.

Tự hào dáng phố

.

Biểu tượng của Đà Nẵng có hình núi Non Nước (nhiều huyền tích) và cầu Sông Hàn (nhiều kỳ tích). Với quận Ngũ Hành Sơn, từ cán bộ đến người dân, khi tự hào đeo biểu tượng có hình năm ngọn núi quê mình trên ngực, sẽ nỗ lực phấn đấu xây dựng quận nhà thành một đô thị văn hóa, văn minh và phát triển bền vững nơi đông nam thành phố.

Bãi giữ xe tạm số 2 sẽ đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Bính Thân để giảm ùn tắc giao thông, giữ mỹ quan đô thị tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Trong ảnh: Bãi đỗ xe số 1 đã quá tải. Ảnh: V.P.Q
Bãi giữ xe tạm số 2 sẽ đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Bính Thân để giảm ùn tắc giao thông, giữ mỹ quan đô thị tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Trong ảnh: Bãi đỗ xe số 1 đã quá tải. Ảnh: V.P.Q

Với phân nửa dân số từ quê “lên” phố, Ngũ Hành Sơn là quận có xuất phát điểm thấp hơn so với các quận, huyện khác của thành phố Đà Nẵng. Chánh văn phòng UBND quận Ngô Mai nêu ví dụ như Tân Trà, An Nông cách đây chục năm là các khu vực nghèo nhất phường Hòa Hải, không có một ngôi nhà tầng. Đất rộng nhưng chỉ cát và cát. Vườn tược chủ yếu trồng cây ăn quả, ruộng đồng khá nhiều nhưng bạc màu, liên tiếp đối mặt với thiên tai, hết lũ lụt đến hạn hán…

Nếp sống thị dân

Thế rồi, cuộc chỉnh trang đô thị trên diện rộng ở Hòa Hải đã biến làng quê Tân Trà, An Nông thành một khu đô thị khang trang, đường phố được đầu tư thảm nhựa, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng phục vụ nhân dân và có khoảng 90% nhà dân được xây dựng kiên cố, hiện đại.

Hơn 10 năm trước, người viết từng theo chân ông Nguyễn Hòa, lúc đó là Chủ tịch UBND phường Hòa Quý, đến thăm cánh đồng Khái Tây mấy chục héc-ta lúa cháy khô vì hạn hán. Đời sống người dân của phường nghèo nhất quận này phần lớn dựa vào cây lúa nên hộ đói, nghèo ngày đó chiếm tỷ lệ khá cao.

Giờ quay lại, cánh đồng ngày nào giờ nhà cửa san sát mọc lên, đưa những thửa ruộng khô hạn cùng với những cảnh đời cơ cực vào quá khứ. Hòa Quý đã hình thành những khu đô thị mới sầm uất, người dân từ đó dần được thoát nghèo; các sinh hoạt văn hóa truyền thông đã dần được khôi phục, như Hội làng Khuê Đông.

Từ vùng đất nông nghiệp manh mún, nhà cửa cũ kỹ, đường sá nắng bụi mưa lầy, các dự án đầu tư xây dựng của thành phố đã, đang và sẽ làm cho người dân nơi đây “đổi đời”.

Nhìn lại những đổi thay của Hòa Hải, Hòa Quý thời gian qua, ông Mai không khỏi tự hào: “Chính nhờ vậy, nếp sống, nếp nghĩ của người dân cũng dần thay đổi để thích ứng với nếp sống của một phường đô thị như ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, tuân thủ luật lệ về trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa giao tiếp ứng xử văn minh nơi công cộng, văn minh thương mại…”.

Văn hóa, văn minh đô thị

Chỉ thị 43-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” đã tác động mạnh mẽ và làm chuyển biến tích cực suy nghĩ cũng như hành động của công dân Ngũ Hành Sơn.

Với một nơi mà hằng năm có gần triệu lượt khách đến thăm như Ngũ Hành Sơn, hiện tượng quảng cáo, rao vặt sai quy định tràn lan là một hành vi phản cảm sau hành vi đeo bám, chèo kéo khách và lang thang xin ăn.

Theo số liệu của Văn phòng UBND quận, cơ quan chức năng đã thống kê được 67 số điện thoại với 8.700 mẫu quảng cáo, rao vặt sai quy định trên địa bàn quận; từ đó, kiến nghị Sở Thông tin và Truyền thông thành phố có ý kiến với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cắt số vĩnh viễn, không cho phép phục hồi.

Để hạn chế, giảm thiểu các hành vi dễ làm “mất lòng” du khách nói trên, ông Lê Quang Tươi, Trưởng ban Quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn cho biết đơn vị đã cho lắp đặt thêm tại các điểm bán vé các sơ đồ tham quan, niêm yết giá vé, thời gian làm việc và hai số điện thoại đường dây nóng (0913.423.176 – 0905.449.837),…

Trong bảng nội quy tham quan, đơn vị lưu ý du khách không viết, vẽ, khắc chữ lên vách đá, văn bia và có ý thức trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường…

Đường Huyền Trân Công Chúa giờ đã mở rộng, nâng cấp với dáng vẻ văn minh, sạch đẹp. Trên tuyến đường độc đạo dẫn vào khu danh thắng Ngũ Hành Sơn này, UBND quận đã cho thành lập thêm 2 trạm gác tạm và lắp đặt 3 camera để giám sát các hành vi bu bám, chèo kéo khách.

Bên cạnh đó, quận đã đề nghị thành phố hỗ trợ 950 triệu đồng đầu tư xây dựng thêm bãi giữ xe tạm số 2 tại phía đông đường Huyền Trân Công Chúa để giảm ùn tắc giao thông tại khu danh thắng trong dịp lễ, Tết và các tháng cao điểm, dự kiến đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Bính Thân này.

“Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” đã hình thành nên nhiều mô hình hay, việc làm tốt với sự hưởng ứng tích cực của người dân trên địa bàn quận và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị toàn quận. Biểu tượng Đà Nẵng có hình núi Non Nước (nhiều huyền tích) và cầu Sông Hàn (nhiều kỳ tích) đã theo chân con người đi khắp mọi miền đất nước và ra cả thế giới.

Một do thiên nhiên ban tặng, một do con người tạo tác; một lồng lộng mây trời, một lung linh sông nước... Khi mang biểu tượng trên ngực, công dân trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn sẽ nỗ lực phấn đấu hơn nữa nhằm xây dựng quận nhà thành một đô thị văn hóa, văn minh và phát triển bền vững nơi cửa ngõ đông nam thành phố.

3 giải pháp vì môi trường du lịch văn minh, thân thiện

Tại buổi gặp mặt, đối thoại lần thứ tư với 27 người có hành vi đeo bám, chèo kéo khách tại Khu Du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn diễn ra hôm 28-12-2015, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã đề ra 3 giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng đeo bám, chèo kéo khách: hỗ trợ việc làm, vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, bố trí ki-ốt kinh doanh.

Buổi đối thoại đã tìm được tiếng nói chung, lãnh đạo địa phương tìm ra những giải pháp phù hợp nhất đảm bảo quyền lợi của người dân. Về phía mình, 27 phụ nữ làm nghề “cò” khách cam kết sẽ lựa chọn 1 trong 3 giải pháp nói trên để ổn định cuộc sống.

Theo số liệu của Văn phòng UBND quận, nhóm phụ nữ “cò” khách tại khu danh thắng đã giảm từ 320 người xuống còn 190 người vào năm 2010; đến cuối năm 2015 còn 27 người. Năm 2016, với việc chuyển đổi ngành nghề của 27 phụ nữ này, Ngũ Hành Sơn sẽ chấm dứt hẳn hành vi đeo bám, góp phần xây dựng môi trường du lịch thân thiện, văn minh.

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.