên Internet hoặc vào facebook mà không biết rằng như thế là đã phí phạm thời gian có ý nghĩa mà lẽ ra nên dành cho những người thân yêu của mình.

Thời gian qua, đã có rất nhiều bài báo đề cập đến thực trạng xã hội này và điều mọi người đặt ra là thành phố sẽ có những giải pháp gì để thanh niên bớt hư hỏng, biết sử dụng quỹ thời gian có ích hơn. Trong các buổi đối thoại, lãnh đạo thành phố đã hứa sẽ tạo ra nhiều không gian thay thế quán nhậu như xây dựng con đường sách, không gian cà-phê sách, xây dựng công viên kết hợp phòng đọc sách... để mời gọi thanh niên tới đọc và trao đổi những việc ích nước lợi nhà, bàn việc khởi nghiệp hay chuyện làm ăn...

Bí thư Quận Đoàn Hải Châu Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng, thanh niên tập trung quá đông ở những hàng quán chính là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực, như cá độ bóng đá, cờ bạc... Tuy nhiên, để giảm bớt thực trạng này là điều vô cùng khó, bởi nó đến từ công tác giáo dục, ý thức lẫn trách nhiệm xã hội của bản thân mỗi người. Bởi, chắc gì thanh niên khi đến quán cà-phê sách đã đọc sách và đến trung tâm bóng đá chỉ để chơi thể thao. Đó cũng chính là những nút thắt bắt buộc toàn xã hội phải cùng chung tay tháo gỡ.

Theo tính toán của các nhà khoa học, con người sống 90 năm thì hết 30 năm dành cho việc ngủ. Thế nhưng có không ít người lại “chi” thêm thời gian để làm những việc không nên làm, ăn không ngồi rồi vì không biết làm gì hoặc lười biếng lao động. Thực tế này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà đang diễn ra khắp nơi trên thế giới. Bậc thầy văn học Pháp, tác giả tuyệt phẩm nổi tiếng “Nhà thờ Đức Bà Paris” Victor Hugo đã phải thốt lên “Cuộc đời đã ngắn ngủi như vậy mà chúng ta còn rút ngắn nó thêm khi lãng phí thời gian” để phần nào nói lên thực tế đau lòng ấy.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.