.

Nhiêu khê họ của người Chăm

.

Trong nỗi hào hứng hiếm có, anh trí thức nông dân Qua Đình Lan trong buổi tối mưa khá nặng hạt ở giấc tàn của buổi tiệc nhà quê đất Tuy Phong cho rằng, dứt khoát cái “họ” của người Chăm đi theo đường trôn ốc uốn lượn, gẫy gập khó lường, nhưng không thể không lý giải được.

Người nữ Cham Islam và Cham Bà-ni. Ảnh: INRASARA
Người nữ Cham Islam và Cham Bà-ni. Ảnh: INRASARA

 Anh nói: - Chăm có họ đâu nào! Nữ là “Mư”, nam thì cứ “Ja” mà kêu. Kêu vậy, sao mà làm khai sanh cơ chứ. Thế là các quan nhà Nguyễn bày ra cái họ cho Chăm. Cùng “họ” với người Kinh thì không được. Vậy đào đâu ra đây? À, đây rồi. Cứ lấy họ Tàu mà định. Nhưng không thể sao y bản chánh được, mà phải làm khác đi. Ngưng lấy hơi, sau khi hớp ngụm bia 333, anh tiếp:

- “Đào” thành “Đạo”, “Trương” thành “Trượng”, “Lã” thành “La”… cứ thế… cứ thế…

Nữ thi sĩ Kiều Maily nghe mà cứ há hốc mồm, như thể đây là lần đầu trong đời mình biết nỗi lạ đời như thế.

- Thế họ “Kiều” của em thì sao? - Nữ thi sĩ hỏi.

- Nó từ “Cao”. “Cao” đọc theo âm Hán là “Kiêu”. “Kiêu” thêm dấu huyền thành “Kiều”. Cậu thư kí cứ ghi khai sanh nó họ “Kiều” cho ta…

Maily ngẩng ra mà cười. Tôi cười theo. Vợ chồng nghệ sĩ (cũng nông dân) Qua Thị Hồng Loan - Chế Quốc Minh được một bữa cười no. Tôi thấy đây là một phát hiện cực độc, rất đáng cho các nhà nghiên cứu dân tộc học tham khảo. Chương “Nhà đại cố vấn họ Cao” trong Chân dung Cát năm 2006, tôi viết:

“Anh tên khai sinh Kiều Xuân Hoang, sau thương cô gái Kinh ở Phan Thiết lấy dao lam cạo thẻ căn cước thành Kiêu. Nhưng Kiêu (ai lại họ Kiêu) thấy phát âm chậm và lạ tai nên bạn bè tiện thể gọi luôn Cao Xuân Hoang cho trót”.

Trước kia, tôi chắc mẩm các biến thái của “họ” Chăm xuất phát từ mặc cảm Chàm, chứ không ngược lại - khởi động từ chính mặc cảm Việt.

- Siêu! - Tôi nói với Qua Đình Lan.

“Họ” của người Chăm là đối tượng ngành dân tộc học rất đáng để tâm nghiên cứu, thế mà đến hôm nay vẫn chưa có một luận án sáng giá nào về đề tài này. Bài viết “Tìm hiểu về họ của người Cham” của Chế Vỹ Tân (Tagalau, 2004, tr. 109-110), chỉ như một gợi ý.

Hỏi các cụ có học về “họ” Cham, các vị cứ mơ mơ hồ hồ. Các vua chúa Champa, hết Indra đến Jaya, hết Çri đến Pudra… thêm mấy hậu tố varman nữa. Chúng cứ xa vời vợi với những Lâm, Phú, Đàng, Hứa, v.v… hiện tại. Chẳng biết đâu là đâu.

Thử xem họ xưa của các vua Champa có gì. INDRA như Indravarman, còn INRA là biến thái của INDRA như Inra Patra, nhân vật chính trong Akayet Inra Patra. JAYA như Jaya Sinhavarma, ÇRI thì Çri Satiavarman, MAHA có Maha Vijaya, rồi RUDRA là Rudravarman, PUDRA: Pudravarman. Tất cả đều vay mượn từ tiếng Sanscrit, có mặt trên bi kí, hoàn toàn xa lạ với dân Chăm Pangdurangga.

Ngày nay, các họ này vẫn còn được một số người xài lại, như một cách hoài niệm thời huy hoàng. Jaya Mrang, Jaya Panrang; Inrasara; Pudradang. Người Tàu chép sử có liên quan đến Champa thì tất cả thành CHẾ / (có lẽ do Cri): Chế Mân, Chế Củ, Chế Bồng Nga. Hôm nay ta có: Chế Quốc Minh, Chế Lan Viên, Chế Linh, Chế Lưu Phương, Chế Mỹ Lan…

Rồi ONG hay Ông. Ông tiếng Chăm là Ong hay Aung, Ung, là một trong bốn dòng tộc nổi tiếng của Chăm. Họ “Ông” có từ thời Nhà Lý (và chỉ có từ thời này), khi 5.000 (năm 1044) và 50.000 (năm 1069) tù binh Cham bị Nhà Lý bắt ra Bắc. Đa phần các tù binh này lấy vợ Việt lai giống làm thành họ “Ông”. Gia phả dòng họ Ông thuộc Cẩm Lệ, một quận của thành phố Đà Nẵng mà thủy tổ là Ông Lý Trai có từ đời Nhà Lý đến nay là 41 đời. Ông Ích Khiêm, Ông Ích Đường là các nhân vật trong lịch sử cận đại Việt Nam. Hôm nay là nhà văn Ông Văn Tùng.

MA có lẽ phiên âm từ MAHA. Người Chăm ngày nay không còn dùng họ Ông và Ma đặt tên họ cho mình nữa, trong khi TRÀ / (có lẽ do từ Jaya mà ra) như Trà Toàn, Trà Hòa Bố Đế, lại rất phổ biến. Ở Quảng Nam có tộc Trà vẫn còn giữ sinh hoạt dòng tộc. Họ luôn nhận mình là Cham: Trà Công Tân, Trà Toại. Còn ở Ninh Thuận, người viết Chăm vẫn thích dùng Trà làm “họ” bút danh: Trà Ma Hani.

Theo Nguyễn Văn Luận trong cuốn Người Chàm Hồi giáo miền Tây Nam phần Việt Nam (NXB Giáo dục và Thanh niên, Sài Gòn 1974, tr. 116), bốn họ Ông, Ma, Trà, Chế chỉ dành cho vua, dân chúng thì không được. Vậy mà trong thực tế vẫn có người dùng “họ” này làm khai sinh hay bút hiệu.

Vua chúa là vậy, còn quần chúng Chăm thì cứ đặt JA (nam) hay(nữ) trước cái tên, hệt VĂN hay THỊ bên Việt, là xong. Tất cả, không phân biệt, cho đến khi thành người lớn, xây dựng gia đình hay có vai vế trong xã hội, họ mới được gọi theo vai vế hay chức danh.

Có lẽ ngày xưa, các thứ dân Chăm đều mang chung hai “họ” ấy. Nói “có lẽ” thôi, bởi đến nay vẫn chưa có cứ liệu nào làm bằng chứng. Dạo này, Chăm có xu hướng không dùng hai “họ” kia nữa, nghĩ rằng thế thì tầm thường quá, dẫu đã có không ít vị lấy nó đặt bút danh. Jamưta Harei (nhà nghiên cứu Thiên Sanh Cảnh), Jalau (thi sĩ Trượng Văn Lầu). Vẫn đẹp và sang trọng đáo để!

Chuyện như đùa. Thời Ngô Đình Diệm trong ý đồ quản lý công dân chặt chẽ hơn, trên xã phái tay thư ký xuống các palei Caklaing điều tra dân số. Bước vào nhà tôi, anh gặp ngay chị Hám là chị cả trong gia đình. Anh hỏi:

- Chị họ gì?

- Tui họ Gơp Gađak - chị đáp không cần suy nghĩ.

- Gơp Gađak là họ gì?

- Thì họ Kut Gơp Gađak dòng họ mẹ tui đó.

Anh này mở tròn mắt, gõ gõ đuôi bút bi mấy cái lên trán mà chả bật ra thứ gì.

- Chị còn có họ nào khác không?

- Tui họ Bà Boy, chị Nhjuw, cô Liên…

- À, biết rồi… biết rồi. Thế họ của chị trong giấy khai sanh là thế nào?

- Thế nào ai mà biết, chú hỏi gì hỏi nhiều thế…

Vậy là uổng công! Chị Hám có biết chữ Quốc ngữ đâu mà hỏi. Giá có biết thì chị là Thị Hám, vậy thôi. Tất tần tật nữ Chăm đều “thị” cả. Ra thế, nên Ngô Tổng thống mới mở hàng loạt lớp Bình dân học vụ cho các bà mẹ Chăm ở quê mỗi tối xách đèn coọc đi học. Anh thư ký xã người đàng quê không hiểu chị Hám, tôi thì tôi quá hiểu. Ý chị kêu “họ” theo dòng tộc. Người Chăm có dòng họ được đặt theo tên vua: họ Ppo Rome, họ Ppo Gihluw. Hoặc đặt theo tên loài cây trụ trong Kut chính: họ Gađak, chính là “họ” của chị Hám ở làng Mỹ Nghiệp, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Hay họ Mil Pui (tức Amil Apwei/ Cây me lửa) ở Hữu Đức, cũng thế. Hỏi quá, thì chị kể tên người bà con trong “dòng họ” mình, là phải rồi.

Đó là nói về cộng đồng Chăm ở Pangdurangga đất Tam Phan, Chăm ở miền Tây theo tôn giáo Islam có khác. Người Islam không hề biết đến họ mà chỉ có việc đặt tên mà thôi. Bà con căn cứ vào ngày, giờ sinh mà có thể chọn một trong hai mươi lăm vị thánh Islam, bắt đầu từ Adam cho đến cuối cùng là Muhammad.

Trên nền đó, người ta có thể đặt tên cho con trai và con gái. Ví dụ, sinh ngày chủ nhật, con trai được đặt tên là: Ibrahim, Isa…, con gái là: Rabyyah, Halimah… Việc đặt tên này được thực hiện bảy ngày sau khi sinh. Nếu vậy rất dễ xảy ra sự trùng lặp. Người Islam giải quyết sự vụ này bằng cách thêm tên cha ngay tiếp đó; nam là Bin, nữ là Binti. Nhưng tất tần tật chỉ để gọi ở ngoài đời chứ không hề có mặt trong giấy khai sinh hay căn cước. Ví dụ: Ibrahim Bin Musa, Saliha Binti Issamael.

Chỉ sau này, bằng Đạo dụ số 52, ngày 29-8-1956, Ngô Đình Diệm buộc mọi công dân Việt Nam có tên họ mang âm “dân tộc thiểu số” phải thay đổi cho hợp với âm tiếng Việt. Ví dụ: Yaba thành ra Trương Sơn Ba, Dohamide thành Đỗ Hải Minh. Và việc vận dụng Đạo dụ này của các viên chức càng thêm rối rắm, mỗi nơi mỗi khác. Tại Châu Đốc, họ thêm Châu vào, còn ở Tây Ninh thì thêm Cham! Ví dụ Châu Sanh, Châu Du… hay Chăm Sô, Chăm Lê.

Phong ba bão táp chẳng khác chi tên đường phố Việt Nam hiện thời.

Không thể cứ mãi thế được. Công dân một nước độc lập, tên họ phải lấy làm đầu. Việc trước mắt là đưa tên họ sắc tộc vào nền nếp. Cũng trong tác phẩm trên, Nguyễn Văn Luận cho rằng “Vào năm Minh Mạng thứ 14 (1834), triều đình Huế bắt người Chàm phải theo phong tục Việt nam. Họ phải chọn lấy một trong những tên họ đọc theo ngôn ngữ Việt Nam, gồm có: Bá, Đàng, Hứa, Lưu, Lựu, Hán, Lộ, Mã, Châu, Ngụy, Từ, Tạ, Thiên, Ức, Vạn, Ưng, Lâm, Hải, Báo, Cây, Dương, Quảng, Qua, Trượng, Tưởng, Lư”.

Đây là các họ phổ biến nhất trong Chăm hơn thế kỷ qua. Ừa, tạm được. Dẫu sao, cũng nên nhớ rằng đó chỉ là “họ” mà Minh Mạng đặt cho Cham, chứ không phải “truyền thống” chi chi cả. Quả là nhiêu khê với mênh mông chuyện. Đây là hãy còn chưa bàn đến vụ Chăm theo chế độ gia đình mẫu hệ, nhưng con cái làm khai sinh khai họ cha, càng gia nhiều món cho thêm nỗi rối rắm.

Rối rắm với nhiêu khê, còn hơn là không. Vậy, bạn chọn “họ” nào đặt tên cho đứa con bạn, tùy nghi nhé.

INRASARA

;
.
.
.
.
.