.

Chiếc áo Tết của mẹ

.

Trong allbum ảnh của gia đình, có một tấm ảnh duy nhất tôi mặc chiếc áo đầm thun màu trắng, ngay ngực áo có thêu hình hai đứa trẻ, một trai, một gái cầm chung chùm bong bóng bay. Ảnh đó chụp Tết năm mẹ tôi đang mang bầu em trai út. Trong tấm ảnh, có luôn con chó Lu, dù nó bị khuất phía sau, nhưng vẫn nhìn thấy hai chân sau và cái đuôi nó cong tít.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chiếc đầm thun trắng nhỏ xíu của tôi, mẹ vẫn còn cất trong bao đồ cũ. Gần ba mươi năm đã trôi qua, tôi vẫn nhớ buổi sáng chụp hình hôm đó. Mẹ tôi hẹn chú Vinh từ trước, sáng mồng hai Tết, chú mang máy ảnh đến nhà, ăn kẹo uống trà xong, chú xếp ba mẹ và ba anh em tôi đứng giữa hiên nhà, bên cây cột gỗ rồi hô một, hai, ba. Đó dường như là tấm ảnh màu đầu tiên mà tôi có. Giữa thời đói ăn, ba mẹ tôi chắc phải chắt chiu lắm mới chụp được một tấm ảnh màu cho cả gia đình.

Đó là năm không hiểu vì sao, giá lúa gạo tăng cả chục lần, lương tháng của ba mẹ tôi cộng lại mua chỉ vừa đủ một ang rưỡi gạo. Cơm trắng lấy đâu ra mà ăn, trộn sắn, ghế khoai là chuyện đương nhiên. Có khi bữa ăn của ba mẹ chỉ toàn là sắn luộc, cơm trắng nhường cho bà nội và anh em tôi.

Mẹ nói, bây giờ cứ mỗi lần ngửi thấy mùi sắn luộc là mẹ lại rùng mình. Thế nhưng, giữa cảnh khốn khó ấy, tôi vẫn có một chiếc đầm để mặc Tết. Ngày ấy, mẹ còn ngồi khâu tay để may áo quần cho anh em tôi. Chiếc đầm trắng ấy, không biết mẹ tự may hay mua từ Đà Nẵng về. Nó là niềm tự hào của tôi, vì cả xóm không đứa nào có cả.

Tôi mặc nó, đi dọc đường làng, dắt theo bé Nhỏ cũng diện đồ thật bảnh, đi xuống nhà người bạn cùng lớp chơi. Dưới rặng tre xanh rì, vì mỏi chân, hai chị em tôi ngồi bệt trên bãi cỏ một lát rồi lại bò dậy đi tiếp. Đi chưa đến nơi, đói bụng và khát nước quá, đành dắt nhau về. Nắng Tết hanh hanh, chị em tôi lại đi đầu trần, may mà chưa ốm lăn ra. Nội bảo, mới đầu năm đã để cho con bệnh nó chui vô người thì coi như cả năm đó, bệnh nó đi theo mình suốt thôi.

Tôi thường không nhớ nhiều về những ngày Tết với bánh mứt, với phong bao lì xì, Tết của tôi luôn là những ngày trước đó, nôn nao đợi chờ và càng gần Tết càng mong Tết cứ ở xa xa. Thế nhưng, in đậm trong tâm trí tôi là một buổi nắng Tết, mẹ chở tôi trên chiếc xe đạp dàn đầm màu xanh rêu của mình, đến nhà một người bà con ở xã dưới, phải qua một lần đò.

Khi mẹ đạp xe đến đoạn cánh đồng lúa đang mơn mởn xanh, tôi chợt thấy yêu vô cùng màu nắng quê hương. Gió rì rào làm cánh đồng gợn lên những làn sóng nhỏ, tôi ngồi sau xe, nghe mùi của mẹ thơm bay trong gió mát lành, tôi thấy mình thật hạnh phúc, dẫu ý niệm về hạnh phúc của một đứa trẻ vừa biết chữ thật mơ hồ.

Ngồi sau nên không nhìn thấy gương mặt mẹ, tôi vẫn cảm nhận được mẹ tôi như bỗng trẻ hẳn ra, thư thái lạ thường, không còn vẻ tất tả, vội vàng của mẹ hằng ngày. Cả hương thơm từ người mẹ cũng nhẹ nhàng làm sao.

Tôi không bao giờ nhớ, mẹ mặc gì vào những ngày Tết tôi còn bé. Trong tấm ảnh màu đầu tiên của gia đình ấy, mẹ mặc một chiếc áo sơ-mi, tóc mẹ uốn xoăn, rất ngắn. Tóc mẹ rất thưa, khi túm lại không được ngón tay cái.

Những tấm ảnh Tết sau này, mẹ cũng đều mặc áo sơ-mi. Mẹ luôn mặc áo sơ-mi đi dạy, áo Tết cũng là áo để mặc đến trường. Áo quần của mẹ, luôn được ủi phẳng phiu bằng chiếc bàn ủi con gà bà ngoại cho mang theo ngày mẹ lên nhận công tác nơi núi rừng heo hút. Áo sơ-mi của mẹ, thường màu trắng hoặc kem, chỉ một vài chiếc có hoa văn, màu rất nhã.

Năm ấy, tôi học lớp bốn, cũng qua thời mẹ phải vất vả khâu tay. Quê tôi, các tiệm may cũng đông khách lắm, lại đang có mode may áo nữ bằng vải xốp, màu rất tươi, ai cũng chuộng. Hầu như các cô giáo của tôi đều có một vài chiếc áo màu sắc rực rỡ. Tháng mười một, mẹ dẫn hai chị em tôi đến quán may chị Nguyệt để may đồ Tết.

Không giống mọi năm chỉ may quần xanh áo trắng, mẹ chọn thêm cho hai chị em tôi một xấp vải kate màu hồng, và nói chị Nguyệt may cho mỗi đứa một chiếc áo thật nổi bật. Đến lượt chọn vải cho mình, mẹ cứ ngắm nghía mãi tấm vải xốp, cũng màu hồng, nhưng nhạt hơn và sáng hơn màu vải của hai chị em tôi một tí. Rồi cuối cùng, mẹ nói với chị Nguyệt: “Thôi, áo sơ-mi cô có nhiều rồi!”. Lúc đó, ngây ngô, chúng tôi đâu biết, mẹ đã dằn lại giấc mơ hồng của mình để nhường cho chị em tôi những niềm vui tuổi nhỏ sáng tươi.

Có phải vì thế không, vì một giấc mơ hồng bỏ lỡ của mẹ, mà mỗi khi nhìn thấy một vạt, hay thậm chí một chấm hồng sáng lên đâu đó là tôi như đang bay giữa miền kí ức mông lung, không định hình rõ ràng là cảm giác gì, nhưng rất dằng dai. Có phải vì thế không, cứ mỗi độ Tết ngấp nghé ngoài ngõ phố, tôi lại nhớ mồn một từng tấm ảnh Tết của gia đình. Dù năm có, năm không, nhưng những tấm ảnh Tết là thứ vô giá của gia đình tôi. Và quanh nó, có biết bao câu chuyện, mà có thể mỗi người trong gia đình lại nhớ theo một cách khác nhau.

Với riêng tôi, cứ mỗi lần trong đầu hiện lên những tấm ảnh Tết, tôi lại nghĩ đến những chiếc áo Tết của mẹ. Tôi nghĩ đến giấc mơ màu hồng vỗ về mẹ qua ngày tháng cơ hàn. Tôi nghĩ về hàng ngàn giấc mơ khác của mẹ, những giấc mơ mà vì anh em chúng tôi, mẹ đã phải lặng lẽ cất đi.

Tôi nghĩ, những giấc mơ ấy, hẳn sẽ rất lộng lẫy. Nhưng mẹ, đã chọn cho mình sự lộng lẫy của chúng tôi, những đứa con đã nhận từ mẹ tất cả những gì tuyệt vời nhất trên đời.

NGÔ THỊ THỤC TRANG

;
.
.
.
.
.